Theo VNTB -15.1.16
Thiên Điểu (VNTB) Thị trường vàng Việt Nam đang nóng bỏng không phải chuyện giá cả lên xuống mà là câu chuyện mua – không mua vàng miếng một chữ của SJC. Dư luận bức xúc, thậm chí phẫn nộ nhưng không lý giải được tại sao dẫn tới nguồn cơn như vậy.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thành lập từ ngày 25/9/1989. Quãng đường dài gần 30 năm qua để tạo nên thương hiệu SJC chính thức được coi là thương hiệu vàng hàng đầu Việt Nam trải qua không ít sóng gió nhưng gắn liền với sự bảo hộ từ nhà nước - thứ mà ngày nay người ta gọi là độc quyền, lợi ích nhóm.
VNTB - SJC: Tai vạ từ độc quyền và lợi ích nhóm |
Cột mốc thời gian mang tính bước ngoặt của SJC chính thức để ghi nhận là giai đoạn 2003-2012 với sự bảo hộ mạnh mẽ của chính quyền Thành phố HCM, thông qua việc tung ra chính sách “chỉ sử dụng vàng SJC trong giao dịch nhà đất” trong giai đoạn tăng trưởng nóng và bong bóng địa ốc chưa đến lúc bùng vỡ, SJC đã nổi lên là một doanh nghiệp vàng lớn ở thị trường lớn nhất nước nhưng vẫn chưa đủ sức chi phối diện rộng. Hoạt động kinh doanh của SJC lúc này chủ yếu vẫn là nhập khẩu vàng và gia công. Đến thời kỳ suy thoái, SJC từng vấp phải một giai đoạn khó khăn nên quay sang tập trung nhiều vào mảng vàng trang sức. Cùng với chính sách “nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng, năm 2012, Chính phủ ra thêm Quy chế hoạt động xuất/nhập khẩu vàng và Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã cho SJC cơ hội vàng thật sự. Từ một doanh nghiệp nhà nước đang chật vật giành từng mảng thị phần, đối phó với suy thoái kinh tế. SJC nhờ sẵn có trong tay những hợp đồng nhập vàng do NHNN đã cấp cota trước đó, SJC nhanh chóng chớp cơ hội để trở thành đại gia số 1 trên thị trường vàng Việt Nam. Tổng kết hoạt động kinh doanh nhân đợt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập vào năm 2013, số liệu của SJC được công bố là đã đưa ra thị trường hơn 21,5 triệu lượng, (tương đương gần 1,000 tấn vàng) và xếp hạng 7 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2012, vốn chủ sở hữu của SJC đạt 1.521 tỉ đồng, tăng gấp 13 lần so với 10 năm về trước và gấp 222 lần năm 1989. Năm 2012 lợi nhuận đạt hơn 389 tỉ đồng, tăng gấp 45 lần so với trước đó 10 năm. Đây cũng là giai đoạn SJC tung ra sản phẩm vàng miếng loại “một chữ” đang gây tranh cãi đã nói ở trên.
Nhà nước và Chính phủ đưa ra chính sách độc quyền kinh doanh vàng miếng trên cơ sở xác định vàng là một loại tiền tệ đặc biệt cần kiểm soát để điều tiết giao dịch và kinh tế vĩ mô, điều này không cần bàn cãi nhưng lẽ ra với các chính sách ấy thì đồng nghĩa nhà nước phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động kinh doanh vàng, ít nhất là trong phạm vi các doanh nghiệp do nhà nước quản lý mà trong đó có SJC. Thế nhưng, tại sao vàng SJC loại một chữ lại đẩy rủi ro và thiệt hại cho người dân khi từ chối chính loại tiền đặc biệt do mình độc quyền sản xuất, kinh doanh?
Ở một khía cạnh khác, mặc dù là một doanh nghiệp cổ phần “ăn nên làm ra”, đã lên sàn chứng khoán công khai nhưng không phải ai cũng có thể mua được cổ phiếu từ SJC. Điều này làm cho những “ông chủ” thật sự có cổ phần trong SJC trở nên bí ẩn.
