ĐÀ NẴNG (NV) - Tàu quân sự Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá xâm nhập rất nhiều và có trường hợp xâm nhập rất sâu vào gần bờ biển Đà Nẵng, theo thông tin đưa ra tại một hội nghị địa phương.
Một đoàn tàu cá Trung Quốc được xua xuống Biển Đông, xâm phạm vùng biển Việt Nam. (Hình: Henews)
Tờ Dân Việt hôm Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016 tường thuật một hội nghị của “Ban chỉ đạo Biển Đông và hải đảo” của thành phố Đà Nẵng tổ chức một ngày trước đó cho hay như vậy về vấn nạn mà thành phố này cũng như các thành phố dọc biển Việt Nam đối diện suốt bao năm qua và không dám mạnh tay đối phó chỉ vì “16 chữ vàng.”
Hội nghị vừa kể tổng kết 5 năm hoạt động nêu ra các thông tin “khiến tất cả các đại biểu có mặt rất lo lắng.”
Tờ Dân Việt kể như vậy và thuật lại rằng “năm 2015 Trung Quốc tiếp tục thực hiện sự bành trướng của mình trên Biển Đông với những hành động như thành lập 4 “Ban vũ trang nhân dân.” Đẩy mạnh tôn tạo, bồi đắp, mở rộng trái phép tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc còn mưu đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), đưa hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên duy trì các tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám, máy bay tuần tra để xua đuổi, bắt giữ tàu cá, cản trở cứu hộ cứu nạn... trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.”
Không dừng lại ở đó, “tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập đánh bắt hải sản và trinh sát ở sâu trong lãnh hải Việt Nam. Thậm chí có tàu cá giả dạng vào cách đất liền Đà Nẵng chỉ 4 hải lý để trinh sát.”
Nguồn tin trên nói: “Thống kê của Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng Đà Nẵng cho thấy, năm 2015 có 264 lượt tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển Đà Nẵng, trong đó có nhiều tàu xâm phạm đánh bắt hải sản ở khu vực Đông Bắc Sơn Trà chỉ từ 45-50 hải lý. Ngoài ra còn có 57 tàu của Trung Quốc trinh sát tại các lô dầu khí 116, 144, 145 của Việt Nam. Đầu tháng trước, một viên chức nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters rằng khoảng 50,000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng, nước đá để ngoài việc đánh bắt hải sản thì còn tham gia bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.”
Các ngư dân Trung Quốc làm việc trên những tàu đánh cá tại Biển Đông đã được trả tiền trong thời gian huấn luyện quân sự (bao gồm cứu nạn, chiến đấu), thu thập-báo cáo thông tin về tình hình trên biển.
Chủ một số công ty đánh cá tư nhân xác nhận với Reuters rằng công ty của họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá bằng gỗ bằng tàu đánh cá có vỏ thép, có thể thực hiện dễ dàng các chuyến hải hành đến tận quần đảo Trường Sa, vừa khai thác hải sản, vừa “chống các tàu đánh cá ngoại quốc xâm phạm chủ quyền.” Nhiều ngư dân Trung Quốc khẳng định, họ tin rằng quân đội Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ nếu hoạt động của họ bị kháng cự.
Các tàu đánh cá của Trung Quốc hiện đã có thể nhận tiếp liệu (nước ngọt, xăng,...) ở quần đảo Hoàng Sa và họ mong sớm có thể nhận tiếp liệu tương tự tại những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đã và đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Các tàu đánh cá hoặc “giả dạng” tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm các vùng biển của Việt Nam thường không đi lẻ tẻ mà đi thành từng đoàn đông đảo, “mật độ dày đặc” mà nhiều khi có cả “tàu võ trang giả dạng” đi kèm. Dù nhìn thấy, một chiếc tàu cảnh sát biển Việt Nam nhỏ bé của Việt Nam “khó khăn bảo vệ chủ quyền.”
Tháng 6, 2013, Bộ Đội Biên Phòng Đà nẵng báo cáo: “Trong vòng nửa năm qua, lực lượng BĐBP Đà Nẵng phát hiện và đẩy đuổi trên 480 lượt tàu cá nước ngoài, trong đó chủ yếu tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, khai thác trái phép trên khu vực đông bắc Đà Nẵng, chỉ cách bờ khoảng 20-45 hải lý; tăng gần 300 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012.”
Sự vi phạm trắng trợn khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vào rất gần với bờ biển Việt Nam như thế, người ta không thấy tàu tuần, cảnh sát biển bắt giữ đám tàu ngang ngược của Trung Quốc. Trong khi đó, tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm, bắn cháy, ngư dân trôi dạt trên biển vì sự độc ác của lính Trung Quốc mà báo chí tại Việt Nam tường thuật rất nhiều. (TN)
11-06-2016 2:54:36 PM
11-06-2016 2:54:36 PM
No comments:
Post a Comment