Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-03-12
Kênh YouTube của VTV bị đóng vì vi phạm bản quyền. Screen capture
Cố tình ăn trộm?
Câu chuyện kênh truyền hình quốc gia VTV vi phạm bản quyền trên kênh YouTube riêng của một công dân Việt Nam đang là vấn đề khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng hiện nay. Vụ việc đã bùng nổ và cái kết của nó vẫn còn ở phía trước nhưng người ta dễ đoán định được kết quả sau cùng mặc dù cách giải quyết của cơ quan truyền thông nhà nước lớn nhất Việt Nam không làm cho nạn nhân và người theo dõi hài lòng.
Từ khi YouTube xuất hiện, người dùng cả thế giới có được một phương tiện truyền thông tuyệt vời mà người làm ra sản phẩm lẫn người được xem sản phẩm ấy hoàn toàn miễn phí. Không những được truyền tải đi khắp thế giới không tốn bất kỳ lệ phí nào mà ngược lại, nếu sản phẩm được đông đảo người theo dõi thì YouTube còn chi trả một khoản phần trăm nào đó cho chủ nhân của sản phẩm để YouTube nhận quảng cáo của các cơ sở thương mại đi kèm với sản phẩm ấy. Con số người xem và hoa hồng đã làm nhiều người cầm máy quay trở thành chuyên nghiệp.
Tôi nghĩ Ban kiểm tra đài truyền hình Việt Nam sẽ xử lý được nên tôi chỉ muốn ngăn chặn chứ tôi không muốn làm to. Nhưng mà bên kia, ban kiểm tra không ai có mặt. Khi thì đi công tác khi thì ra ngoài rồi nên tôi bất lực.
-Anh Bùi Minh Tuấn
Anh Bùi Minh Tuấn là một trường hợp như thế.
Là chủ nhân một cơ sở kinh doanh xe máy tại Quảng Trị nhưng niềm đam mê của Tuấn là quay video clip bằng Flycam. Anh có hẳn một kênh được YouTube cho phép có tên Yamaha Trung Tá để tải các clip anh quay được. Một trong các sản phẩm nổi tiếng nhất trên trang này có tên “Việt Nam qua góc nhìn Flycam”.
Bùi Minh Tuấn chia sẻ việc anh mở kênh YouTube riêng và việc làm của anh nhằm mục đích:
“Tôi đã bỏ công bỏ của công sức ra làm một cái clip để cho những người ở Việt Nam cũng như kiều bào nước ngoài hay người bạn khách nước ngoài biết thêm được Việt Nam, khi vào Việt Nam du lịch, tôi chỉ mong thế thôi. Tôi đã bỏ công ra thực hiện clip này trong vòng hơn một tháng. Quá trình làm thì khá vất vả nhưng mà sau này tôi lạicòn bị VTV sử dụng trái phép sản phẩm của tôi.”
Điều mà anh Bùi Minh Tuấn gọi là sử dụng trái phép được quốc tế dùng một thuật ngữ khác là “vi phạm bản quyền”. Theo lời anh Tuấn thì VTV đã tự động xóa logo và xác định bản quyền của những video mà anh sáng tác. Việc làm này khó biện minh là vô ý và cho thấy các tác giả của VTV không xem vi phạm bản quyền là quan trọng, nhất là đối với một kênh truyền hình thuộc đẳng cấp quốc gia. Anh Bùi Minh Tuấn kể lại câu chuyện vi phạm bản quyền này trong suốt một năm qua:
“Tôi cũng đã theo đuổi vụ này với VTV được một năm rồi anh, có nghĩa là tôi cũng đã làm việc từ từ. Lúc đầu có 3 vụ đầu tiên thì tôi bỏ qua, lần thứ nhất người ta vi phạm bản quyền ở chỗ của ban biên tập của đài điện cho tôi xin lỗi rồi tôi bỏ qua. Lần thứ hai bên chỗ kênh truyền hình “Chuyển động 24” vào ngày 30 tháng 4 năm 2015, phía bên kia sử dụng trái phép thì tôi cũng nhận được lời xin lỗi từ lãnh đạo của Chuyên động 24 thì tôi cũng bỏ qua. Còn chương trình “Còn mãi với thời gian” phát trên kênh VTV1, thì tôi liên lạc với ban kiểm tra của đài truyền hình, sau đó bên nhà sản xuất liên lạc với tôi xong rồi gửi đơn xin lỗi. Sau ba vụ đấy thì tiếp tục liên khúc các vụ sau liên tục xảy ra.”
