Thursday, April 7, 2016

Giới trẻ Việt với phim lịch sử

Chân Như, phóng viên RFA 2016-04-07  
000_Hkg8243907
 Các bạn trẻ Việt đang chờ đợi cho các ngôi sao Hàn Quốc gồm Song Ji-hyo, Hye Jin, Haha, Jong Kook, Lee Dong Wooka tại Hà Nội hôm 4/2/2013.  AFP photo
Vừa qua tại Việt Nam đã xảy ra một cuộc tranh cãi xoay quanh bộ phim của Hàn Quốc có tên “Hậu duệ mặt trời” liên quan đến bộ quân phục của người lính Hàn Quốc.
Một số cho rằng bộ quân phục này đã từng vấy máu đồng bào Việt Nam, và lên tiếng chỉ trích nặng nề đối với giới trẻ, những bạn đã chế ảnh mình với bộ quân phục đó. Ngược lại, cũng có người cho rằng, nên phân biệt rõ ràng quá khứ với hiện tại, hâm mộ phim ảnh với quan điểm lịch sử và không nên khoét thêm hận thù dân tộc hay vết thương chiến tranh. Câu chuyện tranh cãi này và những bộ phim tài liệu, lịch sử về Việt Nam sẽ là chủ đề cho tạp chí diễn đàn bạn trẻ tuần này. Cùng chia sẻ ngày hôm nay với sự tham gia của ba bạn trẻ từ Hà Nội Việt Nam bạn Sơn, Hương và Tùng.
Chân Như: Vừa qua, câu chuyện bộ phim Hàn Quốc (HQ) có tên “Hậu Duệ Mặt Trời” đã tạo ra một số tranh luận về quá khứ lịch sử của đội quân “Park Chung Hye” tham chiến tại Nam Việt Nam. Các bạn có suy nghĩ gì về những luồng quan điểm trái chiều này, về quá khứ chiến tranh có liên quan?
Theo em điều đáng nói ở đây nằm ở chỗ người Việt trẻ, và cả những người Việt không còn trẻ nữa đang thiếu trầm trọng thông tin về lịch sử, điều này dẫn tới hệ quả là họ thờ ơ trước lịch sử.
- Hương
Hương: Em cũng mới chia sẻ một status của Facebook bàn về chủ đề này. Các bạn trẻ đã rất đúng khi đưa ra luận điểm rằng sau bao nhiêu giờ làm việc căng thẳng vất vả, việc thưởng thức một bộ phim tuyệt vời như Hậu Duệ Mặt Trời là điều rất đáng làm, và chẳng có lý do gì để lên án họ về việc đó cả! Đừng có lôi lịch sử và giết chóc vào chuyện người ta thích gì, xem gì. Và ngược lại, em lại đứng về phía những người đang bị coi là phản ứng thái quá trước lịch sử, khi lên án các bạn trẻ trong ví dụ này.
Cụ thể, theo em điều đáng nói ở đây nằm ở chỗ người Việt trẻ, và cả những người Việt không còn trẻ nữa đang thiếu trầm trọng thông tin về lịch sử, điều này dẫn tới hệ quả là họ thờ ơ trước lịch sử. Sự thiếu hiểu biết này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có hai nguyên nhân chính đó là: Thứ nhất, lịch sử được truyền tải một cách thiếu khoa học, thậm chí sai lệch, ngoài ra còn vô vị trong nhà trường, trong phim ảnh báo chí và các tư liệu về lịch sử cũng vô cùng hạn hẹp. Thứ hai là người trẻ lười học hỏi và tìm hiểu thông tin, đặc biệt là thông tin về lịch sử.
Em hoàn toàn chắc chắn rằng nếu người Việt Nam ta hiểu rõ những tội ác của quân đội ông Park Chung Hye gây ra với người dân VN trong thời kỳ quân đội Hàn tham chiến tại VN. Và hiểu rằng, khác với người Mỹ - họ chưa từng nhắc trong sách sử về những cuộc thảm sát đồng bào, chưa từng lên tiếng xin lỗi hay viết  vào sách sử của họ về những cuộc thảm sát đó – thì em tin rằng thái độ của người VN với Hàn Quốc sẽ hoàn toàn khác, và với “Hậu duệ mặt trời” sẽ hoàn toàn khác.
Tùng: Theo em biết có 2 luồng ý kiến trái ngược về bộ phim. Giới trẻ VN thì hào hứng đón nhận bộ phim và bộ phim tạo đã nên cơn sốt trong giới trẻ. Nhưng đồng thời với 1 số người VN đã từng sống ở những vùng có quân đội Hàn Quốc đóng quân trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam khi xưa thì bộ phim đã gợi lại trong họ những ký ức hãi hùng về sự tàn ác của những người lính Hàn Quốc. Với mỗi lớp người thì họ sẽ có những quan điểm khác nhau về bộ phim.
Lớp trẻ VN không phải chứng kiến những sự tàn ác do chiến tranh gây ra nên họ không có tâm lý hận thù. Còn với những người mang trong mình những ký ức về sự tàn khóc của chiến tranh mà cụ thể là những hành động tàn ác của lính Hàn Quốc gây ra lúc xưa thì khi xem 1 bộ phim có những nhân vật là lính Hàn Quốc nó đã vô tình làm những nỗi đau của họ sống dậy. Em nghĩ rằng bản chất xã hội của con người là sự đa nguyên, nên trong bất kỳ 1 vấn đề gì đó thì sẽ có nhiều những ý kiến trái chiều với nhau, đó là 1 lẽ thường tình.
Trong quá khứ quân đội HQ đã từng gây ra những tội ác với người dân VN, nhưng khác với các hành động tàn ác của phát xít Nhật hay phát xít Đức trong thế chiến 2. Các hành động tàn bạo của Đức và Nhật trong thế chiến 2 mang tính hệ thống và được sự cho phép và khuyến khích của chính quyền Đức Và Nhật. Trong khi đó các hành động tàn bạo của binh lính HQ ở VN chỉ mang tính nhỏ lẻ chủ yếu đến từ tâm lý hận thù cộng sản và không có sự khuyến khích của chính quyền HQ. Vì vậy mà những ý kiến đòi hỏi chính phủ HQ phải có lời xin lỗi không hợp lý lắm
Sơn: Em chỉ thắc mắc tại sao người ta chiếu phim về quân đội Mỹ chẳng hạn, hay quân đội Pháp hoặc Trung Quốc thì chúng ta lại không có cuộc tranh cãi nổi sóng như vậy trên mạng xã hội mà động đến quân đội HQ thì lại có?
000_8S7II-400
Giám Đốc IMF Christine Lagarde chụp hình với giới trẻ Hà Nội đang ăn trưa trên hè phố Hà Nội hôm 16/3/2016. AFP photo
Trong lịch sử,tất nhiên, những gì quân đội HQ gây ra ở những vùng họ đóng quân trước kia trong cuộc nội chiến Nam, Bắc Việt Nam thì việc họ cưỡng hiếp, việc họ thảm sát, đốt phá, cướp bóc là có thật.  Suy nghĩ cá nhân của em trước hết các anh chàng VN hơi có tâm lý tự ái khi thấy làn sóng những cô gái VN, hay cả nhiều người VN thể hiện sự hâm mộ đối với phim ảnh điện ảnh HQ hơi thái quá. Thật ra không phải đến lúc bộ phim chiếu mới có chuyện tranh cãi thần tượng sao Hàn.
Cách đây tầm 1 năm chúng ta cũng có những cuộc tranh cãi rất nẩy lửa khi xuất hiện hình ảnh các chàng trai trông rất đàn ông nhưng lại ôm nhau khóc thảm thiết khi được nhìn thấy thần tượng HQ của mình. Em cho rằng đây giống như một giọt nước tràn ly khi mâu thuẫn nó đã âm ỉ từ lâu, đến lần này thì bùng phát lên. Nguyên nhân em có thể đánh giá thứ nhất vì sự thiếu sót trong việc giáo dục lịch sử của chính quyền VN. Khi giáo dục lịch sử họ quá chú ý đến chuyện miêu tả về quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn nhưng lại bỏ qua việc làm của quân đội Hàn Quốc.
