Saturday, March 12, 2016

Nỗi xấu hổ xuất khẩu lao động: Tự hào kiểu Việt Nam

(Baodatviet) - Chỉ vì sức ép việc làm ở trong nước mà đẩy lao động ra nước ngoài là sai lầm lớn...

PGS.TS Mai Quốc Chánh – Trường Đại học Lao động và Xã hội cũng cho rằng “xuất khẩu lao động là nỗi nhục của một dân tộc”. Theo ông, một điều chắc chắn rằng, tâm thế người làm chủ bao giờ cũng khác hẳn với người đi làm thuê.

Ông Chánh cho biết, xuất khẩu lao động chỉ được coi là giải pháp tình thế, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nền sản xuất không phát triển do đó phải đẩy lượng lao động dôi dư ra nước ngoài để giảm gánh nặng cho xã hội và cả nền kinh tế. Đó chỉ là giải pháp bần cùng bất đắc dĩ, ông Chánh nhắc lại.

Noi xau ho xuat khau lao dong: Tu hao kieu Viet Nam
Ảnh minh họa

Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể coi đó là giải pháp cứu cánh. Ông cho biết, về trước mắt, xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được một phần việc làm, tạo nguồn thu, giảm áp lực xã hội, nền kinh tế cũng không thể thụ động ngồi chờ đợi nguồn kiều hối của lao động ở nước ngoài gửi về.

Theo ông, ngay cả niềm tự hào lao động giá rẻ, Việt Nam cũng cần nhìn nhận lại. Không nên bằng lòng mãi với niềm tự hào nhân công giá rẻ. Các nước khác không làm như Việt Nam, họ coi xuất khẩu lao động như một kênh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc. Điều mà nước ta chưa bao giờ coi trọng.

"Thế giới coi trọng lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn, vì thế, chỉ khi nào lao động của Việt Nam sang làm việc cùng với các chuyên gia nước họ khi đó hãy nên tự hào", ông Chánh nói.

Ông lo ngại, nếu không sớm thay đổi mà cứ bằng lòng với thành tích xuất khẩu lao động giá rẻ đó sẽ là điều rất đáng lo ngại. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, vấn đề lao động cũng đang đứng trước môi trường cạnh tranh rất mạnh mẽ, nếu chất lượng lao động không được nâng lên rõ ràng người lao động Việt sẽ luôn ở thế yếu.

Ở trong nước, sự sàng lọc, đào thải lao động tại các doanh nghiệp nước ngoài hiện cũng đã diễn ra mạnh mẽ. Rất nhiều lo ngại, lao động Việt có nguy cơ thất nghiệp ngay trên sân nhà do nhiều yếu tố như thiếu kỹ năng, thiếu trình độ, tính kỷ luật thấp.

Còn ở nước ngoài, việc tuyển dụng lao động ngày càng được siết chặt. Khi nguồn cung lớn hơn cầu, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. VN đã ghi nhận rất nhiều trường hợp lao động bị đánh đập, ép uổng, thậm chí còn bị khai thác thân thể... đó là quy luật tất yếu của thị trường.

Sự cạnh tranh này đã từng  xảy ra từ những năm thời kỳ 1980, VN cũng ồ ạt xuất khẩu lao động sáng Bungari và một số nước khác. Kết quả là lao động không được sử dụng với đúng ngành nghề đã được đào tạo, bị đối xử không công bằng, ngược đãi....

"Tôi là người đi nghiên cứu sinh tại đây, thầy dậy của tôi có hỏi: Tại sao nước cậu lại đưa nhiều lao động sang đây thế? Tôi có giải thích, do nước tôi còn nghèo và khó khăn.

Ông thầy đã tiết lộ, vừa mới đọc được chỉ thị yêu cầu tăng cường sử dụng lao động VN. Nhưng sử dụng thế nào là do họ quyết định, không dựa trên hợp đồng. Tôi đã chứng kiến, lao động Việt phải sống rất khó khăn, thiếu thốn, hàng chục người bị dồn vào một căn phòng nhỏ.
Khi đó tôi hiểu rằng, VN đã sai lầm. Chỉ vì sức ép việc làm ở trong nước mà các nhà quản lý chỉ nghĩ rằng đang thiếu việc làm thì phải làm thế nào để đưa được càng nhiều lao động sang nước ngoài càng tốt. Chính vì thế, dẫn tới việc lao động bị sử dụng tùy tiện, không được coi trọng", ông nói.

Theo ông nói, thì kịch bản "mua rẻ, bán rẻ" nguồn lao động thực tế đã xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng nếu VN không thay đổi thì áp lực cạnh tranh, lao động bị ép giá sẽ còn diễn ra gay gắt hơn. Người chịu thiệt thòi chỉ là lao động VN.

Hiện nay, đang có một thực tế lao động có trình độ, có chuyên môn lại không được trọng dụng trong nước, nên không tận dụng được nguồn nhân lực có trình độ cao đó.

Bên cạnh đó, do chính sách thu hút, sử dụng lao động bất hợp lý dẫn tới chảy máu chất xám. Có rất nhiều trường hợp đi du học đã không trở về. Trong khi lao động phổ thông lại không có điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Vấn đề đặt ra là lao động có trình độ cao thì bị mất, lao động trình độ thấp không đáp ứng được yêu cầu hội nhập mới, chỉ phân tích như vậy sẽ thấy tương lai nguồn lao động VN sẽ đi về đâu.

11/03/2016 14:22

No comments:

Post a Comment