Wednesday, February 17, 2016

Việt Nam: Nhân tố vùng miền và Trung Quốc cản đường thủ tướng Dũng?

Theo RFI -17-02-2016 15:20 
media
 Ông Nguyễn Phú Trọng (P) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 26/01/2016 REUTERS
Báo chí, chủ yếu là nước ngoài, trong thời gian qua đã nói nhiều về điều được cho là thất bại của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong việc giành chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam nhân Đại Hội Đảng lần thứ 12 vừa qua. Về nguyên nhân khiến ông Dũng thất bại, trong một bài viết đăng trên tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review hôm 07/02/2016, tác giả Atsushi Tomiyama đã cho rằng : « Gốc người miền Nam và có lẽ cả Trung Quốc, đã làm tiêu tan các hy vọng của ông Dũng », tựa của bài phân tích. RFI xin giới thiệu.
Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 41 năm, nhưng cuộc tranh giành quyền lực gần đây nhất trong ban lãnh đạo đảng Cộng Sản đã cho thấy là sự phân chia Bắc-Nam vẫn còn là một yếu tố trong nền chính trị của Việt Nam. Và đằng sau hậu trường thì có bóng dáng Trung Quốc lẩn khuất, cho dù không tác động trực tiếp, nhưng rõ ràng có can dự vào ván bài này.
Tại Đại hội lần thứ 12 vào ngày 28 tháng Giêng, đảng Cộng Sản đã quyết định giữ ông Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục làm tổng bí thư – chức lãnh đạo hàng đầu của quốc gia – thêm 5 năm nữa.
Ông Trọng, cao tuổi nhất trong ban lãnh đạo cũ của Đảng, là người Hà Nội. Ông đã thành công trong việc ngăn chặn đường tiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng được xem là một ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư.
Nếu được chỉ định, thì ông Dũng sẽ là tổng bí thư đầu tiên người gốc miền Nam. Khi làm thủ tướng, ông Dũng đã thúc đẩy một loạt các cải cách kinh tế đầy tham vọng, chỉ đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương và nới lỏng các hạn chế về đầu tư nước ngoài.
Nếu ông Dũng là một biểu tượng cho xu hướng miền Nam trong nền kinh tế, thì ông Trọng là hình ảnh thu nhỏ của đặc thù cộng sản miền Bắc. Đại hội 12 đã nhấn mạnh là miền Bắc vẫn nắm chặt quyền lực chính trị.
Các quan chức cao cấp lo ngại
Ngày 21 tháng Giêng, ngay trước khi Đại Hội Đảng khai mạc, theo tin báo chí, một cựu lãnh đạo cấp cao đã gửi thư điện tử tới ông Trọng.
Theo thư điện tử này, ông Dũng là một loại chính trị gia mà Việt Nam cần. Vị cán bộ Đảng lão thành phàn nàn là không một ai trong số các ứng viên của ban lãnh đạo mới có hiểu biết về kinh tế, và tất cả những người này đều không có lòng dũng cảm đáp trả những yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuần lễ trước đó, ông Dũng đã bị loại khỏi cuộc đua tranh giành vị trí lãnh đạo Đảng, sau khi không hội đủ phiếu ủng hộ của các đại biểu để trở thành một ủy viên trong Ban Chấp Hành mới. Ban này lựa chọn các ủy viên Bộ Chính Trị trong số các ủy viên; tổng bí thư và các lãnh đạo cấp cao khác thì được lựa chọn trong số ủy viên Bộ Chính Trị.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với Đảng, thì các chính trị gia ở miền Nam vẫn cố gắng đề cử ông Dũng.
Ở trong và ngoài nước, ông Dũng có tiếng là một nhà lãnh đạo có năng lực và có đầu óc cải cách. Người gốc tỉnh Cà Mau, miền Nam, ngay từ thời thiếu niên, ông đã tham gia Quân Đội Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông có ảnh hưởng đối với lực lượng an ninh và có kiến thức rộng rãi về kinh tế ; trước đó, ông từng đảm nhiệm chức thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.
Năm ngoái, dường như ông Dũng đang trên đường tiến đến đỉnh cao quyền lực. Trong một buổi lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4, ông đã nói chuyện trong 40 phút – lâu hơn cả tổng bí thư và chủ tịch nước, là những nhân vật lãnh đạo số một và số hai. Việc một thủ tướng, lãnh đạo đứng hàng thứ ba, có một bài diễn văn dài đến như vậy trong một buổi lễ chính thức, là điều không bình thường.
Điều đó đã tạo ra tin đồn đoán là ông Dũng đang nhắm tới chức tổng bí thư. Thế nhưng, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đã e ngại ông Dũng.
Mặc dù chính sách Đổi Mới kinh tế được tiến hành từ năm 1986, nhưng Việt Nam vẫn tràn ngập các doanh nghiệp Nhà nước, trong lúc các quy định quản lý thì không rõ ràng. Thủ tướng Dũng không chỉ lãnh đạo Việt Nam tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà còn thúc đẩy các dự án tự do mậu dịch với Hàn Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Kinh Tế Âu-Á. Các chính trị gia có nhiều quyền lợi gắn liền với tình trạng này không mặn mà với những thay đổi đó.
Nhiều đảng viên cũng không muốn chấp nhận một nhà lãnh đạo cao cấp gốc miền Nam. Tất cả tám tổng bí thư, kể từ người sáng lập Đảng là ông Hồ Chí Minh, đều là người gốc miền Bắc hoặc gốc miền Trung.

