Phối cảnh “trung tâm hành chính” tỉnh Khánh Hòa, công trình sẽ ngốn 3,000 tỷ đồng, dẫn đầu về mức độ tốn kém. (Hình: Báo VnExpress)
Lý do mà ông thủ tướng Việt Nam đưa ra yêu cầu vừa kể là vì các nguồn thu cho công quỹ liên tục giảm trong khi chi tiêu cho hoạt động của hệ thống công quyền vẫn tăng đều đặn (hiện chiếm khoảng 85% tổng số các khoản thu từ ngân sách) và các khoản nợ phải trả càng ngày càng nhiều. Để tránh vỡ nợ, Việt Nam liên tục phải vay tiền, vừa để nuôi hệ thống công quyền, vừa để trả nợ.Cuối tháng vừa qua, trả lời phỏng vấn của tờ Tuổi Trẻ, một viên chức ở tỉnh Long An giải thích, sở dĩ chính quyền tỉnh này không ngưng xây dựng “trung tâm hành chính” vì công trình được khởi công trước khi thủ tướng Việt Nam có lệnh đã kể nên không thể bỏ dở. Sắp tới, ở “giai đoạn hoàn thiện,” chính quyền tỉnh Long An sẽ “chủ động tự cân đối” bán các công thự, bán đất để kiếm cho đủ 1,150 tỷ đồng chứ không xin tiền từ công quỹ nữa.
Lối lập luận này khiến nhiều người bất bình, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đặt vấn đề, trong bối cảnh như hiện nay của Việt Nam, cái gì là ưu tiên khi sử dụng ngân sách (?). Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn dẫn các số liệu thống kê hồi Tháng Ba - thời điểm dân chúng Long An điêu đứng vì hạn hán và nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, theo đó, do thiệt hại quá lớn, chính quyền tỉnh Long An đề nghị chính quyền trung ương hỗ trợ 5 tỉ đồng để bơm nước giúp dân, 60 tỉ đồng để nạo vét kênh mương trong năm nay và các năm tiếp theo.
Lúc đó, không thấy chính quyền tỉnh Long “chủ động tự cân đối” giống như lúc đeo đuổi việc xây dựng “trung tâm hành chính.”
“Trung tâm hành chính” đã và đang là một thứ dịch tại Việt Nam. Thay vì bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa của hai từ này thì chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam chỉ chú ý đến chuyện làm sao để “trung tâm hành chính” của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác.
Bệnh viện đa khoa thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngay cả hành lang cũng không còn chỗ, bệnh nhân phải nằm ngoài... sân. (Hình: Báo Dân Việt)
Với lý do gom tất cả cơ quan công quyền về một chỗ sẽ “tạo sự thuận lợi cho dân chúng khi cần giao dịch hành chính,” ngân sách Việt Nam đã mất cả trăm ngàn tỷ cho các “trung tâm hành chính”: Khi chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chi 1,000 tỷ đồng xây “trung tâm hành chính” ở thành phố Bà Rịa thì chính quyền tỉnh Bình Dương phải chi 1,400 tỷ đồng xây “trung tâm hành chính” ở thành phố mới Bình Dương.Bởi chính quyền thành phố Đà Nẵng nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” của thành phố Đà Nẵng lên 2,000 tỷ đồng nên chính quyền tỉnh Đồng Nai chi 2,200 tỷ đồng cho việc xây dựng một “trung tâm hành chính” ở thành phố Biên Hòa. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa muốn phá kỷ lục nên nâng mức chi tiêu cho “trung tâm hành chính” ở thành phố Nha Trang lên 3,000 tỷ đồng,...
Hệ thống công quyền ở Việt Nam hiện có khoảng 2.8 triệu công chức. Hồi còn là phó thủ tướng, thủ tướng đương nhiệm của Việt Nam từng thừa nhận chỉ có 30% công chức có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Nói cách khác, dân chúng Việt Nam đang phải còng lưng nuôi báo cô 70% còn lại. Chưa kể họ còn phải nuôi báo cô các viên chức trong hệ thống chính trị (cán bộ Đảng và các hội đoàn do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo). Tính ra số lượng viên chức các loại mà dân chúng Việt Nam đang phải nuôi báo cô lên tới hàng chục triệu.
Bởi chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) quá lớn và nợ nần phải trả quá nhiều, trong vài năm gần đây chi cho phát triển và phúc lợi (trường học, bệnh viện, đường xá, cầu cống...) liên tục giảm. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định họ là chính quyền “của dân, do dân và vì dân.” (G.Đ)
11-06-2016 5:42:35 PM
No comments:
Post a Comment