Nhìn trên góc độ Luật Doanh nghiệp, Công ty Cổ phần là loại hình doanh nhiệm chịu trách nhiệm vô hạn. Các cổ đông của SJC đã hưởng lợi từ SJC phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình - cụ thể là thiệt hại do việc ngừng mua lại vàng “một chữ” do SJC phát hành rra thị trường, bởi vì hành động ngừng mua vàng “một chữ” của SJC không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng mà rõ ràng vi phạm cả vào Luật Doanh nghiệp.Thông tin thị trường và phản ánh của khách hàng cho thấy đây là một vi phạm đã ở mức nghiêm trọng. Nhưng cả SJC lẫn NHNN vẫn chưa có động thái giải quyết nào cho thấy phải chịu trách nhiệm trên khía cạnh này. Khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện SJC để đòi bồi thường theo luật.
Nếu nhìn lại con số 21,5 triệu lượng vàng do SJC đã tung ra thị trường theo số liệu 2012 - chưa tính loại vàng “2 chữ” ra đời sau đó. Chỉ thử ước lượng 1/3 số lượng vàng này đang nằm ngoài thị trường giao dịch để mua vào hết cần tới khoảng 230 ngàn tỷ. một con số mà ngay cả ngân sách nhà nước dồn hết vào cũng không thể có được trong tình hình hiện nay. Phải chăng đây mới là nguyên nhân của vấn đề ? Nếu không phải thì giải thích sao việc SJC ra thông báo ngưng mua vàng miếng “một chữ” trong khi thông báo này vi phạm cả luật thương mại và chính sách nhà nước ? Dựa vào đâu để một doanh nghiệp lại có thể “ngang ngược” hành xử một cách vô lý đến vậy ?
Tuy SJC đã hủy bỏ quyết định ngừng mua vàng “một chữ” và có không ít những giải thích lộ rõ ý đồ lấp liếm cho “món nợ vàng một chữ” bằng lý do “tâm lý” này nọ. Nhưng ngoài câu hỏi đặt ra liên quan trách nhiệm và nghĩa vụ của SJC thì một lý giải minh bạch về khoản lợi nhuận khổng lồ từ cả ngàn tấn vàng mà SJC đã kinh doanh khi đối chiếu với khoản chi phí gia công lại mẫu mã (20 ngàn đồng/lượng) rõ ràng phải được xem xét chứ không thể quy tất cả vào lỗi “cong, vênh, xấu.. quá nhiều” được. Mặt khác, nguồn vốn và tính hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh của SJC chắc chắn còn nhiều chuyện để đặt ra thêm dấu hỏi khác.
Tại sao vàng “một chữ” của SJC bị tẩy chay?
Vàng miếng “một chữ” của SJC không chỉ từng bị chính chủ nhân để ra nó là SJC phủi tay hắt hủi, phản ứng của thị trường vàng đồng loạt từ chối mua vào vàng “một chữ” của SJC tiếp tục đặt ra một nghi vấn lớn: Có hay không một cuộc đấu đá kiểu lợi ích nhóm khi mà tất cả đều nằm trong tay nhà nước - cụ thể là Bộ tài chính, NHNN ?
Rõ ràng có một logic hoàn toàn hợp lý là NHNN có thể chỉ đạo cho phép và cả bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng khác mua vàng “một chữ” của SJC và gia công lại thành vàng theo thương hiệu của mình để kinh doanh nếu chỉ xét trên khía cạnh giá trị và chất lượng không thay đổi. Tuy nhiên, xưa nay trên thị trường vàng: Bất cứ ai từng sử dụng vàng trong giao dịch đều biết rằng khi bán vàng cho chính hệ thống mình đã mua thì mới được tính nguyên giá (chỉ mất phí). Ngoài lý do nhằm bảo vệ thương hiệu, lợi ích kinh doanh thì phía sau đó còn yếu tố chất lượng và trọng lượng vàng thật sự do chính thương hiệu đó đã đặt ra cho sản phẩm của riêng mình. Liệu có bí mật nào liên quan chất lượng và trọng lượng vàng thực sự trong sản phẩm của SJC là có vấn đề để đến nỗi ngay cả các doanh nghiệp gia công vàng khác phải từ chối ?
Các câu hỏi trên chỉ mang tính giả thuyết nhằm đòi hỏi câu trả lời hợp lý nhất cho “hiện tượng” liên quan SJC. Nhưng khi nào chưa có một lời giải minh bạch, đủ thuyết phục thì việc đặt ra nghi vấn vẫn đương nhiên tồn tại. Đúng hay sai thì nó cũng chỉ ra những điểm yếu chết người mà NHNN và chính sách bảo hộ độc quyền phơi bày qua vụ việc của SJC.
No comments:
Post a Comment