Theo VietnamNet-05/12/2016 - 20:40
Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa có văn gửi các cơ quan chức năng về việc xuất nhập khẩu thép của công ty này khi nhà máy thép tỷ đô đi vào hoạt động.
Cụ thể, Formosa cho hay đang tiến hành thỏa thuận với các công ty gang thép Nhật Bản, Hàn Quốc để nhập khẩu phôi thép của các công ty ở đây. Sau đó, xưởng cán nóng của Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ gia công thành thép cuộn. Sản phẩm thép cuộn này sẽ tiếp tục vận chuyển từ nhà máy của Fomorsa đi đến các cảng khác trong nước hoặc xuất khẩu sang các nước khác.
Formosa Hà Tĩnh sắp đi vào vận hành.
Thế nhưng, một điểm đáng chú ý là, Formosa lại có đề xuất khá lạ là “toàn bộ quá trình thực hiện trên dùng tên của Công ty gang thép Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam để tiến hành các thủ tục hải quan và nộp thuế”.
Formosa mong muốn được cho phép khách hàng của công ty này thực hiện phương thức hợp tác kinh doanh trên để có thể dùng tên của khách hàng khai báo hải quan ra vào cảng Sơn Dương của Formosa Hà Tĩnh.
Thế nhưng, trả lời PV. VietNamNet về đề xuất này của Formosa, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định: “Trường hợp Công ty Formosa đề nghị Công ty Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam đứng tên làm các thủ tục hải quan và nộp thuế là không đúng theo quy định”.
Dẫn chiếu một loạt quy định như Điều 178 Luật Thương mại 2005, Điều 28 Nghị định 187 năm 2013, Điều 59 và Điều 60 Luật Hải quan 2014, Điều 61 Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng: Trường hợp Công ty Formosa nhập khẩu phôi thép của Công ty Nhật Bản, Hàn Quốc sau đó thực hiện gia công thành thép cuộn tại xưởng cán nóng của Công ty Formosa được coi là hoạt động nhận gia công tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài.
Vì thế, Formosa phải tự đứng tên làm thủ tục hải quan và nộp thuế chứ không phải để khách hàng làm việc này.
Điều 178 Luật Thương mại 2005 quy định hoạt động Gia công trong thương mại như sau:
Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Lương Bằng
No comments:
Post a Comment