HÀ NỘI (NV) - Đó là điểm chính trong một quyết định liên quan đến “điều hành nợ nần” của Việt Nam trong năm nay. Quyết định vừa được thủ tướng Việt Nam phê duyệt.
Việt Nam cần vay tới hơn $20 tỷ vì nợ nhiều mà không có tiền trả đúng hạn nên cứ phải vay nhiều hơn. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Theo quyết định vừa kể thì năm nay, chính phủ Việt Nam dự tính vay 452,000 tỷ đồng (hơn $20 tỷ) và sẽ lấy từ đó 273,000 tỷ đồng ($12 tỷ) để trả nợ. Phần còn dư sẽ dùng để... bù đắp bội chi.
Trong 452,000 tỷ đồng mà chính phủ Việt Nam dự tính đi vay, có khoảng 336,000 tỷ đồng sẽ vay từ việc phát hành trái phiếu tại Việt Nam, vay của Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội (quỹ dùng để trả trợ cấp thất nghiệp, lương hưu) và SCIC (SCIC là cách gọi tắt Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước. SCIC là cơ quan nắm giữ phần vốn của chính quyền Việt Nam tại các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng chính quyền Việt Nam chưa rút hết vốn). Phần còn lại, chính phủ Việt Nam sẽ hỏi vay quốc tế như vay qua các nguồn ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển), phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, kể cả phát hành trái phiếu Samurai (vay bằng Yen tại thị trường tài chính của Nhật).
Việt Nam đã ngập trong nợ và đang chìm sâu vì nợ.
Cách nay vài ngày, cơ quan nghiên cứu của Ngân Hàng Đầu Tư-Phát Triển Việt Nam (thường được gọi tắt là Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV), công bố kết quả khảo sát về thực trạng nợ nần của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mỗi năm, nợ nần của Việt Nam tăng 16.7%. So với tổng nợ của năm 2011 (1,393 triệu tỷ đồng), tổng nợ của năm 2015 (2,608 triệu tỷ đồng) tăng gấp hai lần. Tương đương 62.2% GDP.
Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV nói thêm, đó mới chỉ là tính theo cách tính toán nợ nần của chính phủ Việt Nam. Nếu tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, tổng nợ của Việt Nam đã vượt quá 100% GDP.
Bởi mức độ ưu đãi dành cho Việt Nam khi vay từ các nguồn quốc tế đang giảm, nên Việt Nam đang chuyển hướng đi vay từ vay quốc tế thành vay trong nước. Tiền vay trong nước đã tăng từ 40% tổng nợ hồi năm 2011 thành 57.1% tổng nợ vào cuối năm 2015. Giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần so với giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2006-2010.
Để có thể vay nhiều hơn từ trong nước, ngoài việc nâng lãi suất lên mức cao hơn lãi suất của hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam còn hạ kỳ hạn trái phiếu. Bởi có tới 77% trái phiếu đã phát hành từ 2011 đến 2013 là trái phiếu ngắn hạn (phải trả đủ cả vốn lẫn lãi trong vòng từ một đến ba năm) nên đến năm 2014, chính phủ Việt Nam phải liên tục phát hành thêm trái phiếu mới để lấy tiền thanh toán các trái phiếu tới hạn thanh toán.
Tuy vay càng ngày càng nhiều, số lượng vay càng lúc càng lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn vay của chính phủ Việt Nam cực kỳ tệ hại bởi đa số vốn vay được rót hết vào các công trình đầu tư vô bổ, thiếu chất lương và doanh nghiệp nhà nước.
Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới (WB), giai đoạn 2006-2010, chỉ số ICOR (để tính toán hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam là 6.9, sang giai đoạn 2011 đến 2014 vẫn còn tới 6.92. Nghĩa là vẫn phải bỏ ra gần 7 đồng mới tạo được 1 đồng sản lượng.
Đáng chú ý là càng về sau này, việc sử dụng tiền vay càng đáng ngại. Sau giai đoạn phung phí tiền đi vay, Việt Nam tiến tới giai đoạn phải vay tiền để trả nợ và số tiền phải trả càng ngày càng lớn. Năm 2014, nhiều người tỏ ra hết sức ái ngại khi tiền trả nợ của Việt Nam tương đương 38% tổng thu ngân sách. Tuy nhiên tỉ lệ này không ngừng ở đó. Đến năm 2015, tiền trả nợ của Việt Nam tương đương... 45% tổng thu ngân sách.
Do dốc sức để trả nợ, đầu tư cho phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực thiết yếu khác cùng giảm. Vài năm nay, chi tiêu dành cho phát triển chỉ còn không tới 5% tổng thu ngân sách.
Đó cũng là lý do các nguồn thu cho ngân sách giảm nhanh và mạnh. Năm 2011 thu ngân sách tương đương 25.9% GDP. Năm 2015 tụt xuống 22.1% GDP và các chuyên gia kinh tế khẳng định, tỉ lệ thu ngân sách/GDP sẽ còn giảm nữa. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment