Tuesday, May 24, 2016

Mục tiêu chính trị, an ninh quốc phòng là “cứu cánh” cho sân bay thua lỗ!

Nền kinh tế Việt Nam đã từng lao vào cơn hoang tưởng của các khu đô thị mới và đặc khu kinh tế. Sau chiến dịch xây cảng biển ở nhiều nơi mà “chẳng biết để làm gì”, lại đến các sân bay ồ ạt xuất hiện với mục tiêu lớn nhất là vay và “ăn tạp” vốn vay ODA.
Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ đạt công suất trên 15% trên mức thiết kế 2 triệu khách. (Ảnh: T.C.A)
Hàng loạt các dự án sân bay đang được triển khai với 3 sân bay khu vực Tây Bắc có tổng vốn lên tới gần 10,000 tỉ đồng và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), cùng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư lên tới 3,666 tỉ đồng chính thức được khánh thành…
Kế hoạch đến năm 2020 sẽ chi tổng 277,800 tỉ đồng cho các dự án hàng không (!?)
Nhưng nghịch lý nhất là Lai Châu. Vào tháng 4/2016, quan chức Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề xuất “xin” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, sau đó Nguyễn Xuân Phúc đã “gật” về chủ trương.
Chẳng lẽ ông Phúc không biết rằng với một nửa dân số thuộc diện nghèo, ngân sách eo hẹp, kinh tế khó khăn..., tỉnh Lai Châu lấy nguồn nào để xây dựng sân bay lên tới 8,000 tỉ đồng?
Với 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có đến 33% dân số trên 15 tuổi chưa biết chữ. Đây là tỉ lệ thấp trong phổ cập giáo dục của đất nước.
Trong khi đòi xây sân bay 8,000 tỷ, thu ngân sách của Lai Châu trong 5 năm chỉ có 3,456 tỉ đồng, tức chỉ khoảng 700 tỷ/năm, chỉ bằng 1/6 Lào Cai và 1/3 Sơn La, đứng thứ 62/63 tỉnh, thành trên cả nước.
Lý do duy nhất để xây sân bay xem ra hoàn toàn không đáng tự hào: chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2015 của Lai Châu cao nhất cả nước, ở mức 100.3%, chi phí sinh hoạt của Lai Châu thậm chí còn đắt đỏ hơn Hà Nội (ở mức 100%).
Ngay sau khi chính quyền Lai Châu đề xuất xây sân bay, rất nhiều ý kiến của chuyên gia và người dân đã phản đối quyết liệt. Một người dân Lai Châu thốt lên: “Không hiểu mấy lão ủy ban này sống ở thời nào? Nghèo rớt mùng tơi, cơm không đủ ăn mà không lo cho dân, lại đi xây sân bay để đưa lên bàn thờ à!”.
Hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc có tới 26 cảng hàng không đến năm 2020 sẽ dẫn đến “lạm phát sân bay”. Một thực trạng là nhiều cảng hàng không hiện nay lại đang thua lỗ, vắng khách, hoạt động èo uột. Thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) công bố tại “Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV” diễn ra hồi đầu tháng 3.2016 đã khiến nhiều người giật mình: “Trong tổng số 22 cảng hàng không do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ”.
Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) có công suất thiết kế 500,000 khách mỗi năm nhưng thực tế chỉ đạt trên 8%, nên cả năm 2014 chỉ thu về 3.57 tỉ đồng. Tương tự, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ đạt công suất trên 15% trên mức thiết kế 2 triệu khách, mang về doanh thu 34 tỉ đồng. Một số sân bay khác như Cà Mau, Rạch Giá, Tuy Hòa, Điện Biên, Đồng Hới, Liên Khương, Phú Quốc… cũng chỉ đạt công suất hoạt động 11-37%. Nói cách khác, Nội Bài và Tân Sơn nhất đang phải gánh lỗ cho 20 sân bay còn lại.
Báo Lao Động đã phải mát mẻ: “Thực hiện mục tiêu chính trị xã hội, an ninh quốc phòng dường như đang là một “cứu cánh” cho những sân bay đang thua lỗ, trong đó có những sân bay sắp khởi công xây dựng như Lai Châu, Lào Cai”. 
 05/23/2016 - 19:07
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment