HÀ NỘI (NV) - Ít nhất là đến cuối tuần tới, việc truy cập Internet tại Việt Nam mới trở lại bình thường. Dù việc truy cập Internet hết sức khó khăn nhưng giống như trước, phí dịch vụ Internet không hề thay đổi.
Sơ đồ tuyến cáp quang AAG nối Việt Nam với bên ngoài qua Internet. (Hình: Báo Thanh Niên)
Việc truy cập Internet tại Việt Nam trở thành hết sức khó khăn từ hôm 3 tháng 3 và sẽ còn tiếp diễn ít nhất cho đến ngày 18 tháng 3 và cũng liên quan đến tuyến cáp quang chạy ngầm dưới đáy biển có tên là Asia America Gate Way, thường được gọi tắt là AAG, hỗ trợ người sử dụng Internet tại Việt Nam kết nối với các trang web, gửi - nhận thư điện tử, trò chuyện với các bên hoặc những người sử dụng Internet bên ngoài Việt Nam.
Tuyến cáp quang AAG có chiều dài khoảng 20,000 cây số, bắt đầu từ Mã Lai và kết thúc tại Hoa Kỳ. Nhánh rẽ vào Việt Nam của tuyến cáp quang AAG có chiều dài 314 cây số, cập bờ tại Vũng Tàu.
Tuyến cáp quang AAG bắt đầu được khai thác vào năm 2009 và thường xuyên bị đứt. Mỗi lần tuyến cáp AAG bị đứt, lưu lượng kết nối với Internet giữa Việt Nam và bên ngoài lại giảm khoảng 60%.
Lần đứt gần nhất xảy ra hồi đầu tháng 1 năm ngoái và kéo dài cho đến cuối tháng. Lúc đó giới hữu trách tại Việt Nam cho biết, đoạn cáp bị đứt nằm trong khoảng nối giữa tuyến cáp chính với trạm chuyển tiếp tại Vũng Tàu, cách trạm chuyển tiếp Vũng Tàu khoảng 120 cây số.
Trước đó, khi tuyến cáp quang AAG bị đứt, những cơ quan có trách nhiệm duy trì và vận hành tuyến cáp quang AAG phỏng đoán nguyên nhân có thể do hoạt động của các con tàu ngang dọc trên biển, song hồi tháng giêng năm ngoái, họ cho rằng, tuyến cáp quang AAG bị đứt là do... cá mập cắn, bởi cá mập không phân biệt được sóng điện từ của cáp quang với điện trường sinh học quanh các đàn cá.
Do tuyến cáp quang AAG lien tục bị đứt nên mức độ nghi ngờ của dân chúng Việt Nam về chất lượng của tuyến cáp quang này càng lúc càng cao. Lúc đầu, đại diện một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam biện bạch, sự ổn định của các tuyến cáp quang chạy ngầm dưới biển phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời tiết, lưu lượng tàu bè qua lại trong khu vực có cáp, địa chất đáy biển... Tuy nhiên sau này, chính họ cũng thừa nhận, các khâu khảo sát - thiết kế tuyến cáp quang AAG có thể có vấn đề nên tần suất đứt mới “dày đặc” như vậy.
Cuối năm 2013, tuyến cáp quang AAG bị đứt đến giữa tháng 1 năm 2014 mới khôi phục được. Tới tháng 3 năm 2014, cơ quan có trách nhiệm duy trì và vận hành tuyến cáp quang AAG phải “bảo trì” nên việc truy cập Internet tại Việt Nam cũng chẳng khác gì lúc tuyến cáp quang này bị đứt. Sau khi “bảo trì,” vào giữa tháng 7 năm 2014, tuyến cáp quang AAG lại bị đứt khiến việc truy cập Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng trong khoảng nửa tháng. Một tháng rưỡi sau, hồi giữa tháng 9 năm 2014, tuyến cáp quang AAG lại đứt thêm lần nữa ở đoạn gần Hongkong...
Lần này thì tuyến cáp quang AAG không đứt nhưng cần phải sửa chữa do có sự rò rỉ về nguồn điện. Về lý thì nếu chất lượng dịch vụ không dúng như cam cấp thì phía cung cấp dịch vụ phải bồi thường. Hình thức thường thấy là giảm phí nhưng người dùng Internet tại Việt Nam chưa bao giờ được hưởng điều đó.
Hiện có bốn tuyến cáp quang biển giúp kết nối Việt Nam với bên ngoài qua Internet và tuyến cáp quang AAG là mới nhất và có dung lượng lớn nhất nhưng hoạt động cũng thất thường nhất. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment