Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2016-04-07
Xe cảnh sát tại giáo xứ Hướng Phương thuộc xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình Photo courtesy of thanhnienconggiao
Tại giáo xứ Hướng Phương thuộc xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình vào trưa ngày 6 tháng 4 xảy ra vụ đụng độ giữa lực lượng chức năng và một số giáo dân.
Linh mục Lê Nam Cao, quản xứ cho biết vụ việc xảy ra do giáo dân chuẩn bị trang trí cho lễ chầu lượt của giáo xứ sắp đến nhưng địa phương lại ra tay. Trước hết ông cho biết:
Trước đó 15 phút có 4 người vào thăm: Một vị là phó chủ tịch huyện phụ trách văn xã, một phó chủ tịch xã phụ trách văn xã, một vị thuộc phòng nội vụ của huyện, và một người thuộc bên địa chính (đất đai). Họ vào chỉ nói chuyện, hỏi thăm một chút vậy thôi. Sau đó họ chào ra về và khi ra khỏi nhà xứ thì người ta đã bố trí lực lượng ở đâu đến rồi, người ta đàn áp người dân luôn.
Gia Minh: Xin Linh mục cho biết lực lượng vừa nói gồm bao nhiêu người, còn phía người dân gồm những ai, Linh mục cho biết rõ việc đàn áp?
Linh mục Lê Nam Cao: Vào bữa trưa đàn ông lao động chính đi làm, còn ở nhà chủ yếu ông bà già và các cháu nhỏ. Khi nghe sự việc người ta cũng ra nhưng lực lượng giáo dân không đông lắm. Còn bên lực lượng công an, cảnh sát… thì thực tế lúc đó tôi chuẩn bị ăn cơm trưa nên không nghĩ họ đến đó ‘làm’.
Sáu đó giáo dân vào gọi thì tôi bảo ‘thôi cha không ra, có gì bà con về đi; còn người ta muốn làm gì ngoài đó thì làm. Mình tay không, chân không, đầu trần, không có gì cả ra ngoài không hay!
Có một số người không chấp nhận nên họ phản kháng và lực lượng gồm bộ đội, công an … được trang bị đầy đủ khiên, súng ống, rồi đạn, hơi cay, dùi cui. Họ bắn, xịt hơi cay đến tận trong nhà thờ, nhà xứ vẫn nồng cay. Họ bắn đạn vào gần phía trong nhà thờ.
Gia Minh: Hậu quả có ai bị thương do việc bắn đạn hơi cay như linh mục vừa trình bày?
Linh mục Lê Nam Cao: Khoảng 3 hay 4 người bị chảy máu, rồi có người bị rách trên đầu. Có một giáo dân nghe vậy, chạy ra và bị công an bắt lại và đánh người đó nặng nhất. Có người bị hơi cay ‘bắn’ vào mắt nhưng không đến nỗi nguy hiểm. Rồi người ta bắt đưa lên ủy ban và sau đó thả về.
Gia Minh: Những người bị thương được điều trị thế nào và ai điều trị cho họ?
Riêng đối với giáo dân xứ Hướng Phương, lâu nay họ cam chịu nhiều quá rồi; mấy năm trở lại đây họ không cam chịu nữa.
- Linh mục Lê Nam Cao
Linh mục Lê Nam Cao: Người nặng thì thấy nói đưa đến bệnh viện khám rồi; còn tất cả trở về nhà (những người bị chảy máu, bầm tím), bà con giáo dân tự chữa cho nhau thôi.
Gia Minh: Sau đó Linh mục có liên lạc với cơ quan chức năng không?
Linh mục Lê Nam Cao: Sau đó tôi có điện thoại cho ông phó chủ tịch huyện vào gặp trước đó, ông ta bảo không biết, đang ăn cơm ở nhà. Từ đó về sau không ai liên lạc nữa, xem ra họ không quan tâm.
Gia Minh: Đây có phải lần đầu tiên xảy ra ‘tình trạng’ giữa chính quyền và giáo dân của giáo xứ không?
Linh mục Lê Nam Cao: Đối với giáo dân giáo cứ Hướng Phương, đặc biệt vùng Quảng Bình, hầu như đại đa số người dân sợ chính quyền- đặc biệt sợ những người làm công tác công vụ. Vì thường thường họ có một mối thù giữa người giáo dân và người không Công giáo. Họ thường dùng quyền hạn để trả thù theo lối tư nhân. Họ thường gây khó dễ cho người giáo dân nói chung, không riêng gì giáo xứ Hướng Phương.
Riêng đối với giáo dân xứ Hướng Phương, lâu nay họ cam chịu nhiều quá rồi; mấy năm trở lại đây họ không cam chịu nữa. Có những việc người ta đứng ra đòi một cách công khai. Có lẽ đòi một cách công khai như vậy nên người ta trấn áp.
Đây là lần thứ hai, còn những lần lẻ tẻ người ta dọa, nạt; người ta về vây làng một hai ngày cũng có rồi. Những lần mà người ta về vây làng mang tính trấn áp thì thường người ta bảo là để bắt người buôn bán ma túy , hoặc có việc nọ, việc kia … Người ta không nói rõ nhưng nhằm mục đích trấn áp để làm cho người giáo dân sợ.
Gia Minh: Điều này có được trình với Tòa Giám mục không và Tòa Giám mục có cách gì để giúp cho giáo dân trong những vụ việc mà linh mục vừa trình bày?
Linh mục Lê Nam Cao: Thực tế ở đâu thì không rõ nhưng đối với những giáo xứ thuộc giáo phận Vinh thì có lẽ Đức Giám mục Giáo phận là người biết quá rõ về tình hình của giáo phận. Các linh mục quản xứ khi gặp Ngài cũng trình bày một cách rất rõ để khi Ngài gặp các cấp của ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đề cập đến những vấn đề trên. Nhưng xem ra phần nhiều chính quyền cũng bỏ ngoài tai.
Gia Minh: Như vậy linh mục thấy tình hình có vẻ bế tắc: một bên không nghe và một bên cam chịu đến mức phải phản ứng?
Linh mục Lê Nam Cao: Hiện nay có lẽ các trang mạng thông tin xã hội, rồi lớp trẻ được đi tiếp xúc với xã hội nhiều, số già thì người ta bằng lòng cam chịu, nhưng số trẻ người ta không chấp nhận. Từ chỗ đó bắt đầu xảy ra những mâu thuẫn. Thứ hai nữa, người dân đòi quyền bình đẳng, đòi quyền lợi, không bị đối xử giữa lương và giáo. Tôi lấy ví dụ rất đơn giản: nếu một giáo dân lên chính quyền địa phương xin một tờ giấy xác nhận cho con, hay xin một tờ giấy khai sinh cho con thì có thể (họ) gây khó dễ đi đi, về về hai ba ngày; nhưng đối với người không phải Công giáo thì mọi thứ dễ dàng hơn. Rồi công việc làm ăn, thường người Công giáo bị gây khó dễ nhiều hơn.
Gia Minh: Cám ơn Linh mục quản xứ Hướng Phương.
No comments:
Post a Comment