Wednesday, February 17, 2016

Tham nhũng tại Việt Nam: nguyên nhân và hậu quả

Theo VNTB -18.2.16
Đào Đức Thông (VNTB) Tham nhũng trong XH như một hiện tượng xã hội bình thường, phát xuất từ những điều kiện nhân sinh, dĩ nhiên hiện diện mọi nơi, ngay cả tại những quốc gia tư bản, dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, tệ nạn tham nhũng mang tính đột biến và lẻ tẻ. Hoàn toàn khác biệt với tham nhũng tại các quốc gia độc tài, độc Đảng như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên mang tính hệ thống và là một quốc nạn.

Tổng quan

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu. Phản ứng đối với tham nhũng mang tính xã hội rộng lớn ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, dân tộc và nhân loại. Chống tham nhũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, quốc tế và thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập.

Theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International):

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. (Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam)

Tham nhũng là hành vi của người lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cố ý làm trái pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân.(Tổ chức Minh bạch Quốc tế).

Tham nhũng trong XH như một hiện tượng xã hội bình thường, phát xuất từ những điều kiện nhân sinh, dĩ nhiên hiện diện mọi nơi, ngay cả tại những quốc gia tư bản, dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Tuy nhiên, tại những quốc gia này, tệ nạn tham nhũng mang tính đột biến và lẻ tẻ. Hoàn toàn khác biệt với tham nhũng tại các quốc gia độc tài, độc Đảng như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên mang tính hệ thống và là một quốc nạn.

Bên cạnh những vụ án tham nhũng tầm cỡ của quan chức cấp TW, số người tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức của Chính quyền CS có chức vụ thấp hoặc không có chức vụ lãnh đạo, quản lý, như nhân viên cảnh sát, thuế vụ, bác sỹ, y tá chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi ở các quốc gia tư bản, dân chủ, người tham nhũng chủ yếu là các chính khách, các quan chức và doanh nhân. Mấy năm gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện một số vụ tham nhũng liên quan đến yếu tố nước ngoài làm nhục quốc thể.

Tình hình tham nhũng tại Việt Nam

Tình hình tham nhũng ở Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng, với những biểu hiện vừa tinh vi, phức tạp, vừa trắng trợn, lộ liễu, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, có những điểm giống và khác nhau so với tình hình tham nhũng ở các nước khác, nhưng đặc điểm nổi bật là tính phổ biến.

Theo báo cáo của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế trong bản Chỉ Dẫn Nhận Thức về Tham Nhũng thì vào năm 2015, Việt Nam xếp hạng tham nhũng thứ 112 trong 167 quốc gia.

Tham nhũng hiện nay đã và đang trở thành quốc nạn, là vấn đề nhức nhối của Xã hội thường ngày, là nguy cơ sụp đổ của ĐCS và chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phát biểu: "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người".

Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có..."

Khi nhắc đến tham nhũng tại Việt Nam, chúng ta thường nghĩ đến khối tài sản khổng lồ của của anh 3X, của Cựu TBT họ Nông và sự sụp đổ vì tham nhũng của các doanh nghiệp lớn nhà nước Vinashin, Vinalines. Trước đại hội XII của Đảng CS qua những đấu đá nội bộ, nhiều phe nhóm trong Đảng đã lợi dụng truyền thông tin học để tố cáo các sự tham nhũng của đối thù bằng cách bạch hóa siêu tài sản cũng như siêu bại hoại của cha con Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam - Phùng Quang Thanh.

Tình hình tham nhũng ở Việt Nam thực sự nghiêm trọng, nhưng không phải nằm tại thượng tầng cơ sở, mà đặc biệt nghiêm trọng vì nằm trong bản chất của một hệ thống Chính trị sai lầm, độc đảng. Chính vì thế tham nhũng mang tính hệ thống, từ bản chất đến hiện tượng, từ thượng tầng cơ sở, đến hạ tầng cơ sở gần dân nhất.

Hệ thống phòng chống tham nhũng ở Việt Nam khá đồng bộ và phức tạp. Đứng đầu là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên Chính phủ có Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh Tra chính phủ đứng đầu. Hầu như tất cả các Bộ ngành, UBND đều có cơ quan phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên tình hình tham nhũng trong xã hội Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả của công tác phòng, chống của nhà cầm quyền vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương trong nước đã từng diễn ra tình trạng chạy danh, chạy chức, chạy quyền. Còn có các kiểu “chạy” khác nữa, từ nhỏ đến lớn và rất lớn, đó là chạy trường, chạy lớp, cho đến chạy dự án và chạy án. Đây mới là tiêu điểm của những nhức nhối, bức xúc trong vòng xoáy của tiền bạc và quyền lực, trong những mua bán, đổi chác, tội phạm và tệ nạn.

