Monday, December 5, 2016

Sau Bình Định tới Quảng Nam khốn khổ vì lụt

Lụt do nước sông Vu Gia đột ngột dâng lên rất cao. Thông thường, đây là thời điểm không còn mưa vì đã vào mùa khô. Đó là lý do nhiều nơi không kịp trở tay. (Hình: Tuổi Trẻ)
QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Mưa lớn, nước sông dâng cao nhấn chìm nhiều vùng, cô lập nhiều khu dân cư ở Bình Định và nay thì tới lượt Quảng Nam, trong đó, huyện Đại Lộc là nơi thiệt hại nặng nề nhất.
Theo báo chí Việt Nam, cuối tuần vừa qua, hai xã Đại An và Đại Cường của huyện Đại Lộc, bị cô lập giữa biển nước vì các trục giao thông chính ngập sâu. Hàng chục héc ta ớt, đậu phộng, đậu Hà Lan,… vừa xuống giống hồi cuối tháng trước giờ coi như mất trắng.
Chủ tịch xã Đại Cường kể với tờ Tuổi Trẻ rằng nước lên quá nhanh thành ra không ai kịp trở tay. Ông này thở dài khi nói thêm rằng, chính quyền huyện Đại Lộc vừa cảnh báo, nước sẽ còn dâng cao hơn và lụt sẽ trầm trọng hơn.
Giống như nhiều địa phương khác trong những đợt lụt trước, lụt tại Quảng Nam trầm trọng vừa vì lũ lớn, vừa do bộ phận quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy lợi, thủy điện xả nước để tránh vỡ đập chặn nước. Hồi cuối tuần qua, khi ban quản lý hồ chứa nước Đại Ninh xả nước, thành phố Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam lập tức bị ngập. Mức nước ngập lên tới 1.5 mét khiến tiểu thương chợ Tam Kỳ phải mướn ghe, xuồng vận chuyển hàng hóa khỏi nơi họ buôn bán.
Các huyện khác ở Quảng Nam như Phú Ninh, Thăng Bình, Bắc Trà My cũng thành biển nước. Nông Sơn, một huyện bán sơn địa, giờ có bảy xã bị cô lập vì hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 xả nước. Tỉnh lộ 611, con đường nối Nông Sơn với Quế Sơn, giờ bị nước che lấp.
Hôm Thứ Bảy, tại Quảng Nam, có một em học lớp 8 ở huyện Quế Sơn bị lũ cuốn trôi và tử nạn. Tuy nhiên, thiệt hại nhân mạng ở Bình Định cao hơn nhiều. Tính đến Thứ Bảy, chỉ bốn ngày, đã có bảy người mất mạng vì lũ lụt tại Bình Định.
Hiện chưa có thống kê thiệt hại về đợt mưa lớn, gây ra lũ lụt trầm trọng ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tuy nhiên, thiệt hại chắc chắn là rất lớn.
Mưa lớn, liên tục suốt từ ngày 30 Tháng Mười Một đến nay vừa khiến nước nhiều con sông ở ba tỉnh vừa kể tràn bờ, vừa buộc bộ phần điều hành các hồ chứa nước cho thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả nước. Thiên tai cùng lúc với nhân tai nhấn chìm hàng chục ngàn héc ta ruộng vườn và hàng chục ngàn căn nhà.
Cuối tuần vừa qua, Chi Cục Phòng Chống Thiên Tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên xác nhận đang có hàng trăm khu dân cư bị cô lập giữa biển nước. Tình trạng đường sá, cầu, cống bị sạt lở xảy ra ở nhiều nơi.
Lũ lụt được dự đoán sẽ nghiêm trọng hơn vì nước các con sông đang tiếp tục dâng cao. Khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở ở Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam được cho là rất cao. Dân chúng các tỉnh, thành phố còn lại ở miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk cũng được cảnh báo phải đề phòng ngập lụt, lũ quét, sạt lở vì mưa có khuynh hướng lớn dần.
Từ cuối Tháng Mười đến nay, dân chúng miền Trung Việt Nam phải gánh chịu ba trận lụt. Cả ba trận lụt đều do tác động của các khối không khí lạnh tràn vào từ miền Bắc khiến miền Trung mưa như trút nước trong nhiều ngày. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment