Là người đã nhiều năm tham gia nghiên cứu về tình trạng tham nhũng vặt, ông nhìn nhận thế nào về mối liên hệ của nó với văn hóa tặng quà, nhất là vào các dịp lễ, Tết?
Văn hóa tặng quà thực chất là tốt đẹp. Rất nhiều nước trên thế giới còn có ngày tặng quà. Trong ngày đó, con cái tặng quà bố mẹ, người thân, người yêu, bạn bè… Việt Nam cũng thế, cũng có văn hóa tặng quà vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật… Tuy nhiên, hiện nay do tham nhũng vặt đã trở nên phổ biến nên văn hóa tặng quà bị biến tướng, lợi dụng để mưu cầu quyền lợi riêng. Người ta lợi dụng văn hóa tặng quà vào dịp Tết để lo lót, biếu xén, hối lộ, chạy dự án, chạy thủ tục. Thành thử khi đi chúc mừng thì không chỉ có hoa tươi mà còn phải có cả “hoa khô”. Hoa tươi là hoa thật, còn “hoa khô” là tiền bạc, hoặc những thứ có giá trị vật chất được đem đi tặng cùng, trong đó “hoa khô” còn quan trọng hơn cả hoa tươi.
Vậy vì sao văn hóa tặng quà ở xã hội ta ngày nay lại biến tướng đi nhiều thế? Nguyên nhân chính là do tham nhũng vặt đã diễn ra phổ biến, trở thành “tập quán”, trở thành nhu cầu kiếm sống, nhu cầu vươn lên, tăng thu nhập của một số người. Khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) trong nhiều năm qua cho thấy, trong những lĩnh vực liên quan đến tài sản, vật chất như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, xin việc, thi tuyển công chức… thì vẫn còn lo lót, hối lộ, biếu xén… Vì thế, dịp Tết cũng chính là cơ hội thuận lợi để người ta biếu xén, trả ơn, hối lộ lẫn nhau.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.
Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng là Tết này, không được phép tặng quà, không chúc Tết lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành?
Trong bối cảnh và thực trạng như hiện nay thì chỉ đạo, yêu cầu mà Thủ tướng nêu ra là hết sức cần thiết. Thủ tướng cũng đang thể hiện sự quyết tâm trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính. Thủ tướng tuyên bố như thế thì chắc chắn cấp dưới sẽ phải chuyển động và thực hiện. Hơn nữa, nó cũng giúp nhiều lãnh đạo địa phương bớt áy náy, bớt lo vì không thể về Hà Nội chúc Tết lãnh đạo.
Tuy nhiên muốn ngăn chặn triệt để tình trạng trên và nạn tham nhũng vặt nói chung, theo tôi thì cần phải có những giải pháp căn cơ. Ví như chúng ta thấy, trước đây ngành y tế một thời rộ lên câu chuyện cấm phong bì trong bệnh viện. Nhưng được một thời gian thì câu chuyện cấm đó lại lắng đi, trong khi việc đưa phong bì vẫn cứ diễn ra, thậm chí diễn ra một cách hết sức phổ biến. Điều này cho thấy, chỉ là ngăn chặn nạn phong bì trong bệnh viện thôi cũng đã là rất khó rồi. Nếu không có giải pháp căn cơ thì người ta không đến biếu lúc này, thì có khi lại đến biếu lúc khác. Việc tặng quà không vào dịp này thì có khi lại diễn ra vào dịp khác. Do đó, vấn đề quan trọng vẫn phải có những giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng tham nhũng vặt vốn đang trở thành cái lệ, thành “tập quán” trong xã hội ta.
Có ý kiến nói rằng, thiệt hại do tham nhũng vặt là không đáng kể nên cần tập trung vào những vụ tham nhũng lớn?
Điều đó là không đúng. Thực tế từ các nước cho thấy, một xã hội có những vụ việc tham nhũng lớn nhưng chưa chắc đã có tham nhũng vặt. Ví như ở các nước châu Âu, thi thoảng chúng ta thấy cơ quan chức năng phát hiện ra một số vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, ở các nước đó hầu như không có tham nhũng vặt; không có chuyện chạy trường, chạy lớp, vào bệnh viện phải lo lót, phong bì cho bác sỹ… Nhưng một xã hội mà tham nhũng vặt trở thành cái lệ, “tập quán”, trở thành văn hóa phong bì, văn hóa lo lót thì chắc chắn sẽ tạo ra cái nền cho các vụ tham nhũng lớn. Người ta tham nhũng cái nhỏ khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ tham nhũng lớn. Cái đáng lo ngại hơn là khi tham nhũng vặt trở thành hệ thống thì chắc chắn người khác bắt chước làm theo. Hết sức nguy hại. Do đó cần phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng tham nhũng.
Cảm ơn ông.
No comments:
Post a Comment