Thursday, April 7, 2016

Dân khốn khổ vì thủy điện 'sai lầm thế kỷ'

MIỀN TRUNG (NV) - Cuộc sống của hàng trăm ngàn gia đình dân chúng vùng hạ lưu sông Ba bị đảo lộn từ khi nhà máy thủy điện An Khê - Kanak chặn sông này tích nước gần 5 năm qua.

Thủy điện An Khê - Kanak chỉ xả một lượng nước nhỏ về sông Ba. (Hình: Người Lao Động)

Báo Người Lao Động ngày 6 tháng 4 cho biết, dọc sông Ba, từ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai đến thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ở đâu cũng nghe người dân than phiền nhà máy thủy điện An Khê - Kanak chặn lấy nước sông Ba để chạy máy rồi trả về sông Côn, tỉnh Bình Định, khiến đời sống người dân ở 6 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai và 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Phú Yên với khoảng 1 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Trần Bằng (61 tuổi), phường Tây Sơn, thị xã An Khê, đã nhiều đời sống bằng nghề đánh cá trên sông Ba cho biết, trước đây đánh cá trên sông Ba “hái ra tiền” nhưng từ khi dòng sông bị chặn dòng, cùng với nước thải của các nhà máy làm sông bị ô nhiễm nặng, khiến cá chết hàng loạt. “Xóm cá ở đây với hơn 30 ngư dân nhưng nay 2/3 phải đi làm thuê kiếm sống,” ông Bằng nói.

Còn bà Nguyễn Thị Tâm (47 tuổi), phường Tây Sơn, thị xã An Khê, cho biết, từ khi sông Ba bị chặn dòng, người dân không ai dám xuống sông tắm, giặt như trước do nguồn nước bị ô nhiễm. “Nhiều hôm mùi hôi thối từ dòng sông bốc lên nồng nặc, không thở nổi,” bà Tâm nói.

Trong khi đó, tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, nhiều cánh đồng lúa đang nứt nẻ vì không còn nước sông Ba để lấy vào ruộng do trước năm 2014, nhà máy thủy điện An Khê - Kanak chặn dòng toàn bộ.
Trước sự tức giận của người dân, năm 2014, chính quyền buộc thủy điện này phải trả nước cho sông Ba không dưới 4 mét khối/giây. Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Yến, trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi Trường thị xã An Khê, cho biết, trong tháng 3, 2016, qua kiểm tra phát hiện lưu lượng nước trả về sông Ba nhỏ giọt, lúc có lúc không, đã ảnh hưởng đến đập Đồng Cam, nguồn nước cho hàng chục vạn dân sống dựa vào hơn 15,000 ha lúa 2 vụ trên cánh đồng Tuy Hòa, vựa lúa của miền Trung.

Chưa hết, ông Nguyễn Tấn Thuần, phó giám đốc công ty cấp thoát nước Phú Yên, cho biết, việc chặn nước thượng nguồn sông Ba để trả về sông Kôn của Thủy điện An Khê - Kanak đang gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt ở các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa.

Điều nghịch lý là vào mùa mưa, thủy điện An Khê - Kanak lại xả lũ xuống sông Ba khiến người dân hạ lưu lãnh đủ. Việc xả lũ này làm mực nước sông dâng đột ngột, gây sạt lở nhiều nơi.

Chẳng hạn, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên là một trong những nơi bị sạt lở nặng nhất. Ông Nguyễn Văn Tuấn (62 tuổi), một người dân ở đây cho rằng, đến mùa mưa lại phải lo nơm nớp nhà cửa, vườn tược bị trôi xuống sông. “Thủy điện An Khê - Kanak xả lũ xuống sông Ba vô chừng. Mùa mưa, nước tràn xuống hồ thủy điện sông Ba Hạ buộc họ phải xả lũ. Thế là chúng tôi lãnh đủ,” ông Tuấn ngán ngẩm.

Tại cuộc họp “Nghiên cứu giải pháp ổn định các cửa sông ở Phú Yên” vào ngày 1 tháng 4, ông Lê Văn Trúc, phó chủ tịch tỉnh Phú Yên, than phiền do phải vất vả đối phó với cửa sông Đà Diễn (cửa sông Ba chảy ra biển) bị bồi lấp trầm trọng, sông Ba bị sạt lở nhiều.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Ngọc Anh, trường đại học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội cho biết, tình trạng bồi lấp ở cửa sông Ba đang diễn ra mạnh mẽ với trung bình mỗi năm 1 triệu mét khối đất cát.
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, ông Phạm Đình Cự, cựu chủ tịch tỉnh Phú Yên, cho biết, khi lấy ý kiến xây dựng nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, lãnh đạo tỉnh đã phản đối quyết liệt do đã nhận ra hậu quả khi thủy điện chặn dòng. “Lúc đó, mình không cãi lại các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này. Hơn nữa, sau đó trung ương thông qua nên địa phương phải tuân theo,” ông Cự nói.


Tương tự, một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, khi xây dựng nhà máy thủy điện An Khê - Kanak, tỉnh cũng không đồng ý. Tuy nhiên các bộ, ngành trung ương thông qua nên tỉnh phải chấp hành.(Tr.N)
06-04- 2016 1:40:14 PM

No comments:

Post a Comment