Việt Hương -12 tháng 03 năm 2016 06:06
TP - Bám ruộng chẳng đủ ăn, nhiều nhà nông bỏ ruộng, trả ruộng. Trong hai vụ Hè và Xuân vừa qua, tại Nghệ An có tới gần 1.500ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang (các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu…). Toàn tỉnh có khoảng 15.000 lao động ly hương tìm việc làm trong và ngoài nước.
Ruộng bỏ hoang vụ Xuân tại Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: Việt Hương.
Muôn nẻo rời quê
Huyện Yên Thành, nơi từng được xem là “vựa lúa” của tỉnh Nghệ An, trong những năm qua cũng có nhiều biến động trong nhân lực lao động. Nếu như trước đây, bà con gắn bó với “bờ xôi ruộng mật”, thì nay lực lượng lao động trẻ lại có hướng “chuyển dịch” mới. Thống kê tại huyện Yên Thành cho thấy, hằng năm có trên 10.000 người đi xuất khẩu lao động tại 23 quốc gia. Đây được xem là hướng đi đang thu hút nhiều lao động trẻ của địa phương. Thay vào đó, “bờ xôi ruộng mật” được bà con nhà nông mang… trả lại cho xã quản lý.
Sau mấy ngày sum vầy dịp tết cổ truyền, nhiều ngôi làng chỉ lưa thưa còn lại hình bóng của những ông bà già và trẻ nhỏ, ít xuất hiện thanh niên. “Con cháu chúng tôi chấp nhận đi làm thuê ở thành phố từ giúp việc, công nhân cho đến buôn bán đồng nát, hàng ăn vỉa hè… miễn là có tiền mặt gửi về nuôi con ăn học chứ bám ruộng đồng lúa chẳng đủ ăn, nói chi các khoản chi tiêu khác trong nhà”, ông Hoàng Nguyên Hợi, 65 tuổi trú xóm Hồng Yên (Diễn Ngọc - Diễn Châu) tâm sự. Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu - Nghệ An) cho biết: “Gần 2/3 số dân độ tuổi lao động trong xã tìm cách đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ngoài và các thành phố lớn trong nước. Nông dân càng ngày càng chán với nghề nông, bỏ hoang ruộng lúa, chấp nhận đi làm thuê”.
Tại xã Thanh Hưng (Thanh Chương - Nghệ An), hiện có hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 2.200 người. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 950 lao động đi làm thuê ở nơi khác, 55 người đi XKLĐ ở nước ngoài và hằng năm, số lao động trên làm ra hàng chục tỷ đồng (gấp 3 lần khi ở nhà làm ruộng). “Cách đây 3 năm, nhà tôi còn làm tới 7 sào ruộng lúa cả hai vụ hè và xuân thì dư ra nguồn lương thực để ăn cả năm. Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay không thể chỉ ăn gạo không mà sống được. Lúa mang đi bán cũng rẻ rúng lắm nên chúng nó chọn cách sang Lào buôn bán đồng nát và mang về hàng chục triệu đồng/năm, đảm bảo cho con cái học hành thì phải trả lại ruộng thôi”, một nông dân nói.
Nguồn thu từ ruộng không đủ sống nông dân miền Trung thi nhau bỏ ruộng. Ảnh: Việt Hương.
Những cánh đồng bỏ hoang
Về các xã Hưng Lợi, Hưng Thắng, Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), thời gian này gần như nông dân bỏ hẳn vụ Hè, vụ Xuân chỉ làm rải rác. Những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” trở thành nơi chăn thả trâu bò trên ruộng. “Vụ Hè thu họ đã bỏ hoang rồi, nay vụ Xuân cũng ít người mặn mà lắm, vì nguồn thu chẳng đủ chi. Làm ruộng thuê tất tần tật hết nhiều tiền mà sản lượng làm ra, bán đi cũng chẳng đủ để bù vào nên dân chọn cách kiếm tiền từ các công việc khác. Kiếm tiền kiểu “tiền trao cháo múc” vẫn tốt hơn”, chị Trần Thị Mến, xã Hưng Lợi chia sẻ.
Thông thường, cứ vào dịp sau tết một tuần, người dân lại nô nức xuống đồng để chuẩn bị cho vụ hè thu. Thế nhưng gần đây, tình trạng nông dân bỏ ruộng lại tiếp tục tiếp diễn. Thay vì xuống đồng, một bộ phận lao động ở tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang chuẩn bị đi các tỉnh khác làm ăn trong khi đồng ruộng bị bỏ không. Đáng chú ý, theo nhận định của đại diện nhiều địa phương, tình trạng nông dân bỏ ruộng sẽ tiếp tục xảy ra trên quy mô lớn hơn. Nguyên nhân thì đã rõ nhưng các ngành chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu để người dân yên tâm bám ruộng.“Với cái thời buổi công nghiệp hóa hiện đại hóa như hiện nay thì nhà nông bỏ ruộng có khi lại là một điều tốt. Đã bần nông mà quanh năm chỉ ôm khư khư một mẫu ruộng thì chỉ có nước thiếu ăn. Làm nông phải định hướng và lựa chọn đúng con đường biến những mẫu ruộng khô cằn thành cái đích làm giàu mà không nhất thiết phải cấy lúa”.Ông Vi Lưu Bình, PGĐ sở NN&PTNT Nghệ An
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi địa phương trong cả nước trung bình có khoảng 100 ha ruộng lúa bị bỏ hoang. Vụ hè thu vừa qua, Nghệ An là địa phương diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả lại ruộng nhiều với gần 2.000 ha, trong đó đứng đầu là Nam Đàn hơn 700 ha, tiếp đó là Hưng Nguyên trên 400ha, còn lại là các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Đô Lương… Ở Nam Đàn, hàng chục hecta ruộng lúa đã bị người dân đăng ký trả không tiếp tục cày cấy. Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng đã được các ngành chức năng làm rõ, đó là giá lúa, rau màu thấp trong khi đầu vào như vật tư phân bón, dịch vụ bảo vệ thực vật, công chăm sóc ngày càng tăng cao… Thu nhập thấp lại phải đóng phí theo đầu sào đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý nông dân.
Tại Diễn Tháp (Diễn Châu - Nghệ An), hầu hết dân không còn làm ruộng, thay vào đó là “xuất ngoại” sang nước bạn Lào để buôn bán đồng nát, thương mại xây dựng. Nông dân đang có xu hướng ngày càng ít mặn mà với đồng ruộng, thay vào đó là muôn nẻo chọn cách kiếm sống từ các việc làm thuê trong và ngoài nước. Có người cũng phải đổ máu và nước mắt mới đổi được đồng tiền về nuôi con ăn học; kẻ thì bỏ mạng ở nước ngoài… hệ lụy khôn lường.
Ông Đậu Xuân Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Tháp (Diễn Châu - Nghệ An) cho biết: Toàn xã có tới 95% dân chuyển đổi nghề nông sang nghề thương mại. Vụ xuân này nhà nông còn gắng gượng ra đồng chứ vụ hè thu hầu như bỏ ruộng sang Lào kiếm sống. Hàng chục năm nay, dân Diễn Tháp đã không còn mặn mà với nghề nông nữa, ruộng đồng bỏ hoang, làng vắng người…
No comments:
Post a Comment