Thursday, January 14, 2016

Đảng XII và TPP

Phạm Trần (Danlambao) - Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đặt đất nước và nhân dân vào hoàn cảnh tiếp tục gian nan, sau lần họp cuối cùng của Khóa đảng XI ở Hà Nội.

Tại Hội nghị Trung ương 14, từ ngày 11 đến 13/01/2016, đảng cho biết đã làm được 2 việc:

Thứ nhất: “Thông qua chủ trương ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).” 

Thứ nhì: “Thông qua dự thảo báo cáo công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa 12; thống nhất cao bằng hình thức bỏ phiếu kín đề cử nhân sự chức danh Tổng bí thư; đề cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH nhiệm kỳ 2016 - 2021 để Trung ương khóa 12 xem xét.”

Trong diễn văn bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói thêm: “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XII; nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung.”

Danh sách đề cử được giữ kín cho đến ngày họp Đại hội XII từ ngày 20 đến 28/01/2016. Ông Nguyễn Phú Trọng đã cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của việc Trung ương đã bỏ phiếu chấp thuận “Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII” nên nói ngắn hơn vấn đề TPP.

Nhưng cũng chính vì nói ít mà đã có nhiều suy luận ai ở, ai đi trong số 16 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, kể cả 4 Lãnh đạo chủ chốt gồm ông Trọng, Tổng Bí thư; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đáng chú ý là Hội nghị 14 đã đồng ý “bổ sung” vào danh sách tái cử vào Trung ương XII thêm 2 thành phần được gọi là “đặc biệt” gồm: "Ủy viên Trung ương khóa XI” và “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI.”

Tuy nhiên, ông Trọng không tiết lộ số người được bổ sung, cũng không cho biết thế nào là “đặc biệt”? Nhưng nhiều tin rò rỉ đã nói đến triển vọng ông Trọng sẽ ngồi lại, ít nhất cho hết nửa nhiệm kỳ khóa XII (2018) để bảo đảm tính liên tục giao hảo tốt với Trung Quốc. 

Hai ông Sang-Dũng sẽ nghỉ hưu trong tình trạng bất mãn và chia rẽ. Nhưng còn ông Hùng 70 tuổi thì sao, hay ông là một trong số “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI” thuộc diện “đặc biệt” được chọn ngồi lại để nối nghiệp ông Trọng giữ chức Tổng Bí thư của nửa nhiệm kỳ sau của XII?

Có tin ông Hùng sẽ thay ông Trương Tấn Sang làm Chủ tịch nước. 

Lý do có dự đoán này vì ông Hùng thuộc dòng họ Nguyễn Sinh ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông Hùng có họ hàng với gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của ông Hồ Chí Minh, người sáng lập ra đảng CSVN.

Dựa vào tiêu chuẩn địa phương và đảng tịch thì ông Nguyễn Sinh Hùng, cũng giáo điều và bảo thủ như ông Trọng, có đủ điều kiện hơn nhiều người. Vì vậy, đã có lời đồn thổi khiến Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh phải cải chính ông Hùng đã sang Trung Quốc, từ ngày 23 đến 27/12/2015, với vai trò Đặc sứ của ông Trọng để “báo cáo” nhân sự cao cấp khóa đảng XII và nhận được ủng hộ của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình.

Đinh Thế Huynh nói: “…Cư dân mạng nói sang là để Trung Quốc can thiệp vào Đại Hội 12 của Đảng, tác động vào nhân sự của Đại Hội. Tôi xin bác bỏ những thông tin này. Tôi khẳng định TQ không thể tác động vào Đại Hội 12 của Đảng… Ta có tư thế, nguyên tắc của ta, ai dám tác động nào? Mà tác động sao nổi. Đảng dày dạn trong lãnh đạo cách mạng và trong công cuộc đổi mới, có đủ bản lĩnh để giữ vững sự độc lập.” (ViệtNamNet,30/12/2015)

Ông Huynh nói vậy thì biết vậy, không ai muốn tranh cãi với ông nhưng mọi người đều nhìn thấy rõ viễn ảnh đen tối tiếp tục bao phủ lên đất nước và con người Việt Nam sau Hội nghị Trung ương 14.

