Saturday, May 14, 2016

Cá chết, du lịch 4 tỉnh miền Trung cũng chết chùm

HÀ TĨNH (NV) - Các dịch vụ liên quan tới du lịch ở những tỉnh mà cá chết trắng biển bị đình trệ cho thấy, người dân Việt Nam xem các viên chức đã tắm biển, ăn hải sản là những diễn viên tồi.

Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. (Hình: Lao Động)

Thảm họa môi trường: Cá chết trắng một đoạn bờ biển chạy dài từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, đến Thừa Thiên-Huế không chỉ đẩy ngư dân, giới cung cấp các dịch vụ liên quan tới ngư nghiệp, người làm muối,... đến chỗ khốn cùng mà còn khiến những hoạt động liên quan tới du lịch mấp mé tình trạng phá sản.

Tuy các viên chức chính quyền từ trung ương đến địa phương dắt díu nhau ra biển tắm, thi nhau ăn hải sản để trấn an dân chúng Việt Nam là biển đã sạch, hải sản đã an toàn song vẫn không thuyết phục được dân chúng Việt Nam tin vào những “Lê Lai cứu đảng” này.

Ngư dân, diêm dân bốn tỉnh phía Bắc miền Trung đang được phát gạo cứu đói. Các cơ sở cung cấp những dịch vụ liên quan đến ngư nghiệp đã được hoãn trả nợ, giảm lãi, vay thêm tiền với lãi suất ưu đãi để cầm cự trước thảm họa. Tuy nhiên hậu quả không chỉ có vậy. Theo báo chí Việt Nam, hải sản trên toàn quốc vẫn ế ẩm. Ngư dân và người nuôi thủy sản, hải sản luôn nơm nớp do bất an. Đáng nói là toàn bộ hoạt động liên quan tới du lịch ở khu vực phía Bắc miền Trung đã đình trệ. Hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn thời điểm đang xảy ra thảm họa.

Một phóng sự có tựa là “Hãy cứu lấy du lịch biển miền Trung” trên tờ Lao Động cho biết, tất cả các vùng “du lịch trọng điểm” từ Nghệ An, Hà Tĩnh tới Quảng Trị đều không có du khách. Cả lao động trực tiếp (phục vụ du khách) lẫn lao động gián tiếp (kiếm sống nhờ các hoạt động du lịch) đều không có việc làm, không có thu nhập. Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.

Tờ Lao Động mô tả khu vực Thiên Cầm - bãi biển đẹp nhất Hà Tĩnh “không có ai tắm biển.” Cả đoạn bờ biển dài chỉ có những hàng dù, ghế chỏng chơ, không người. Thỉnh thoảng mới thấy vài người đi dạo, chụp ảnh. Chủ các khách sạn, nhà hàng ở khu vực Thiên Cầm kêu trời vì thời điểm này là mùa làm ăn chính trong năm.

Ông Đặng Thế Tân, phó Ban Quản lý Khu Du Lịch Thiên Cầm, kể với tờ Lao Động rằng, trước đây thì “cầu luôn vượt cung” nhưng nay, 12 nhà nghỉ và khách sạn với 750 phòng ở khu vực Thiên Cầm bỏ không. Có hàng ngàn người vốn sống nhờ hoạt động du lịch giờ không biết làm gì để sống.

Tình trạng vừa kể xuất hiện tại tất cả các khu vực sống nhờ hoạt động du lịch ở Hà Tĩnh, thậm chí loang ngược ra Nghệ An (lượng du khách tìm đến các khu vực du lịch ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An chỉ còn chừng 20% so với bình thường) và lan rộng tới Quảng Bình, Quảng Trị.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, phó giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Quảng Bình, tiết lộ, khoảng 40% du khách đã trả tiền để theo các tour du lịch yêu cầu trả lại tiền, còn lượng du khách tự đến Quảng Bình thì giảm chừng 50%, 50% còn lại chỉ đến thăm Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tất cả đều quay lưng lại với biển. Nhờ Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng, công suất khai thác phòng của hệ thống nhà nghỉ, khách sạn chỉ giảm 50%!

Ở Quảng Trị có tới 70% tour du lịch bị hủy sau khi cá chết trắng biển. Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch Quảng Trị xác nhận, không có khách tắm biển. Lượng du khách còn được 25% vì du khách đến những nơi khác tại Quảng Trị.


Hồi giữa tuần này, có thêm Cục An Toàn Thực Phẩm của Bộ Y Tế Việt Nam công bố “kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản, nước và rau tại những khu vực có hiện tượng cá chết bất thường ở miền Trung.” Theo đó, hầu hết là an toàn và các chỉ số nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên những thông tin mà người dân Việt Nam quan tâm nhất là trong nước biển có những độc chất nào, chúng từ đâu ra thì chẳng thấy cơ quan nào công bố. (G.Đ)

14-05-2016 2:44:49 PM 

No comments:

Post a Comment