Wednesday, February 17, 2016

TỬ SĨ

NghiaTrangQDBH_1973
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc VNCH đã hy sinh gần ba trăm ngàn thanh niên ưu tú của mình
Các Tử Sĩ đổ máu mình trên khắp miền đất nước. Có người vùi thây trong đất cát bụi mờ, cũng có người may mắn nằm nghỉ ngơi phần đất của quê hương gia tộc. Một phần không nhỏ Tử Sĩ được an táng cùng với chiến hữu đồng đội trong các Nghĩa Trang Quốc Gia
Nói về công ơn của Tử Sĩ điều đó quả thật vượt qua ngôn ngữ của con người. Đất nước cần, họ sẵn sàng ứng tiếng. Có những Tử Sĩ từ lúc gia nhập quân đội cho tới ngày ngã ngựa thời gian chưa tròn hai năm . Mười tám tuổi lên đường, mười chín tuổi vừa giỗ một năm.
Tinh hoa của đất nước, sức mạnh của dân tộc, người thanh niên chưa kịp có một tình yêu dù chỉ là tình yêu học trò tay nắm tay , chưa kịp biết hương vị mùi thơm môi con gái đã phải ra trận nhắm vào kẻ thù mà bắn.
Tôi còn nhớ câu thơ:
– …Chưa biết yêu đã biết cách giết người…
Bài thơ của một thằng bạn thời năm cuối trung học, sau này tôi dự đám tang nhà binh của nó. Nhìn ảnh bán thân trong quân phục đại lễ BBTD , tôi đã bùi ngùi bởi vì cho tới ngày nó chết nó vẫn chưa có mối tình vắt vai.
Tuổi trẻ miền Nam thời chiến tranh hầu hết là như thế. Chẳng ai muốn bắn giết làm gì, hẹn hò với em bên Trưng Vương, Gia long , Lê văn Duyệt… không phải là sướng hơn chui đầu vào Đà Lạt, Thủ Đức… để bị hành hạ rồi táng mạng ngoài chiến trường sao? Vậy mà cả lớp chúng tôi không một thằng nào trốn lính. Mặc áo chiến binh là bổn phận của con trai ( con gái) lúc Quốc Gia nguy biến, trốn chui trốn nhủi để bảo toàn cái mạng cùi của mình trong khi ngày nào cũng thấy quan tài kẽm trên xe GMC chạy khắp hang cùng ngõ hẻm không có trong tự điển sống của chúng tôi. Tuổi trẻ muốn làm anh hùng chăng ? không! Giá như “ chúng nó cứ ở yên ngoài Bắc, ăn bo bo rau muống cho mòn cả răng ra” thì chẳng thằng nào trong chúng tôi điên đến nỗi xung phong vào chỗ chết.
Và bởi vì chúng nó “ không chịu ở yên ngoài đó “ nên chúng tôi cũng chẳng thể chọn thế đứng ngoài lề. Bạn bè cùng lớp, bạn bè khác lớp, bạn bè hàng xóm , bà con thân tộc lần lượt cởi bỏ quần áo thường dân để mặc đồ lính. Đủ mọi sắc, Hải Lục Không Quân, nhiều nhất vẫn là những binh chủng tổng trừ bị. Rất nhiều thằng chọn đơn vị bị “ cọp liếm “. Tội nghiệp , từ một thư sinh tay yếu chân mềm, thằng nào cũng ưỡn ngực hùng dũng khi khoác bộ đồ bông. Tiếc nuối chăng những ngày tháng học trò? Tiếc gì chứ, Tổ Quốc lên tiếng gọi mà. Có thằng sợ con gián, con thằn lằn, rùng mình khi con chuột chạy ngang, vậy mà ra đơn vị thời gian ngắn gặp lại nhau đã thấy mang lon mới tại mặt trận.
Khi nghe tin một thằng nằm xuống, lính đã không đổ nước mắt cho lính. Có chăng nữa ly rượu uống vội rồi đổ phần còn lại trước quan tài, kèm theo điếu thuốc hút vài hơi cắm vào chén nhang trước bàn thờ. Tuổi trẻ chúng tôi đã xảy ra như thế. Thằng chết thì yên thân chỉ thương gia đình cha mẹ anh chị em còn ở lại. Hiếm đứa nào được người yêu đi tiễn ra nghĩa trang bởi vì lính chúng tôi không kịp có thì giờ để kiếm.
Thì ngày xưa khi Tàu sang đô hộ nước mình, tổ tiên mình cũng đã từng làm như thế. Nếu các ngài không đáp lời sông núi, không hưởng ứng Bình Ngô đại Cáo của Đức Nguyễn Trãi, không ăn tết sớm theo sức tiến quân như vũ bão của Đức Quang Trung Đại Đế giờ này chắc con cái các ngài đều nói toàn tiếng của nước xì dầu. Tổ tiên làm được mình là con cháu chẳng lẽ không chu toàn?
(Phải cảm ơn thế nào mới đủ đối với những người trẻ xả thân mình cho sự tồn vinh của đất nước? Phải viết gì để chuyển tải hết tâm tình ngưỡng mộ, cảm phục cho xứng đáng máu xương để lại chiến trường bởi những bằng hữu xông pha đầu tên mũi đan, còn sống với thân thể khiếm khuyết hoặc vùi thân theo cây cỏ trên quê hương sau chiến trận? )
“ Giá như chúng nó cứ ở yên ngoài kia”
line-dotBiết rằng chiến binh một đi mấy khi trở lại nam nữ thời loạn chỉ có một đường binh
– Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Ra trận thì cứ trước mặt mà bắn. Ai cũng có số, đạn né mình chứ mình có thấy đạn bay đi đâu mà né nó? thằng nào trúng thì bởi tới lúc bị “ trời kêu “, mà trời đã kêu thì chỉ còn nước “ dạ “. Phút chốc từ một chiến binh mạnh mẽ bỗng trở thành “ Tử Sĩ “
Thời chúng tôi qua rồi, thằng nào “ Tử Sĩ thì đã ‘ Tử Sĩ “ thằng nào số lớn không bị ăn đạn VC, không bỏ xác rừng sâu núi thẳm thời gian tù đầy giờ sống trên xứ người hay ngoắc ngoải ở VN cũng tưởng rằng sẽ không còn thanh niên trẻ VN trở thành “ Tử Sĩ “ như cha ông.
Vậy mà có đấy, mười hai “ Tử Sĩ “ mang dòng máu Việt trong Quân Đội Hoa Kỳ. Tôi phải thú thật là tôi đã khóc khi nhìn thấy hình của các “ Vị.” . Tôi goi họ là “ Vị “ với đầy lòng kính trọng bởi vì họ xứng đáng được kính trọng như thế . Những thanh niên VN tuổi còn rất trẻ đã chấp nhận Hoa Kỳ là quê hương và đã chứng minh tình yêu quê hương mới bằng chính máu của mình.
12ANHUNGTUSIMYGOCVIETNgười cao tuổi nhất là Trung Sĩ I Không Quân Nguyễn Văn Thanh . Anh được 37 tuổi tính tới ngày tử trận. Người trẻ nhất là Hạ Sĩ Alan Đinh Lâm thuộc TQLC, chỉ vừa mười chín tuổi. Những Anh Hùng Tử Sĩ còn lại lần lượt có tên ;
  • Andrew S. Đặng Hạ Sĩ TQLC (20 tuổi)
  • Trần Quốc Bình Hạ Sĩ Bộ Binh ( 26 tuổi)
  • Victor R. Lữ Hạ Sĩ TQLC (22 tuổi)
  • Lê Ngọc Bình Hạ Sĩ TQLC ( 20 tuổi)
  • Nguyễn Mạnh Tùng Thượng Sĩ LLDB (không rõ tuổi)
  • Nguyễn Ngọc Long Trung Sĩ Bộ Binh ( 27 tuổi)
  • Nguyên Hồng Đan Hạ Sĩ I Bộ Binh ( 24 tuổi)
  • Trần Hai Du Trung Sĩ I Bộ Binh (30 tuổi)
  • Ngô Q. Tân Binh I Bộ Binh (20 tuổi)
  • Nguyễn Lee Van Te Hạ sĩ TQLC (21 tuổi)
Tất cả mười hai Anh Hùng Tử Sĩ đều hy sinh trong chiến đấu!
(Tài liệu: Military Times-Honor the Fallen; VAAFA-Fallen Heros; Arlington National Cemetery;)
Là thế hệ cha ông chúng ta hãnh diện với những con cháu người Việt đã hy sinh trên các chiến trường để bảo vệ cho nền Tự Do Dân Chủ của Tổ Quốc mới. Mỗi giọt máu Tử Sĩ đổ ra làm rạng danh thêm cho dân tộc hào hùng và thắp sáng triết lý ngàn đời của dòng giống : “ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” . Nước Mỹ đã cưu mang , hổ trợ về mọi mặt để từ khi thoát khỏi sự cai trị man rợ của VC chúng ta trỗi dậy từ con số không, và Tử Sĩ con cháu người Việt góp máu xương để giữ vững sự an bình ở quê hương mới trong đó có thân nhân .
Tôi không dám đại diện cho bất cứ ai khác, chỉ thay mặt gia đình và chính cá nhân mình xin cúi đầu ngưỡng mộ các Vị và cảm ơn những đấng bậc sinh thành Quí Vị. Nỗi đau mất mát chồng con trong chiến tranh ( khi vẫn còn quá trẻ) là nỗi đau không gì bù đắp được. Xin nhỏ những giọt nước mắt thật sự tự đáy lòng để chia sẽ phần nào. Xin Ơn Trên dẫn đưa hương hồn Quí Vị về chốn nghĩ ngơi đời đời và ủi an những thân nhân còn lại.
Tôi vẫn cầu nguyện cho quí vị hàng ngày.
nguoiviettudo

No comments:

Post a Comment