Trả lời báo chí anh Bùi Minh Tuấn cho biết “Trên YouTube không có nút “tải về” do đó VTV muốn tải phải dùng phần mềm thứ 3 để can thiệp, có nghĩa là cố tình ăn trộm. VTV đã cố tình cắt, cúp hình ảnh và xóa logo, nhưng do anh Tuấn đang giữ tất cả file gốc, thiết bị quay, quá trình biên tập, nên đủ bằng chứng khởi kiện VTV vì vi phạm bản quyền”.
“Tôi nghĩ Ban kiểm tra đài truyền hình Việt Nam sẽ xử lý được nên tôi chỉ muốn ngăn chặn chứ tôi không muốn làm to. Nhưng mà bên kia, ban kiểm tra không ai có mặt. Khi thì đi công tác khi thì ra ngoài rồi nên tôi bất lực. Lần đầu tiên tôi viết đơn tôi lại gửi đến những chương trình trực tiếp lấy sản phẩm của tôi thì không ai trả lời tôi. Có một chương trình nói rằng máy tính của VTV l bị hư nên không gõ chữ của nguồn vào cho tôi. Tôi không chấp nhận lý do đấy nên tiếp tục gửi đơn tiếp lên ban lãnh đạo của VTV. Tôi gửi họ 3 lần mà không hiểu tại sao không có phản hồi gì cả nên tôi cứ chờ đợi thôi.”
VTV xem thường những thư từ khiếu nại?
Theo thị trường phim ảnh hiện nay giá mua bán cho một đoạn clip ngắn giao động từ 2 tới 4 triệu cho 1 giây. Nếu đưa vụ việc ra pháp luật thì số tiền VTV phải trả cho anh Tuấn không phải nhỏ. Tuy nhiên pháp luật đã có những biện pháp chế tài rất nhẹ dối với việc này, theo Khoản 1, Điều 9, Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả thì người vi phạm chỉ chịu mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng.
Có lẽ quy định không đủ mạnh như vậy đã khiến VTV xem thường những thư từ khiếu nại của anh Bùi Minh Tuấn, do đó liên tục lấy sản phẩm của anh làm tư liệu cho riêng mình.
Ly nước không thể rót mãi và đến ngày 28 tháng 2 vừa qua kênh YouTube trên đài truyền hình VTV đã nhận được thông báo từ Ban quản trị của YouTube tạm ngưng hoạt động vì Bùi Minh Tuấn khiếu nại VTV đã vi phạm luật bản quyền của YouTube đưa ra. Trong 7 ngày nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì kênh YouTube của VTV sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Anh Bùi Minh Tuấn kể lại:
Nếu như bước đường cùng thì em sẽ lôi ra tòa. Chắc chắn em sẽ đưa ra tòa còn hiện tại em vẫn cứ phải kêu gào. Chỉ cần lời xin lỗi chứ em cũng chẳng đòi tiền.
-Anh Bùi Minh Tuấn
“Tôi phải đi theo hai hướng, một là YouTube và một hướng là phát sóng. Cả tôi và VTV là đối tác của YouTube. Tôi thì được cung cấp Yamaha Trung Tá được cấp cái content ID có nghĩa là được chặn tất cả nội dung trái phép trên toàn cầu nếu sử dụng chỉ khoảng 0,5 giây thì sẽ bị chặn và bị phạt. VTV thì cũng có tính năng đấy nhưng theo tôi nghĩ dù sao thì cũng thuộc diện quốc gia. Lần đầu tiên VTV bị chặn là vào ngày 30 tháng 4 năm 2015. Lần đấy kênh VTV vi phạm và tôi cũng báo cáo với YouTube thì YouTube gỡ cái clip xuống. Còn VTV bị phạt là lý do là khi người quản lý truy cập vào kênh Youtube ấy thì trước khi truy cập vào phải học về luật bản quyền, có nghĩa là phải trả lời 5 câu hỏi về bản quyền của YouTube mới vào được. Như tôi nói lúc này xin lỗi xong thì tôi giúp lại cho bên VTV, lần đấy tôi cũng tha kênh YouTube luôn. Sau đó đến ngày mùng 2 tháng 9 lại có một vụ nữa. Tôi thông báo cho YouTube vào tháng 11 thì thêm một vụ nữa, tôi lại báo cáo với YouTube một lần nữa.”
Trước sức ép của dư luận về hành vi không xứng đáng của mình, VTV đã liên lạc với anh Bùi Minh Tuấn và ngỏ ý muốn gặp trực tiếp nói chuyện. Tuy nhiên anh Tuấn đã chuẩn bị cho cuộc gặp này công khai bằng cách quay video post trực tiếp lên mạng cho người quan tâm theo dõi trường hợp của anh. VTV cảm thấy bị xúc phạm và buổi gặp mặt bị hủy bỏ.
Việc làm của anh Tuấn có lý do của nó. Người ta còn nhớ vụ con ruồi Tân Hiệp Phát khi anh Võ Văn Minh gặp người đại diện của hãng này và cuối cùng phải vào tù vì tội tống tiền và gian lận. Anh Bùi Minh Tuần chia sẻ:
“Nếu như làm việc bây giờ thì một lần thất tín vạn lần chẳng tin. Người ta tới người ta muốn gặp riêng em thôi thì anh nghĩ thế nào? Muốn gặp riêng thôi, người ta không muốn gặp công khai, không muốn đưa lên công khai. Thú thật là em đang bị VTV nó tạo tin đồn là em cần nổi tiếng, cần tiền nên làm khó VTV sau đó em cứ nói với anh em báo chí là tôi chỉ cần một lời xin lỗi chứ tôi đâu cần gì đâu? Xin lỗi đàng hoàng chứ sao lại cứ ép em vào đường cùng.
Anh biết nếu như em không làm những việc bảo vệ bản thân của em thì em sẽ chết luôn. Em không thưa cả năm nay thì em chết luôn. Ngay cả những người vi phạm mà người ta còn lật thuyền như vậy thì bây giờ em phải như thế nào?
Nếu như bước đường cùng thì em sẽ lôi ra tòa. Chắc chắn em sẽ đưa ra tòa còn hiện tại em vẫn cứ phải kêu gào. Chỉ cần lời xin lỗi chứ em cũng chẳng đòi tiền. Người ta còn đòi gặp riêng em để nhậu nữa cơ! Nhưng em không chịu. Còn nếu có chuyện gì em phải công khai chư còn như thế thì người ta vu khống em lắm, không được.”
Theo báo Lao Động thì trước đây, họa sĩ Bùi Đình Thăng, tác giả truyện tranh “Ba tôi”, đã từ Nghệ An ra Hà Nội tìm gặp đại diện chương trình “Quà tặng cuộc sống” phát sóng trên VTV3 vì chương trình này đã sử dụng truyện tranh của anh để dựng thành phim mà không xin phép. Cuối cùng anh Thăng phải ra về và không nhận được từ VTV bất cứ câu trả lời nào về hành vi cầm nhầm của họ.
Trong khi hai bên giằng co chưa đưa tới kết quả nào thì vào ngày 5 tháng 3 anh Bùi Minh Tuấn lại phát hiện trong chương trình Tạp Chí âm nhạc của VTV vào lúc 22 giờ 43 phút lại tiếp tục lấy sản phẩm của anh một lần nữa.
Hàng ngàn người theo dõi câu chuyện bản quyền của VTV đã rất ngạc nhiên về sự quyết tâm không cần YouTube, nhưng dù không sử dụng kênh truyền hình rộng nhất thế giới này chăng nữa thì VTV cũng không thoát được pháp luật khi Bùi Minh Tuấn nhờ đến tòa án.
No comments:
Post a Comment