Cổng vào một trường mẫu giáo trên đường Kinh Dương Vương. Khi công trình chống ngập hoàn tất, từ giáo viên đến trẻ con sẽ phải chui vào trường. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Sắp tới khi nền đường được nâng lên ngang với mặt hai bức tường vừa xây xong, tất cả các đơn vị dân cư trên đường Kinh Dương Vương, đoạn từ vòng xoay An Lạc đến vòng xoay Mũi Tàu sẽ thấp hơn bề mặt vỉa hè từ 60 centimeter đến 1 mét. Mọi người sẽ buộc phải chui ra, chui vào chứ không thể ra vào một cách bình thường nữa.
Do tác động của dư luận, giữa tuần này, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn đến tận nơi thị sát và “phê bình” cả Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước lẫn chủ tịch quận Bình Tân khi biến tư gia của dân chúng thành... hầm.
Trung Tâm Điều Hành Chương Trình Chống Ngập Nước phân bua, việc nâng mặt đường Kinh Dương Vương lên cao bất thường đã được Sở Giao Thông Vận Tải thành phố Sài Gòn duyệt. Không nâng cao như vậy thì con đường này vẫn ngập.
Ông Lê Văn Thanh, chủ tịch quận Bình Tân, khẳng định chính quyền quận này không đồng ý nâng mặt đường lên quá cao như thế. Dẫu nhà thầu đã làm xong hệ thống cống và các công trình ngầm, ông Thinh vẫn khẳng định, công trình chống ngập ở đường Kinh Dương Vương chỉ giải quyết được chuyện ngập trên con đường này chứ không giải quyết được chuyện ngập cho lưu vực có diện tích tới 90 héc ta.
Chuyến thị sát của chủ tịch thành phố Sài Gòn chỉ để lại yêu cầu là các bên hữu trách “nghiên cứu” việc giảm độ cao của mặt đường, lắp các van ngăn thủy triều tràn vào, lắp thêm hệ thống bơm nước và thi công đừng làm phiền dân!
Hàng chục ngàn tỷ đổ vào việc chống ngập ở Sài Gòn dường như sẽ tiếp tục trôi theo cống!
Do tình trạng ngập lụt ở Sài Gòn càng ngày càng trầm trọng (ngập khắp nơi, dễ ngập sâu và ngập rất lâu), hồi Tháng Mười Một năm ngoái, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo sẽ “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập, tổng giá trị được ước tính tới 68,000 tỷ đồng.
Theo chính quyền thành phố Sài Gòn thì cao độ của Sài Gòn vào khoảng hơn một mét so với mực nước biển. Bởi Sài Gòn bị bao bọc bởi ba con sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ với rất nhiều rạch nhỏ thành ra, nếu thủy triều dâng lên 1.5 mét, khoảng 2/3 diện tích Sài Gòn sẽ bị ngập.
Trong mười năm qua, thủy triều thường vượt qua mức 1.68 mét và Sài Gòn ngập lụt nặng. Các công trình chống ngập mà chính quyền thành phố Sài Gòn đã thực hiện chỉ đáp ứng chừng 10% nhu cầu. Cũng vì vậy, từ 2016 đến 2020, cần phải cải tạo 3,407 cây số cống thoát nước, nạo vét khoảng năm cây số kênh rạch, làm 10 cống ngăn thủy triều, xây khoảng 150 cây số đê, xây khoảng 100 hồ điều tiết nước và 12 nhà máy xử lý nước thải,...
Công trình chống ngập ở đường Kinh Dương Vương là một trong những dự án “đổi đất lấy công trình chống ngập.”
Cần lưu ý là trong thập niên vừa qua, chính quyền thành phố Sài Gòn đã dùng hết 24,300 tỷ để chống ngập nhưng tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn càng ngày càng trầm trọng hơn.
Nhiều chuyên gia khẳng định, vấn nạn ngập lụt của Sài Gòn không phải do “biến đổi khí hậu” khiến thủy triều dâng cao hơn trước mà vì quản lý tồi.
Cho dù việc thoát nước ở Sài Gòn vốn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn vẫn ra lệnh lấp khỏang 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4,000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm.
Tháng Mười năm ngoái, giới hữu trách ở Sài Gòn loan báo sẽ chi 300 tỷ để khôi phục lại kênh Hàng Bàng mà họ từng ra lệnh lấp vào năm 2000. Việc cho phép lấp một phần hoặc toàn bộ sông, kênh, rạch để xây dựng đủ loại công trình đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng, nay, nếu khôi phục lại sẽ ngốn thêm hàng chục ngàn tỉ đồng nữa nhưng không có viên chức nào bị truy cứu trách nhiệm.
Cho đến nay, cũng không có bất kỳ viên chức nào phải chịu trách nhiệm về chuyện đã tốn quá nhiều tiền chống ngập song tình trạng ngập lụt năm sau vẫn nghiêm trọng hơn năm trước!
Vào cuối năm 2014, khi được mời góp ý để tìm giải pháp cho tình trạng ngập lụt càng ngày càng trầm trọng ở Sài Gòn, một số chuyên gia về thủy lợi, khí tượng - thủy văn, tài nguyên - môi trường đã từng khẳng định, Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế.
Việc chống ngập cho Sài Gòn đang đi theo hai hướng ngược nhau. Đó là các nghiên cứu sâu để tạo nền móng chắc chắn cho tính khả thi của các dự án rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án lại rất lớn. Theo họ, các dự án thực hiện theo những quy hoạch đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại. Công trình chống ngập ở đường Kinh Dương Vương là bằng chứng mới. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment