Việt Nam chỉ đạt 18 trên thang điểm 100 về mức độ minh bạch ngân sách, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 45 điểm ở hơn 100 quốc gia khác.
Báo cáo chậm, thiếu
Đây là kết quả khảo sát "mức độ công khai ngân sách" đưa ra cho kỳ ngân sách năm 2015 được Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia trong đó có Việt Nam. Kết quả vừa được phía IBP công bố sáng 14/1.
Nói cụ thể hơn về kết quả trên, ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP cho hay, có 3 trụ cột cơ quan khảo sát đặt ra: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và sự giám sát của cơ quan lập pháp trong đó "minh bạch" là yếu tố đầu tiên.
Tuy nhiên, theo ông, "minh bạch" cũng là trụ cột phía Việt Nam được chấm điểm thấp nhất, chỉ 18/100 điểm. Với số điểm này, Việt Nam hiện thuộc nhóm thứ 5, tức là nhóm yếu nhất với đánh giá là "ít" hoặc "không" công khai thông tin ngân sách.
Cụ thể, một trong các yếu tố cơ quan khảo sát tính tới là việc công khai các tài liệu ngân sách. Về mặt này, Việt Nam hiện đã công khai một số tài liệu theo IBP là chủ chốt như: định hướng xây dựng ngân sách, dự toán, báo cáo quý, báo cáo cuối năm.
Tuy nhiên, ông Joel Friedman thẳng thắn, một số tiêu chí đã đánh tụt điểm của Việt Nam là dự thảo dự toán ngân sách, báo cáo giữa kỳ và báo cáo kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán và Báo cáo giữa kỳ của Việt Nam bị đánh giá là Không có/Công bố muộn. (Nguồn: IBP)
Theo ông, nếu như dự thảo dự toán ngân sách mới đây đã được phía Việt Nam đưa vào luật thì việc công bố báo cáo kiểm toán vẫn chưa được cải thiện. Những báo cáo kiểm toán được cơ quan khảo sát chấm ở mức chậm và muộn hơi nhiều so với quốc tế.
Ngoài ra, với báo cáo giữa kỳ, ông Joel Friedman cho rằng, phía Việt Nam hiện đã có công khai nhưng tài liệu này không bao gồm các thông tin định lượng về dự báo kinh tế vĩ mô, ước tính về tài khóa 6 tháng còn lại,...
Bởi vậy, báo cáo 6 tháng theo ông phải đầy đủ và chi tiết hơn nhiều so với báo cáo tháng và quý. Tuy nhiên, đây là vấn đề theo ông phía Việt Nam chưa cải thiện trong năm qua.
Nhiều tiềm năng cải thiện?
Nói về 2 trụ cột khác của khảo sát, bà Dương Thị Việt Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cơ quan phối hợp khảo sát cùng IBP tại Việt Nam, cho hay, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách vào quy trình ngân sách là yếu tố để tối đa hóa các kết quả.
Theo bà, vấn đề được phía cơ quan khảo sát quan tâm là người dân có được phép tham gia vào việc xây dựng dự toán ngân sách hay kiểm toán ngân sách hay không. Ngoài ra, quá trình kiểm toán ngân sách hiện có sử dụng chuyên gia, tổ chức xã hội hay không cũng là một trong những câu hỏi đặt ra,...
Về lĩnh vực khảo sát này, đánh giá của cơ quan khảo sát được chấm 42/100 điểm và ở mức độ hạn chế.
Tuy nhiên, so sánh kết quả này với các nước, báo cáo cho thấy, Việt Nam hiện xếp cao hơn mức trung bình 25 điểm của thế giới và tốt hơn nhiều các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc,...
Với trụ cột thứ 3, việc giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp được báo cáo đánh giá "đầy đủ" trong lập kế hoạch và "hạn chế" trong khâu thực thi.
Theo giải thích, mặc dù cơ quan lập pháp có Ủy ban Tài chính và Ngân sách với chức năng phân tích ngân sách nhưng bộ phận nghiên cứu chuyên biệt thì hiện Việt Nam vẫn chưa có.
Chưa đánh giá về những mức điểm trên, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Quốc hội thừa nhận, việc công khai, minh bạch ngân sách chưa được đề cập nhiều trong luật khoảng 10-20 năm trước.
Tuy nhiên, theo ông, Luật ngân sách Nhà nước 2015 hiện đã có 2 chương nói riêng về việc công khai và giám sát cộng đồng với ngân sách trong đó có đề cao vai trò của mặt trận tổ quốc.
Khẳng định luật hiện đã có bước tiến dài, ông Tân cho hay, sắp tới, Chính phủ sẽ có thêm những hướng dẫn cụ thể về đối tượng công khai ngân sách (sẽ bao gồm cả các quỹ, dự án,..) và mở rộng phạm vi công khai.
Ngoài ra, để đảm bảo việc thực thi, ông Tân cho biết, thời gian công khai với các văn bản liên quan tới ngân sách cũng sẽ được đề ra chi tiết trong đó bao gồm cả các báo cáo hàng quý, hàng tháng.
Đây cũng là những vấn đề được ông Joel Friedman, Nghiên cứu viên cao cấp của IBP, cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng cải thiện mức độ công khai.
"Với Việt Nam, mục tiêu cần xác định để đạt được chỉ số công khai trên 60 điểm, như vậy, việc công khai mới thực sự hiệu quả," đại diện cơ quan khảo sát đánh giá./.
Khảo sát về công khai ngân sách là sáng kiến do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện.
Tại Việt Nam, IBP phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) để thực hiện thu thập, phân tích. Kể từ năm 2006 tới nay, khảo sát đã được thực hiện 2 năm 1 lần. Khảo sát gồm 140 câu hỏi phân tích về 3 trụ cột chính là: mức độ minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách.
No comments:
Post a Comment