Saturday, June 11, 2016

Câu chuyện buồn về ý thức người Việt

Theo Người đưa tin-11-06-2016
Nếu các cơ quan chức năng có chính sách phát triển phù hợp với xã hội, tạo điều kiện sống ổn định cho con người, bên cạnh một nền giáo dục tốt thì ý thức của mỗi người sẽ tiến bộ hơn.
Cảnh chen chúc ở khắp mọi nơi. Ảnh minh họa: Giáo dục.
Là một hành khách có “thâm niên” gắn bó với chuyến tàu Đồng Hới – Huế, tôi đã chứng kiến quá nhiều sự việc chướng tai gai mắt về ý thức nơi công cộng của hầu hết người Việt.
Tuy nhiên, những câu chuyện trên chuyến tàu này khiến tôi buồn hơn nữa bởi lẽ những nhân vật chính trong những câu chuyện hầu hết đều là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà kinh tế… tương lai.
Hễ tàu đến ga, cảnh hỗn loạn chen lấn, xô đẩy lại diễn ra một cách bát nháo. Ai cũng muốn mình lên trước trong khi mỗi toa chỉ có hai cửa lên – xuống chiều rộng độ 0.7m. Dòng người ùa lên gặp hành khách xuống tạo thành những “cục nêm” chặt cứng tại cửa. Tệ hại hơn, vào những dịp lễ, Tết không hiếm trường hợp “hành lý ơi ở lại người lên tàu nhé”.
Sự “bon chen” đó không chỉ xảy ra vào lúc “bắt đầu” mà đến khi “kết thúc” cuộc hành trình, trận chiến cũng “khốc liệt” chẳng kém. Từng hàng người xách hành lý cố chen lấn đến càng gần cửa càng tốt, người sau đẩy người trước, giẫm chân lên nhau kêu í ới đến toát mồ hôi hột và các em nhỏ, người bệnh, người già lại phải trải qua một phen vật lộn qua “cửa sinh tử” để… xuống tàu, dẫu biết rằng trước sau gì cũng được xuống!?
Chẳng những vậy, việc vô tư xả rác đã trở thành “khoái cảm” của nhiều hành khách trẻ, mặc dù trên mỗi toa tàu đã có khuyến cáo “giữ gìn vệ sinh chung” nhưng dường như tất cả họ đều bỏ ngoài mắt, ngoài tai những lời nhắc nhở đó! Rất ít người tuân thủ và cứ thế, tầng tầng lớp lớp vỏ bánh, kẹo, bã kẹo cao su, tàn thuốc lá cứ ngày dày lên trong những gầm ghế, hay các khe, ngõ ngách trên toa tàu.
Thế nên mỗi lần bước lên tàu, tôi lại một lần được “xông mũi” bằng một mùi hôi ngầy ngậy, khó để diễn tả. Bởi cái mùi kinh khủng đó là pha trộn từ khói thuốc, nước bọt nhổ xuống sàn tàu, đồ ăn, những đôi giày đôi dép dính đầy bùn đất…
Biết trước cái “quy luật” bất thành văn ấy, trong những lần đi tàu tôi thường hay xuống sau cùng, cũng vì thế mà tôi đã nhiều dịp được quan sát những toa tàu sau khi hết khách; một khung cảnh tiêu điều, sàn tàu bê bết nhầy nhụa, những vỏ lon bia, tóp thuốc lá, chai nước nằm lăn lóc.
Khi bước xuống tàu, tôi lại được chứng kiến văn hóa giao thông “tệ hại” của một bộ phận không nhỏ người Việt. Đặc biệt, các ngã tư chính là nơi xảy ra những sự “mâu thuẫn lớn”. Trong khi ở phía đèn đỏ, mọi phương tiện nhấn ga thật nhanh để chạy thêm chút nữa, thì ở phần đường đèn chuẩn bị xanh ai ai cũng cố gắng tranh nhau lên để tiết kiệm “vài giây cuộc đời”. Quả thực rất hỗn loạn và nguy hiểm!
Chúng ta có thể thấy người Việt “vô ý thức” chắc chắn không phải do “bẩm sinh”. Mà nguyên nhân cơ bản có lẽ vì chính sách phát triển con người ở nước ta còn nhiều hạn chế. Nếu các cơ quan chức năng có chính sách phát triển phù hợp khiến xã hội trật tự văn minh, tạo điều kiện sống ổn định cho con người, bên cạnh một nền giáo dục tốt thì ý thức của mỗi người sẽ ngày càng tiến bộ hơn.

No comments:

Post a Comment