Các tổng bí thư của đảng Cộng Sản Việt Nam
 
TênNơi sinhNhiệm kỳ
Hồ Chí MinhNghệ An (miền trung)10/1956 - 09/1960
Lê DuẩnQuảng Trị (miền trung)09/1960 – 07/1986
Trường ChinhNam Định (miền bắc)07/1986 – 12/1986
Nguyễn Văn LinhHưng Yên (miền bắc)12/1986 – 06/1991
Đỗ MườiHà Nội (miền bắc)06/1991 – 12/1997
Lê Khả PhiêuThanh Hóa (miền trung)12/1997 – 04/2001
Nông Đức MạnhBắc Kạn (miền bắc)04/2001 – 01/2011
Nguyễn Phú TrọngHà Nội (miền bắc)01/2011 – hiện nay

Có một quan niệm phổ biến cho rằng miền Bắc đã giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng đất nước thịnh vượng như hiện nay là nhờ vào các lực lượng miền Bắc. Có một suy nghĩ được chấp nhận rộng rãi, đó là con cái của những người phục vụ trong quân đội miền Bắc Việt Nam thì phải được ưu đãi về các cơ hội giáo dục và việc làm.
Theo quy tắc bất thành văn, những ai gốc miền Nam thì không thể làm lãnh đạo tối cao của Đảng. Và đây không phải là trở ngại duy nhất trên con đường tiến của ông Dũng.
Bóng dáng hàng xóm Trung Quốc
Ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội và là lãnh đạo đứng hàng thứ tư của Việt Nam, đã đi thăm Trung Quốc vào ngày 23 tháng 12 và gặp gỡ chủ tịch nước Tập Cận Bình. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Các chuyên gia nghi ngờ là họ cũng đã nói chuyện về việc tái bổ nhiệm ông Trọng làm tổng bí thư.
Không có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh can thiệp vào cuộc tranh giành vị trí lãnh đạo ở Hà Nội. Nhưng Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đối với nền chính trị Việt Nam. Và rõ ràng là ông Dũng không phải là ứng cử viên được Bắc Kinh ưa thích.
Thủ tướng Việt Nam đã có lập trường cứng rắn về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Khi Trung Quốc bắt đầu khoan dò tìm dầu ở khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam khẳng định là của mình, ông Dũng đã tuyên bố là Việt Nam không đánh đổi chủ quyền và các lợi ích hợp pháp để có được một « quan hệ hữu nghị viển vông và phụ thuộc ».
Yoshiharu Tsuboi, một chuyên gia về chính trị Việt Nam tại đại học Waseda, nói rằng Trung Quốc có thể rất nghi kỵ ông Dũng, người chủ trương quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ.
Hãy chờ đấy
Ông Dũng bị hạ bệ nhưng không hẳn là hết ảnh hưởng. 19 ủy viên Bộ Chính Trị, những người kiểm soát các công việc của Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm tới, cũng đã được Đại hội Đảng bầu ra. Danh sách này bao gồm nhiều chính trị gia được cho là thân cận với thủ tướng Dũng, như ông Đinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông và ông Nguyễn Thiện Nhân, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Chủ tịch một công ty Việt Nam, thân cận với một đảng viên cao cấp, nói : « Ông Dũng vẫn còn rất nhiều quyền lực chính trị… Ông ta không mất hết toàn bộ quyền lực đâu ».

Tuy nhiên, Đại Hội Đảng là một lời nhắc nhở về sự chia rẽ vùng miền. Với hậu quả là cản trở các chính trị gia gốc miền Nam, có đầu óc cải cách, và làm chậm lại sự phát triển kinh tế của đất nước.

No comments:

Post a Comment