Saturday, March 12, 2016

Khao khát của những bạn trẻ Tày, Nùng ở Cao Bằng

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-03-11  
620
Xóm Tày ở Cao Bằng RFA photo

Hầu hết cư dân tỉnh Cao Bằng là người Tày và người Nùng. Nếu trừ đi số lượng người Kinh đông đúc lên lập nghiệp ở các huyện, thị trấn và thị xã Cao Bằng thì hầu hết cư dân gốc của tỉnh Cao Bằng vẫn là đồng bào Tày và Nùng. Và hầu như đời sống của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng vẫn chưa có gì thay đổi sau nhiều năm nay, họ vẫn giữ nếp cũ, từ nhà cửa đến điệu sống. Tuy nhiên, cũng chính điệu sống trầm tĩnh và gần với thiên nhiên của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ người Tày, Nùng đã ít nhiều bị xô giạt trước cơn gió thời đại. Và hệ quả của vấn đề này là nhiều thanh niên dân tộc Tày, Nùng rơi vào khủng hoảng.
Khủng hoảng công việc làm
Một bạn trẻ tên Hữu, người dân tộc Nùng, sống ở huyện Hà Quảng, Cao Bằng, chia sẻ: “Vợ em sống với em nó khổ quá nên nó bỏ đi rồi. Ngoài này thất nghiệp nhiều lắm. Hầu như không có công việc làm gì cả! Ngoài này không có rừng để làm, chỉ phá đất trồng ngô và làm ruộng thôi. Bây giờ làm hai vụ thì tạm đủ sống chứ làm một vụ thì thiếu. Mà ở đây chỉ dựa vào nước trời…”.
Theo Hữu, hiện tại, số thanh niên Nùng thất nghiệp ở huyện Hà Quảng có thể chiếm gần như là hoàn toàn. Hầu hết thanh niên trong huyện đều không có cơ hội học tới đại học. Thậm chí số thanh niên học hết cấp phổ thông trung học cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sở dĩ có chuyện này là vì đời sống của đồng bào Nùng ở Hà Quảng vẫn còn rất thấp, nhà cửa hầu như nhà tranh vách đất. Nhà nào khá hơn một chút thì làm nhà ngói lợp vách đất và cái ăn cái mặc vẫn còn là vấn đề làm trăn trở rất nhiều người đồng bào Nùng. Bởi núi rừng Cao Bằng không có cây cối, chủ yếu là núi đá vôi với đồi trọc nhấp nhô, không có cây rừng. Với địa hình toàn núi đá vôi nhưng lại phải sống bằng nghề nông, chăn nuôi nên những thửa ruộng bậc thang ở đây không thể nào cho hạt lúa lấp đầy cái bao tử của đồng bào Nùng, Tày vốn nghèo khổ, ít học.
Chính vì không có điều kiện để ăn học nên mặc dù được miễn phí tiền học nhưng phần đông trẻ em mới lớn đều phải bươn bả giúp cha mẹ kiếm con cá suối, kiếm bó củi rừng để bán mà mua gạo. Lớn hơn một chút thì tìm cách vào Nam, xuống Hà Nội để làm thuê. Nhưng hầu hết người đồng bằng đều văn minh, hiện đại nên ít ai thuê người miền núi làm những việc lâu dài, việc nhẹ mà chủ yếu là công việc thời vụ như bốc vác, phụ hồ. Lao động nữ các dân tộc thiểu số lại càng khó kiếm những việc phụ giúp gia đình hay giữ trẻ vì khác biệt về văn hóa, ứng xử hay gu ẩm thực.
Và hầu hết những đồng bào thiểu số miền núi Đông Bắc và Tây Bắc chứ không riêng gì Cao Bằng đều gặp phải tình trạng kéo nhau lũ lượt xuống phố để tìm việc, tìm tương lai. Nhưng rồi thất nghiệp, đói khổ, chỉ cầu mong ai đó thuê làm việc để kiếm chút tiền lộ phí quay về quê mà tiếp tục ôm mảnh ruộng, nuôi con lợn lây lất qua ngày.
Hữu cho rằng cuộc đời và số phận của anh là một biểu mẫu cho nỗi khổ của người thanh niên dân tộc Nùng. Anh cưới vợ cách đây ba năm và hai vợ chồng anh đều học hết lớp chín, nghĩa là thuộc vào diện có ăn học, có hiểu biết của đồng bào Nùng, hai vợ chồng anh rất nghèo, ra ở riêng chỉ có chút tiền để mua tám tấm tôn lợp lên căn nhà phên liếp lá rừng. Hai vợ chồng hứa với nhau sẽ cố gắng làm ăn khá lên một chút mới sinh con.
400
Một chàng trai Nùng bên căn nhà của mình. RFA photo