Tham nhũng tại Việt Nam có mối tương quan mật thiết với hai yếu tố khác: sự hưng thịnh của thị trường chợ đen và chế độ thư lại nhiêu khê của Chính quyền. Mức sản xuất trong nước càng thấp thì tỉ lệ tham nhũng càng tăng cao.

Qua đó cho thấy những biểu hiện phức tạp đặc thù của tham nhũng là đa dạng, muôn vẻ sắc thái, loại hình, mức độ, cũng như hậu quả. Mức độ tham nhũng nặng nề ở Việt Nam, tính nan giải, khó trị của nó được lý giải từ sự yếu kém, nhu nhược của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy ĐCS & Chính quyền. Tham nhũng diễn ra cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, là những cơ quan cầm cân, nảy mực, đại diện cho công lý và công bằng xã hội, như công an, VKS, Tòa án... Những trường hợp thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tòa án nhận hối lộ đã xuất hiện ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, công chức và người dân coi việc hối lộ cho công chức và việc công chức nhận hối lộ khi giải quyết công việc là chuyện bình thường. Hình thức tham nhũng “vặt” và tham nhũng “nhỏ, lẻ”, mà nhiều người gọi là “nhũng nhiễu” hay “chi phí không chính thức” tuy thiệt hại không lớn, có khi chỉ vài chục nghìn đồng mỗi vụ, nhưng diễn ra một cách tràn lan ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng bức xúc. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay, là kẽ hở của tham nhũng trong chế độ XHCN.

Khi nghiên cứu kỹ các quốc gia có nạn tham nhũng thì sẽ nhận thấy rằng, mức độ tham nhũng hoàn toàn tỷ lệ thuận với mức độ độc tài trong một quốc gia. Điển hình là Bắc Triều Tiên đội sổ tham nhũng – đứng chót thứ 167 trong bản Chỉ Dẫn Nhận Thức về Tham Nhũng của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế.

Phân loại tham nhũng tại Việt Nam

Trước đây, tham nhũng tại Việt Nam chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh…Có thể chia tham nhũng thành 2 loại: tham nhũng lớn và tham nhũng vặt:

Tham nhũng lớn: xảy ra chủ yếu liên quan đến dự án thu mua lớn và phổ biến trong các dự án xây dựng công cộng và tư nhân, bệnh viện; trong các hợp đồng vũ khí và quốc phòng, trong công nghệ vũ khí mới,….

Tham nhũng vặt: còn được gọi là tham nhũng hành chính hay tham nhũng quan liêu, là loại tham nhũng diễn ra thường ngày, khi các nhân viên công chức tiếp xúc với quần chúng trực tiếp. Những vụ tham nhũng vặt còn hay xảy ra khi người dân và các công ty tìm cách né tránh nghĩa vụ và các khoản thuế và khi các viên chức lạm dụng quy định theo ý của họ bằng cách cố gắng bòn rút tiền từ các công dân và các công ty.

Bảng một số các hành vi tham nhũng thường xảy ra tại Việt Nam


Các dạng và mức độ tham nhũng

Hối lộ: Hối lộ là cho ai đó một lợi ích nào đó để gây ảnh hưởng lên một quyết định hoặc hành động.

Gian lận và Dối trá: Gian lận và dối trá liên quan đến giấy tờ giả mạo, lừa lọc và bóp méo sự thật về những mục đích cá nhân của họ..

Chiếm đoạt: Khi một cá nhân dính vào vụ việc chuyển tiền hoặc hàng hóa phi pháp từ nơi này sang nơi khác thì người đó được coi là thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Tham nhũng có hệ thống: Khi tham nhũng không những suy giảm đi mà còn được thừa nhận như “điều tất yếu” và là một phần của thủ tục trong các công việc chung và riêng của một tổ chức và một xã hội thì ta gọi đó là tham nhũng hệ thống.

Tham nhũng có móc ngoặc: Tham nhũng có móc ngoặc xuất hiện trong các mối quan hệ có từ hai cá nhân trở lên. Nó có thể xảy ra khi bản chất của việc giao dịch là phi pháp hoặc khi một trong các bên muốn dành được phần lợi nhiểu nhất so với các bên khác.