Cũng phải thôi, bởi vì quân đội cộng sản trước kia cũng đâu kém. Trong miền Nam, họ cũng gây ra bao nhiêu đau thương, cũng đổ máu, cũng ám sát đánh bom, ném lựu đạn rất nhiều trò. Không biết vì lý do gì mà họ không chịu đề cập đến những việc quân đội HQ gây ra, thì đây cũng là sự thiếu sót trong việc giáo dục lịch sử.  Việc này khiến người VN có thể bị sốc bởi vì trước giờ họ không biết đến chuyện và khi được tiếp cận thì giống như có gì đó tự ái (sự tự ái có sẵn rồi) khi thấy rất nhiều cô gái trẻ VN cuồng nộ những anh tràng đẹp trai HQ tự dưng thêm thông tin này biến thành tranh cãi vậy thôi.
Chân Như: Có nhiều nhận định cho rằng, qua việc người trẻ xem bộ phim “Hậu Duệ Mặt Trời”, thì họ mới bắt đầu quan tâm, tìm hiểu đến vấn đề lịch sử. Các bạn có quan điểm giống như vậy hay không? Tại sao?
Để dòng phim chiến tranh của VN có thể phát triển được thì phim phải trung thực về lịch sử, bỏ sự kiểm duyệt định hướng theo ý muốn của chính quyền...
- Tùng
Tùng: Em không có quan điểm giống vậy. Thực tế bộ phim này như em nói lúc trước nó động đến quá khứ đau thương của những người đã từng chứng kiến hành động tàn ác của binh lính HQ, trong thời kỳ nội chiến Nam Bắc VN. Qua đấy nó kích thích những người trẻ tuổi họ phải tìm hiểu lại chút về lịch sử.  Chứ em không nghĩ bản thân bộ phim này làm cho giới trẻ quan tâm tìm hiểu đến lịch sử VN hơn.
Hương: Em hoàn toàn đồng ý với ý kiến bạn Tùng. Em không tin rằng việc người trẻ xem phim Hậu Duệ Mặt Trời khiến họ quan tâm hơn tới lịch sử, chỉ tin rằng nếu người ta mang mọi chuyện ra mổ xẻ và đặt câu hỏi, lắng nghe những phản biện từ các luồng quan điểm khác nhau về những câu chuyện liên quan tới lịch sử - như đối với bộ phim này, thì dần dần người ta sẽ có cái nhìn sâu rộng hơn về lịch sử cũng như sự cần thiết của việc đưa ra những phản ứng của cá nhân mình tới các đề tài lịch sử.
Chân Như: Thế còn những bộ phim tài liệu, lịch sử liên quan đến chiến tranh Việt Nam (1954-1975) do các hãng phim nhà nước của Việt Nam sản xuất? Nếu so sánh với các bộ phim tương tự của nước ngoài thì các bạn đánh giá thế nào?
Sơn: Theo em chỉ nên so sánh giữa các bộ phim tài liệu lịch sử của VN với các bộ phim lịch sử HQ để cho liên quan bởi vì bản thân em rất quan tâm đến vấn đề lịch sử không những VN mà còn cả các quốc gia khác trên thế giới và HQ, một trong những quốc gia em khá quan tâm về lịch sử của họ, và em cũng xem khá nhiều phim lịch sử của HQ.
Quan điểm cá nhân của em thấy rằng người Hàn làm phim lịch sử khá trung thực. Những gì xảy ra thời chiến, cảnh người dân lầm than đói khổ ra sao, chiến tranh thế nào, những việc làm phía Bắc hay Nam thế nào đều đề cập cả. Dĩ nhiên là Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên nên tính chất tuyên truyền của họ kiểu gì vẫn còn, thế nhưng so sánh với các bộ phim tài liệu lịch sử VN họ vẫn làm một cách trung thực.
