HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Vốn của giới tư bản ngoại quốc đổ vào Việt Nam trong Tháng Mười Một giảm so với Tháng Mười, một phần vì tổng thống tân cử của Mỹ bắn tiếng sẽ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thống kê cho thấy, trong Tháng Mười Một, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn $762 triệu, giảm hơn $300 triệu so với tháng trước đó. Tổng vốn FDI trong 11 tháng của năm 2016 được khoảng $18.1 tỷ, giảm hơn $2 tỷ so với cùng thời gian này năm ngoái, theo tờ Dân Trí hôm Thứ Bảy.
Nguồn tin viện dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng, việc FDI đổ vào Việt Nam giảm là “do tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, đặc biệt hiệu ứng bầu cử Mỹ và việc nước này tuyên bố rút chân khỏi TPP.”
Tờ Dân Trí dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói dù Mỹ không phải là nhà đầu tư số một quyết định luồng vốn FDI vào Việt Nam, nhưng do Mỹ là thị trường xuất cảng hàng đầu của Việt Nam và quan hệ thương mại của Mỹ ảnh hưởng và điều phối quan hệ thương mại nhiều nước và nhà đầu tư lớn trên thế giới. Chính vì vậy, ảnh hưởng của bầu cử tổng thống Mỹ và chính sách dưới thời ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Việt Nam hồi đầu năm đặt chỉ tiêu phải “phấn đấu đạt $23 tỷ” đầu tư ngoại quốc cho năm nay. Tuy nhiên, nếu muốn hoàn thành thì trong Tháng Mười Hai ít nhất phải thu hút FDI được gần $5 tỷ mà tờ báo nói rằng “nhiệm vụ này dường như không thể thực hiện được.”
Cuối Tháng Mười vừa qua, tờ VNEconomy nêu các con số thống kê cho hay giới đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất dòng vốn FDI, với $12.8 tỷ, chiếm 72.9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với $983 triệu. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba, với $657.6 triệu.
Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nam Hàn dẫn đầu với $5.6 tỷ, chiếm 31.9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật đứng vị trí thứ hai với tổng vốn $1.92 tỷ, chiếm 10.9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Singapore đứng vị trí thứ ba, đạt $1.73 tỷ.
Trong 10 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh thành, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, với 43 dự án cấp mới và 34 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là $2.73 tỷ, chiếm 15.5% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai, với tổng vốn đạt $2.03 tỷ, chiếm 11.5%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương… (TN)
No comments:
Post a Comment