Thursday, January 14, 2016

'Lợi dụng Đại hội để nói xấu lãnh đạo là ảo tưởng'?

Theo VNTB -14.1.16
Hoàng Oanh (VNTB) Hội nghị T.Ư 14 đã kết thúc, nhưng trong dư luận quan tâm chính trị quốc gia vẫn nổi lên vấn đề đấu đá nội bộ, phe phái trong tầng lớp lãnh đạo tinh hoa của Đảng (175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết BCH T.Ư khóa XI).

Hội nghị T.Ư 14, suy cho cùng là cuộc chơi của Đảng và những ông lớn của Đảng với câu chữ rất quen thuộc đi kèm: T.Ư đề cử và bỏ phiếu kín đề cử các chức danh chủ chốt.

Thiếu một sự công khai và minh bạch trong bầu cử, nhưng nếu nội bộ đã thống nhất theo hướng “đề cử” thì hẳn các trang web xấu với nội dung nhạy cảm sẽ không ra đời.

Vấn đề không nằm ở số lượng trang web bao nhiêu, tập trung vào lãnh đạo nào, mà các chi tiết được phản ánh trên trang web xấu đó chi tiết hóa đời tư của các lãnh đạo, rõ đến bất ngờ.


Dẫn đến thực trạng rất buồn cười là, cuộc chơi bầu cử đáng ra cần công khai thì lại giữ kín, đời tư đảng viên cấp cao đáng lẽ giữ kín thì lại được phơi bày.

Khi nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó tổng biên tập báo Nhân Dân trả lời VOV về vấn đề thông tin độc hại trước thềm Đại Hội, ông cho hay, mục đích của việc này là nhằm “phân tán lực lượng, đánh vào sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là đánh vào sự đoàn kết, thống nhất giữa các vị lãnh đạo của Đảng.”

Vậy nội bộ đảng có thực sự thống nhất? Nhà báo Đức Lượng cho biết, ông thừa nhận “trong Đảng ta có những nhóm lợi ích”, nhưng ông cho rằng, “đó không phải là số đông, bởi có những người rất liêm khiết”, và tất nhiên Đảng đang đấu tranh với việc đó. 

Hẳn là thế, đảng viên còn rất nhiều người tốt, nhưng nhóm lợi ích dù không phải số đông nhưng lại tập trung ở lãnh đạo cấp cao, Đảng vẫn làm tốt việc đấu tranh chống nhóm lợi ích gắn liền với tham nhũng, và kết quả là các tỉnh thành thi nhau báo cáo về việc “100% không phát hiện các trường hợp tham nhũng” hay lợi ích nhóm vậy. 

Do đó, mà trong phát biểu chuẩn bị nhân sự cho BCH T.Ư khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự kiên quyết không để lọt vào BCH T.Ư những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...

Nhưng nếu áp dụng các quan điểm của Tổng Bí thư đối với dàn tinh hoa của Đảng, thì chắc hẳn, Hội trường Quốc Hội chỉ còn lại lễ tân, phục vụ. Bởi có người liêm khiết về mặt đạo đức thì lại rơi vào cái gọi là “bản lĩnh chính trị không vững vàng”, và ngược lại.

Thế nên, PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên trưởng Ban Văn hóa tư tưởng Thành ủy TP.HCM, hiện là Ủy viên Hội đồng lý luận TƯ buộc phải thừa nhận trong một bài viết trên VNN rằng, “Lãnh đạo ở phương Tây và người dân quan hệ với nhau chủ yếu theo luật. Cho nên làm gương hay không làm gương không quan trọng, không có vấn đề gì. Miễn là làm đúng luật, đừng vi phạm luật. […] Còn ta thì khác, lãnh đạo của ta phải làm gương, nên phải có “phê và tự phê”. Nhưng cái gương của ta đang ngày càng nhòa đi. Thì sao sao lòng tin của người dân không giảm?”

Gương cán bộ và tham ô quyền lực, tham nhũng vật chất cũng phần nào làm tê liệt luôn Nghị quyết TW 4 về xây dựng Đảng. Như, một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân còn nêu nhiều ưu điểm, né tránh khuyết điểm. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, cục bộ, “lợi ích nhóm” vẫn chưa làm rõ được thực chất và mức độ nghiêm trọng của tình hình; tình trạng suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên vẫn đang tồn tại, thậm chí có mặt còn phát triển tinh vi, phức tạp hơn trước; sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình, một số nơi chậm đề ra kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm hoặc xây dựng kế hoạch còn chung chung;…

Chúng ta đang phải đối diện với thực tế hết sức đau lòng và nghiệt ngã. Đó là sự biến chất, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Công cuộc phòng và chống tham nhũng bấy lâu nay dường như chưa đủ sức ngăn chặn, triệt tiêu mối họa này có đúng không?

Điều quan trọng là nhà báo Đức Lượng đã hiểu ra rằng, đất nước này, chế độ này thiếu sự minh bạch. Và khi còn thiếu điều này, thì sự đấu đá trong đảng và phe phái trong đảng vẫn còn tiếp diễn qua những trang “web đen”.

Có ảo tưởng hay không? Điều đó tự bản thân nhà báo Đức Lượng hiểu rõ, khi trở lại quá khứ vào năm 1945, 5.000 Đảng viên im như thóc, giờ đây, số lượng Đảng viên lên gần 4 triệu, nhưng mọi sự thật liên quan đến lãnh đạo cấp cao lại được phơi bày. Mấu chốt là ai có khả năng làm điều đó, ngoài yếu tố nội bộ cấp cao hoặc được sự chỉ đạo của cán bộ cấp cao, và chính nó đã cho thấy sự “đấu đá quyền lực” bên trong Đảng. 

Chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng không thể bị đánh gục, nhưng về lâu dài, nó làm xói mòn niềm tin của người dân vào Đảng, và sự lãnh đạo của Đảng trong thực trạng “tham nhũng như con ghẻ”.

Nhà báo Đức Lượng kêu gọi tỉnh táo và dừng lại, nhưng ai đã nhúng chàm siêu quyền lực vật chất thì khó có thể nghe lời kêu gọi đó, trừ phi đó là một sự giám sát chặt chẽ bởi luật và nhân dân từ khâu lựa chọn cán bộ đến bầu cử chức danh chủ chốt.

Trong khi đó,  đấu đá nội bộ trong Đảng vẫn là nguồn lợi duy nhất mà người dân đang được hưởng, ít ra họ biết được đời tư, gia thế và sự nghiệp của ông lãnh đạo cấp cao kia ra sao, để tránh mơ hồ trong câu chữ tuyên truyền “lãnh đạo XYZ là tận tâm với nước với đảng, sống bình dị, đơn sơ, không tham quyền cố vị.”. 


Tất nhiên, qua trang web xấu với nội dung nhạy cảm.

No comments:

Post a Comment