Còn sách giáo khoa VN nói sao thì phim tài liệu lịch sử VN sẽ làm như vậy. Các bộ phim tài liệu VN trước giờ vẫn lập lại điệp khúc ta thắng, địch thua, mỗi lần ta thua thì đồi thành rút lui bảo vệ lực lượng, và rất nhiều câu nói sáo rỗng, những lý thuyết nhàm chán. Chính quyền VN không bao giờ cho mình là sai, không bao giờ nhận lỗi, cho nên bản thân em thấy rằng nếu cho em chọn lựa giữa phim tài liệu VN làm và một bộ phim lịch sử tài liệu Hàn Quốc làm, thì em sẽ chọn phim Hàn Quốc vì em tin họ sẽ trung thực hơn.
Hương: Theo em yếu tố đặc biệt quan trọng phim lịch sử đó chính là tính chân thực của bộ phim. Với em phim Việt Nam nói chung và đặc biệt phim về lịch sử nói riêng cực kỳ kém hấp dẫn. Đơn giản như ai cũng thấy rằng thời lượng phát sóng phim Việt Nam chắc chắn nhỏ hơn và ít được quan tâm hơn phim cùng loại nước ngoài. Các bộ phim về chiến tranh  giai đoạn từ 1954 tới 1975 thì hầu như chỉ lặp đi lặp lại giống nhau một chủ đề đó là tội ác của Mỹ Nguỵ và sự chiến thắng anh hùng của quân đội Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Tại sao lịch sử của chúng ta lại đơn điệu và đi ngược lại với những tài liệu lịch sử của thế giới đến vậy?
Thay vì việc người ta đưa ra những phân tích về lý do tại sao quân đội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, về những sức ép từ phía thân nhân lính Mỹ và xã hội Mỹ bấy giờ trước những tổn thất về người và của tại Việt Nam? Em tin rằng nếu lịch sử được viết đúng, viết đủ về giai đoạn này thì chúng ta có rất nhiều điều hấp dẫn hơn để khai thác và đưa vào điện ảnh. Tuy vậy, điều đó đã không xảy ra!
Các anh chàng VN hơi có tâm lý tự ái khi thấy làn sóng những cô gái VN, hay cả nhiều người VN thể hiện sự hâm mộ đối với phim ảnh điện ảnh HQ hơi thái quá.
- Sơn
Chân Như: Để thực sự vừa có tác dụng giáo dục lịch sử, vừa hòa giải dân tộc và xóa đi vết thương chiến tranh, theo các bạn, các bộ phim lịch sử, tài liệu nên được làm như thế nào?
Tùng: Để dòng phim chiến tranh của VN có thể phát triển được thì phim chủ đề chiến tranh của VN phải trung thực về lịch sử, bỏ sự kiểm duyệt định hướng theo ý muốn của chính quyền, khai thác nhiều hơn những mặt khác của chiến tranh, Đầu tư nhiều hơn và đa dụng hóa cho nội dung kịch bản.
Sơn: Ý kiến của em về việc  phải làm những bộ phim lịch sử như thế nào tốt nhất hãy thì hãy nhìn đến những nước như Đức, Nhật chẳng hạn. Lịch sử phải là trung thực: có một nói một, hai nói hai.  Lịch sử đã xảy ra những gì thì nên làm theo. Chúng ta không nên vì những tranh cãi để đẩy nhau đến vấn đề thù hận dân tộc, hết sức ngu ngốc, không giải quyết được gì cả
Hương: Theo em, để có được điều này người ta phải có cái nhìn nghiêm túc về tác các đề tài lịch sử. Hãy để lịch sử là chính nó chứ đừng là một thứ lịch sử theo chỉ đạo, định hướng!  Đó chính là cách để phim ảnh lịch sử không còn mang tính chất chia rẽ, thù hằn, mà là giáo dục, là nâng cao dân trí, là hoà giải dân tộc!
Chân Như: Xin cám ơn ba bạn Sơn, Hương và Tùng đã dành thời gian để đến với chương trình.

No comments:

Post a Comment