GNsP– Điều gì khiến hàng ngàn người dân Hà Nội sáng 23/5 đổ ra đường để chào đón Tổng Thống Obama trong không khí cuồng nhiệt đến vậy? Trong khi Mỹ đâu phải là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt ? Thế mới biết ” ý đảng, lòng dân ” là một trời một vực.
Xếp hàng dài hai bên đường để ngắm đoàn xe hộ tống ông Obama trên đường Đỗ Đức Dục ẢNH: LÊ NAM
Trong khi đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua Việt Nam hồi tháng 11/2015 thì Hà Nội đón rước linh đình, bắn đại bác. Trái ngược với hành động của Hà Nội, người dân Việt Nam xuống đường phản đối ông Tập và nhân dân đã bị đổ máu dưới sự đàn áp khốc liệt của Hà Nội.
Tổng thống Hòa Kỳ, ông Barack Obama thì được Hà Nội tiếp đón sơ sài, chiếu lệ gần như không diễn tả được cái văn hóa ngoại giao cơ bản. Trái lại, ông Obama thì được nhân dân Việt Nam thức đêm, rạng sáng đổ ra đường để đón chào ông một cách tự nguyện, chân thành và bộc phát.
Chỉ trong sáu tháng, hai cường quốc của thế giới đến Việt Nam, chúng ta chứng kiến cảnh người dân nô nức ra đường để chào đón Tổng Thống Hoa Kỳ, và người dân háo hức xuống đường để phản đối Chủ tịch Trung Quốc.
Mới đó ta thấy được hai thái cực cơ bản; thứ nhất, giữa nhân dân Việt Nam và nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. Thứ hai, giữa sự bang giao của Hà Nội với Bắc Kinh – Washington và nhân dân Việt Nam đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ như thế nào.
Trên trang cá nhân của mình, ông Dũng Mai chia sẻ khi thấy người dân nô nức đón ông Obama “Người ta hi vọng một sự cứu rỗi cho cuộc sống bất an, nghèo đói, mất tự do và người ta trông chờ ở nước Mỹ. Có thể không ngoa mà nói rằng, tổng thống Hoa Kỳ, bất luận là ai cũng được người dân Việt nam lúc này kính trọng và yêu thích” .
Người dân Việt Nam quên ngay đi sự hà hơi tiếp sức và dối trá của hệ thống tuyên truyền về ngày bầu cử 22.05, để hướng tới ông Obama.
Sự bang giao của Hoa Kỳ và Việt Nam đã được 21 năm kể từ tháng 7 năm 1995 khi Tổng thống Mỹ B.Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.
Tuy nhiên, trên phương tiện truyền thông của Hà Nội cứ mỗi dịp 30 – 4 không năm nào không tuyên truyền về một đất nước Mỹ cựu thù đầy xấu xa hoặc các sự kiện liên quan đến các cuộc chiến Nam – Bắc. Người dân nghe mãi thành quen, cho rằng Mỹ rất xấu?
Với Trung Quốc thì ca ngợi là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Các cuộc xâm lược năm 79 không hề nhắc đến, tàu thuyền Trung Quốc đánh giết ngư dân Việt Nam thì gọi là tàu lạ. Người dân nghe mãi thành quen, cho rằng Trung Quốc rất tốt?
Nhưng giờ đây mới biết lòng dân như thế nào đối với Mỹ và Trung Quốc. Rõ ràng dân Việt Nam đang trông chờ vào một cú hích ngoại giao thật lớn nào đó để Việt Nam dân chủ, tự do, nhân quyền và thoát Trung Quốc.
Trong chuyến thăm và làm việc của ông Obama tại Việt Nam lần này, Hà Nội hay Washington đều có những tương thích về lợi ích chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng. Trong khi đó, phía Mỹ luôn nhấn mạnh vấn về nhân quyền trên bàn đàm phán đối với Hà Nội.
Sau Tuyên Bố chung, người dân Việt Nam sẽ chờ xem có những biến chuyển ra sao đối với hiện tình đất nước về kinh tế, chính trị, nhân quyền và vấn đề Trung Quốc.
Paulus Lê Sơn
No comments:
Post a Comment