Nhưng hai vợ chồng trẻ không tài nào ngoi lên nổi với mấy thửa ruộng bậc thang cùng mấy con lợn thả rong ngoài rừng. Cuối cùng, anh quyết định xuống thành phố tìm việc. Anh xin được một chân phụ hồ trong công trình và sau đó đưa vợ xuống phố cùng thuê nhà trọ để sống.
Vợ của Hữu xin phụ rửa chén cho một nhà hàng chuyên phục vụ người Trung Quốc. Và công việc những tưởng sẽ giúp cho vợ chồng anh khá hơn lại là một cái bẫy. Vợ anh nghe theo lời một ông khách người Trung Quốc, trốn anh để đi cùng ông ta. Và trong suốt hai năm trời anh tìm kiếm cô khắp mọi nơi nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chán nản, anh lại quay về căn nhà tuềnh toàng của mình để sống như một cái bóng.
Hữu nói rằng tình trạng các cô gái người Tày, người Nùng bỏ theo khách du lịch Trung Quốc không phải ít, và anh cũng chỉ là một trong những ông chồng bị vợ bỏ theo người ta. Bởi vì tiếng Tày Và tiếng Nùng lại rất gần với tiếng Trung Quốc, thậm chí có nhiều từ chung. Chính vì gần gũi về ngôn ngữ nên các cô gái nhanh chóng bị ảnh hưởng qua tiếp xúc và nghĩ đến một tương lai khác xáng lạn hơn.
Nhưng cũng theo Hữu thì hầu hết các cô bỏ chồng theo khách du lịch đều bặt vô âm tín và không chắc gì họ đã thoát khỏi các đường dây buôn bán người sang Trung Quốc.
Lối thoát cửu vạn
Một thanh niên người Tày tên Ngọc, sống ở huyện Quảng Uyên, cao Bằng, chia sẻ thêm: “Thì nói chung là nó làm nhiều kiểu, đi Trung Quốc, làm gì cũng làm thôi. Làm thuê thôi, làm mướn thôi. Nếu thồ hàng cho Trung Quốc hết công năng cũng kiếm được chục triệu mỗi tháng. Nhưng đâu phải ai cũng làm được. Nói chung thì ở đây làm gì cũng làm, làm thuê thôi…”.
Theo Ngọc, nếu nói về lối thoát kinh tế của đồng bào Tày và Nùng ở các tỉnh biên giới phía Bắc thì có vẻ như chỉ có một con đường duy nhất là làm cửu vạn vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại.
Ngọc chỉ tay về phía những căn nhà xây bằng xi măng lợp ngói đỏ và nói với chúng tôi rằng chủ của những căn nhà này là cửu vạn lâu năm đã thành dân buôn đi hàng sang Trung Quốc như trái cây, thịt lợn và mua hàng Trung Quốc về bán tại các chợ Việt Nam như nước suối đóng chai, hàng điện tử, xúc xích, lạp xưởng, gạo, trứng gà và thịt gà.
Bởi nếu không buôn bán ở các cửa khẩu hoặc không làm cửu vạn, chỉ bám vào mấy thửa ruộng bậc thang nhỏ nhoi và mấy luống rau xanh hay mấy con gà, con lợn thì không tài nào mà ngoi đầu lên nổi. Chỉ có một lối thoát duy nhất là làm cửu vạn hoặc khá hơn một chút là buôn bán nhỏ lẻ hàng Trung Quốc.
Ngọc nói rằng hầu hết người Tày, người Nùng đều nghèo khổ, khó khăn. Chỉ có hai nhóm người có thể khá giả hơn người khác, đó là các thầy giáo, cô giáo rất hiếm hoi hoặc các thầy mo, xác đồng và một nhóm nữa là nhóm cửu vạn, buôn hàng hóa Trung Quốc – Việt Nam.
Ngọc lấy làm buồn rầu khi nghĩ về tương lai của đồng bào thiểu số ở đây phải phụ thuộc vào hàng hóa và cơ hội từ Trung Quốc quá nhiều trong lúc hầu hết người đồng bào thiểu số đều không mong muốn như vậy bởi vì dường như đồng bào Nùng, Tày hiếm có gia đình nào không từng bị mất mát người thân hoặc tổn thương do quân Trung Quốc xâm chiếm, tàn phá năm 1979.
Như để kết thúc câu chuyện, Ngọc nói rằng chỉ có ba thứ làm thay đổi tương lai của thanh niên Tày, Nùng, đó là rượu, cửa khẩu và ma rừng. Nghĩa là nếu thất nghiệp, chỉ có rượu bầu bạn chân thành hoặc cửa khẩu cứu đời hoặc ma rừng thi thoảng ghé vào căn nhà trống mà trò chuyện. Điều này như một định mệnh đối với thanh niên Tày, Nùng bị thất nghiệp.

No comments:

Post a Comment