Đảng CSVN vẫn “ngựa quen đường cũ” một mực chũi đầu xuống cát đi theo Trung Quốc vì nước này chưa “đổi mới chính trị” thì Việt Nam cũng không dám để thoát Trung đưa đất nước tiến lên.

Báo cáo Chính trị của khóa đảng XI sẽ trình ra Đại hội XII đã lột tả tất cả tính phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc của đảng CSVN. Vì Trung Quốc vẫn lấy Chủ nghĩa Cộng sản làm nền tảng cai trị và giữ nước với ngôn ngữ mới “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” nên đảng CSVN đã tuyên bố tiếp tục: "Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…"

Sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới kinh tế, không người Việt Nam nào còn mơ hồ tin vào người láng giềng Trung Quốc gian dối đã lừa đảo hết thế hệ Lãnh đạo Việt Nam này đến thế hệ cầm đầu khác.

Bằng chứng Trung Quốc đã lấn chiếm lãnh thổ, đất liền và biển đảo, của Việt Nam rành rành ra đấy mà đảng vẫn vui vẻ như con thiêu thân mù lòa chui vào cái bẫy 16 vàng và 4 tốt (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt") để kéo dài lệ thuộc mỗi ngày một sâu hơn vào kinh tế thì khóa đảng XII sẽ làm được gì hơn khóa XI?

Đó cũng là kết luận đối với Lãnh đạo tương lai của CSVN, kể cả những người dự đoán sẽ được cơ cấu vào các chức vụ “chủ chốt” như Đại tướng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang; Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

TPP đến dân chủ - nhân quyền

Nhưng bên cạnh những điều chướng tai gai mắt của Hội nghị 14 thì cũng lóe lên một tia sáng ở cuối đường hầm khi Ban Chấp hành Trung ương đã “thảo luận, tán thành kết quả đàm phán Hiệp định TPP”, và “tán thành, đồng ý để Chính phủ cùng chính phủ các nước ký Hiệp định TPP vào đầu tháng 02-2016.”

Thông báo của Hội nghị 14 viết: “Ban Chấp hành Trung ương nhận định, cơ hội mà Hiệp định TPP đem lại cho nước ta là rất lớn và cơ bản. Song thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, các thách thức này đã được nhận diện và với kinh nghiệm của 30 năm đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, với nỗ lực, sáng tạo và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do Hiệp định TPP mang lại để phát triển đất nước nhanh và bền vững.”

Tinh thần tự tin và lạc quan này liệu có bền vững trong bối cảnh vừa hội nhập vừa phải tuân thủ Luật pháp và thực hành các Thỏa hiệp mà Việt Nam đã ký kết với Quốc tế là điều tương lai sẽ hiện ra khi TPP có hiệu lực ở Việt Nam.

Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương đã thực tế nhận ra những bất lợi nếu cứ làm kinh tế và hội nhập nửa vời theo lối mòn xưa cũ và giáo điều rằng “đổi mới nhưng không đổi màu, hội nhập mà không hòa tan”.

Thông báo đã phản ảnh tâm trạng này: “Thảo luận kỹ về những khó khăn, thách thức khi tham gia Hiệp định TPP, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: Các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa trong TPP tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn, đặc biệt là với ngành nông nghiệp; một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể lâm vào tình trạng khó khăn. Tham gia Hiệp định, chúng ta sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động... Việc thực hiện các quy định về lao động trong Hiệp định TPP cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội đối với các hoạt động có liên quan đến quan hệ lao động, giữ vững ổn định chính trị-xã hội để phát triển đất nước.”

Nhưng nếu đảng và nhà nước lại đánh trống bỏ dùi, vừa đánh vừa run hay can thiệp thô bạo vào “Quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức”theo Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization) thì Việt Nam sẽ vi phạm Hiệp định TPP.

Những Điều quan trọng và cơ bản của Công ước viết: “Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó.” (Điều 2)

Hay: (1)“Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền lập ra điều lệ, những quy tắc quản lý, tự do bầu các đại diện, tổ chức việc điều hành hoạt động và soạn thảo chương trình hoạt động của mình.”

