Nữ nhà báo Nguyễn Thế Thanh (phải) trong cuộc biểu tình môi trường ngày 1/5. Bà từng là tổng biên tập báo Phụ Nữ và phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin.
Bất chấp phong trào dân chủ và xã hội dân sự đã khởi xướng những cuộc biểu tình chống Trung cộng từ mùa hè năm 2011, bất chấp vô số nhiễu nhương và tai ương giáng xuống đầu dân oan đất đai và nạn nhân của ô nhiễm môi trường, tuyệt đại đa số trong hơn 800 tờ báo nhà nước vẫn cúi đầu khép miệng. Chỉ có một ít nhà báo còn bức xúc, còn tâm huyết, nhưng không làm cách nào để chuyển tải được nỗi bất mãn và phản kháng của họ lên mặt báo nên đành buông bút.
Đó là câu chuyện từ năm 2015 trở về trước.
Nhưng từ đầu năm 2016, mọi chuyện dường như bắt đầu thay đổi. Công luận chứng kiến khá nhiều tờ báo nhà nước tham gia vào chiến dịch ủng hộ bà con ngư dân đòi trả biển ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Nhiều nhà báo bắt đầu “tỉnh ngủ”.
Đến vụ “cá chết Formosa”, rất nhiều tờ báo nhà nước lên tiếng phản đối. Nhưng biểu hiện thay đổi nhiều hơn là một số nhà báo đã lặng lẽ, tất nhiên chỉ mới lặng lẽ, bước xuống đường để hòa chung dòng người biểu tình môi trường trong hai ngày 1/5 và 8/5.
Ngay cả khi báo chí nhà nước bị Ban Tuyên giáo trung ương cấm cản việc đăng tải thông tin về Formosa, đã có một số nhà báo nhà nước bắt đầu can đảm hơn. Không lên mặt báo chính thống thì đăng tải bức xúc và phản kháng của họ trên mạng xã hội.
Chúng ta hãy đọc những dòng dưới đây của những nhà báo nhà nước – minh họa cho dòng tâm tư đang chuyển đổi “sang bờ bên kia” của họ.
Nhà báo Trung Bảo viết trên trang FB cá nhân của mình:
“Trui rèn
Mọi cuộc biểu tình không do chính quyền tổ chức ở một đất nước cộng sản đều bị nhà cầm quyền coi là đối nghịch. Bất kể phương pháp và mục đích. Đi biểu tình ở một đất nước như Việt Nam đòi hỏi sự dũng cảm và khôn ngoan hơn nếu bạn làm điều tương tự ở một đất nước đã luật hoá hoạt động này…
Khi những người bị bắt rồi tống lên xe bus để chở về sân vận động Hoa Lư (Q.1 - Sài Gòn) nhận được những tràng vỗ tay cổ vũ của đám đông đứng bên đường, họ sẽ hiểu việc làm của mình ít ra không vô ích. Dù cho phải nhận những đòn đánh hung bạo của lực lượng trấn áp nhưng làm sao khác được khi mọi cuộc tập dượt đều phải có sự hy sinh…
Luật pháp minh bạch là điều chúng ta hướng tới nhưng luật pháp ở một nước do đảng Cộng Sản lãnh đạo được đặt ra nhằm bảo vệ sự "ổn định" theo định nghĩa của đảng này, bất kể sự công chính và tính chính danh của tầng lớp cai trị…
Sử dụng những lực lượng như Thanh Niên Xung Phong thay cho lực lượng chuyên dụng là cảnh sát khiến tính chính danh bị ảnh hưởng trầm trọng…
Hôm nay nhiều người bị đánh đập, máu và nước mắt của một bà mẹ trẻ cùng con mình đã đổ xuống trong một buổi sáng nóng bức ở Sài Gòn. Nói tôi vô tình cũng được, nhưng điều đó là sự cần thiết để trui rèn một xã hội dân sự thực thụ cho tương lai”.
Còn nhà báo Khổng Loan viết trên FB cá nhân ngay sau khi cuộc biểu tình ngày 8/5/2016 tại Sài Gòn kết thức: “Sự phẫn nộ đang tích tụ dần, chỉ chờ một mồi lửa. Nóng quá. Một hệ thống chính trị lúng túng, bởi vì thiếu sự chính danh nên cũng không có trách nhiệm phải giải trình…
Sắp bầu cử rồi. Bầu ai, ai bầu, bầu họ để làm gì, vì sao phải/cần bầu họ? Phải suy nghĩ kỹ, "cái gì không có ích cho dân thì cương quyết không làm." Và "trách nhiệm đạo đức của công dân là bất tuân những gì sai trái."
“Chúc mừng lực lượng tuần hành ôn hoà vì môi trường trong sạch cho thế hệ mình và tương lai đất nước này. Sau mỗi dịp thế này, chứng kiến cách hành xử của giới chức trách, lại có một cơ số người vốn đang phân vân chưa biết đứng ở đâu (đang ngồi bờ rào ngó) đã quyết định nhảy ngay sang bờ bên kia. Đừng đánh giá thấp những người tuần hành vì môi trường, họ có sự chính trực và chính đáng của họ nên sức mạnh của họ và sự ủng hộ dành cho họ sẽ rất lớn”.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment