Saturday, June 11, 2016

Bạc Liêu kỷ luật ba lãnh đạo huyện vi phạm nhiều tội

BẠC LIÊU (NV) - Lợi dụng chức vụ và quyền hành, 3 ông cán bộ gồm bí thư, phó bí thư và chủ tịch huyện Phước Long đã “cho vay tiền tỷ làm nông thôn mới để lấy lãi.” 

Các chứng từ giao dịch chuyển tiền từ ngân sách huyện Phước Long đến tài khoản các lãnh đạo và người thân của họ. (Hình: Tuổi Trẻ)

Báo Tuổi Trẻ tường thuật: “Ngày 9 tháng 6, ông Dương Thành Trung, chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự kiến cuối tuần này Ban Chấp Hành đảng bộ tỉnh sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với các ông Trần Hoàng Duyên, bí thư huyện ủy, ông Phan Thành Đông, chủ tịch huyện và ông Lâm Thành Sáo, phó bí thư huyện ủy của huyện Phước Long.”

Trước đó, Ủy Ban Kiểm Tra tỉnh ủy Bạc Liêu đã có kết luận “dấu hiệu vi phạm trong việc nóng vội xây dựng NTM của lãnh đạo huyện làm địa phương này đến cuối năm 2015 nợ 400 tỷ đồng,” đối với 3 ông cán bộ chủ chốt của huyện này.

Theo đó, cả ba ông đều “Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.” Ngoài ra, ông Sáo và ông Đông còn bị thêm tội “Làm trái quy định trong những việc quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của đảng và nhà nước...”

Kết luận cho thấy: Ngay sau khi được chọn là điểm được đầu tư xây dựng NTM, do nóng vội và chạy theo thành tích, huyện ủy, ủy ban huyện Phước Long lập tức cho xây dựng ồ ạt các công trình phục vụ NTM và không lâu sau đó huyện Phước Long trở thành con nợ lớn của các nhà thầu, các cơ sở bán vật liệu xây dựng...

Có nhiều việc “tưởng rất khó xảy ra” nhưng vẫn xảy ra. Chẳng hạn, có nhiều dự án vì lý do chưa cân đối được vốn, chưa bố trí được vốn nhưng được huyện cho nhà thầu ứng vốn trước để thi công. Thậm chí, có dự án đang thi công dở dang thì hết vốn nhưng vẫn được ông Duyên chỉ đạo tiếp tục cho khởi công các dự án mới. Đây được xem là nguyên nhân khiến nợ đọng xây dựng cơ bản tăng nhanh.

Đặc biệt, Nợ nần chồng chất, đến giữa năm 2015, hàng ngàn giáo viên, công chức của huyện nhiều tháng liền không được phát lương do ngân sách sạch tiền. Tuy nhiên trong thời điểm đó, tiền từ ngân sách chi cho huyện vẫn đều đều nhưng lại... chuyển vào tài khoản của cá nhân và người thân của hàng loạt lãnh đạo huyện. Cụ thể, nhiều lần chuyển cho ông Duyên và vợ với số tiền gần 11.717 tỷ đồng; chuyển cho ông Sáo trên 5.5 tỷ, chuyển vào tài khoản của ông Đông số tiền 1.4 tỷ đồng...

Nói với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Duyên thừa nhận có các khoản giao dịch trên và giải thích “Trước đó tôi đã cho huyện vay để xây dựng NTM. Có thời điểm, số tiền vay lên đến 13.450 tỷ đồng,” ông Duyên nói.

Về số tiền cho vay, đến nay ông Duyên cho biết thêm đã thu hồi 11.7 tỷ đồng, nghĩa là huyện Phước Long vẫn còn nợ ông Duyên và gia đình 2 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi ông Duyên thu được là 267 triệu đồng.

Không chỉ có ông Duyên, nhiều lãnh đạo huyện này cũng có cho ngân sách huyện mượn tiền làm NTM. Ông Sáo cho ngân sách huyện “mượn” 5.3 tỷ đồng, đến khi “chốt sổ” thì số tiền lãi ông Sáo thu được là 216 triệu đồng; ông Đông cho vay 1.4 tỷ đồng, lấy lãi 80 triệu đồng.

“Lúc đó mình có tiền nhàn rỗi nhưng ngân sách thiếu thốn, nợ lương nhiều mà mình không cho mượn thì kỳ quá. Thời điểm đó là như thế, chứ mình là đảng viên, nếu làm sai thì chấp hành các hình thức xử lý của đảng, của cấp trên thôi. Số tiền cho huyện vay tôi chỉ lấy lãi đúng theo lãi suất ngân,” ông Sáo biện minh. Nhưng theo kết luận của Ủy Ban Kiểm tra tỉnh ủy, lãi suất ở đây là theo lãi suất cho vay.

Ông Trung cho biết, tỉnh đã hai lần cho chủ trương tạm ứng khoảng 80 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề “nóng” của huyện Phước Long trong nợ nần.

Trong khi đó, nói với phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM ở huyện Phước Long cho biết, ngoài được trả một ít trong dịp Tết Nguyên đán 2016, đến nay vẫn chưa được trả thêm. (Tr.N)

10-06-2016 9:12:58 PM

No comments:

Post a Comment