(2) “Các cơ quan có thẩm quyền phải tránh mọi sự can thiệp có tính chất hạn chế quyền đó, hoặc cản trở việc thi hành hợp pháp quyền đó.”

Quan trọng hơn, Điều 4 khẳng định: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động không thể bị bất cứ một cơ quan hành chính nào buộc phải giải tán hoặc đình chỉ.”

Nhằm tạo sức mạnh cho quyền của người Lao động, Công ước 87 viết trong Điều 5: “Các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động có quyền hợp thành các liên đoàn, tổng liên đoàn, và mọi tổ chức, liên đoàn hoặc tổng liên đoàn đó đều có quyền gia nhập đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động.”

Để bảo đảm sự minh bạch và công bằng giữa người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước, Điều 8 nói rõ: “(1)Trong khi thi hành những quyền mà Công ước này đã thừa nhận cho mình, người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức tương ứng của họ, cũng như mọi người và mọi tập thể có tổ chức khác, đều phải tôn trọng pháp luật trong nước.”

Tuy nhiên trách nhiệm phải tuân thủ Luật pháp cũng buộc nhà nước phải tuân thủ quy định ở khoản 2 trong Điều 8 viết rằng: “(2) Pháp luật quốc gia không được có những quy định mang tính chất xâm hại, cũng như không được áp dụng với mục đích xâm hại tới những đảm bảo đã được quy định trong Công ước này.”

Thách thức cho Việt Nam

Vậy Việt Nam phải làm gì để việc thi hành TPP không gặp trở ngại khi Ban Chấp hành Trung ương 14 viết trong Thông báo rằng Việt Nam phải "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội đối với các hoạt động có liên quan đến quan hệ lao động, giữ vững ổn định chính trị-xã hội để phát triển đất nước"?

Một tài liệu liên quan đến Tổ chức nghiệp đoàn được Việt Nam phổ biến đã rào đón thế này: “Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của người lao động, sau khi hoàn thành việc đăng ký, sẽ có một số quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam. ILO cũng như TPP luôn nhấn mạnh việc tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại cũng như phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký…"

Văn bản này cũng nói rằng: “Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của ILO và đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…”

Đối với Việt Nam là nước phải sửa đổi nhiều Luật không phù hợp với TPP, tài liệu chi tiết thêm: “Sau một thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với các tiêu chuẩn của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức bộ máy để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc các nước dành một khoảng thời gian hợp lý để Việt Nam chuẩn bị là việc chưa từng có tiền lệ, thể hiện uy tín của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết về bảo đảm điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động….”

Đối với Chính phủ Việt Nam, Văn kiện này nói rõ: “Để bảo đảm thực thi có hiệu quả các nội dung nêu trên, Việt Nam cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực của các thiết chế có liên quan như Thanh tra lao động, cơ quan quản lý Nhà nước về công đoàn và quan hệ lao động.” 

Như vậy, sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định TPP trong Khóa Quốc hội 14, sau cuộc bầu cử tháng 5 năm 2016, người công nhân Việt Nam có toàn quyền tổ chức và thành lập Nghiệp đoàn tự do không do Nhà nước quản lý và điều hành như Tổng Liên đoàn Lao động VN. Nhưng liệu có nhóm Công nhân nào dám đứng ra tổ chức để bảo vệ quyền lợi của mình như ở các nước tự do dân chủ khác là điều tương lai sẽ cho chúng ta biết.

Chỉ có điều chắc chắn là khi quyền lao động và các quyền tự do của công nhân bị nhà nước xâm phạm bằng bất kỳ hình thức nào thì Việt Nam sẽ khó mà ăn ngon ngủ yên với 11 nước thành viên TPP khác, đứng đầu bởi Hoa Kỳ.

Đó là tia hy vọng duy nhất có thể tìm thấy ở Việt Nam sau Đại hội đảng XII, bất kể ai làm Tổng Bí thư. -/-

(01/016)

No comments:

Post a Comment