Tống tiền: Sử dụng vũ lực, hăm dọa, đe dọa đến một cá nhân hoặc một tổ chức để có được sự bảo hộ, thiên vị hoặc lợi ích từ đối thủ của mình.

Lạm dụng quyền hạn: Một vài cá nhân có thể lạm dụng quyền hạn được giao để phục vụ cho mục đích cá nhân. Tham nhũng dạng này còn bao gồm dung túng và thiên vị.

Tham nhũng không chỉ một yếu tố làm giảm hiệu năng hoạt động của chính quyền Việt Nam, sự sụp đổ của Đảng, mà con là nguy cơ mất nước vào tay giặc Tàu cộng đang bành trướng lãnh thổ.

Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nước không chỉ là vấn đề cấp thiết mà còn phải có những định hướng, giải pháp cụ thể, trước mắt cũng như lâu dài với những bước đi thích hợp ở từng giai đoạn khác nhau mới có thể đạt được hiệu quả trong phòng ngừa và ngăn chặn.

Nguyên nhân của tham nhũng
Thứ nhất: hệ thống tổ chức bộ máy của nhà cầm quyền cồng kềnh, tầng nấc, quan liêu nặng nề. Cải cách hành chính và cải cách tư pháp của nhà cầm quyền Việt Nam không triệt để, mục tiêu xây dựng một nền hành chính công minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp không hề thực hiện được.

Thứ hai: hệ thống thể chế luật pháp và tổ chức thực hiện, thi hành luật pháp không đồng bộ, chất lượng thấp, hiệu lực yếu, hiệu quả kém. Vừa bị “rừng luật” cản trở vừa bị “luật rừng” thao túng.

Thứ ba: chính sách nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt là chính sách tiền lương, BHXH, thêm vào đó là tác động của lợi ích nhóm dẫn tới tiêu cực trong hoạch định và thực thi chính sách. Chính sách của nhà nước Việt Nam đang phục vụ cho phục vụ lợi ích nhóm chứ không hề phục vụ cho dân. Tham nhũng trong chính trị, trong chính sách làm tha hóa, suy thoái, hư hỏng ngày càng trầm trọng trong một bộ phận quan chức, công chức, viên chức gây tổn hại tới lợi ích và cuộc sống của người dân.

Thứ tư: đội ngũ công chức của nhà cầm quyền thiếu tính chuyên nghiệp. Hoạt động điều hành quản lý thiếu tính hiện đại. Văn hóa từ chức, văn hóa xin lỗi chậm hình thành, không được thực hiện nghiêm túc, chỉ là hình thức.

Thứ năm: cơ chế tuyển dụng công chức, sử dụng nhân lực của nhà cầm quyền có nhiều bất ổn. Thiếu động lực cho tài năng phát lộ, phát triển. Nhân tài, hiền tài, tinh hoa khó, thậm chí không có cơ hội được làm việc. Cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ” là nơi dung dưỡng cho tham nhũng phát triển. 

Thứ sáu: bất công trong xã hội Việt Nam còn quá nhiều. Sự phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng. Không kiểm soát được biến động tài sản và thu nhập, nhất là xử lý tình trạng giàu lên nhanh chóng một cách phi pháp, ngoài lao động của một bộ phận quan chức Đảng và Nhà nước.

Thứ bảy: tình trạng hư danh, hám danh, tham chức, tham quyền, trục lợi kèm theo sự suy đồi đạo đức của quan chức, dư luận tích cực xã hội trong nhân dân phát triển một cách yếu ớt, không tạo được áp lực đủ mạnh chống tham nhũng.

Thứ tám: sự độc tài, độc đảng kèm theo hống hách, quan liêu, sa đọa,v…thiếu gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhà cầm quyền ở cấp thấp và kể cả ở cấp cao. “Thượng bất chính hạ tất loạn…”. Tổng kết phòng ngừa, răn đe của người xưa để phòng tránh đã không tránh được, lại đã hiện hình trong bộ máy, trong những người nắm giữ chức, quyền của chế độ hiện nay.

Hậu quả của tham nhũng

Xã hội Việt Nam bất an, bất ổn, tiềm ẩn những mâu thuẫn, xung đột, có nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng.

Đạo đức xã hội, đạo đức gia đình, đạo đức cá nhân rơi vào trạng thái suy đồi nghiêm trọng. Các giá trị tinh thần nền tảng của tổ tiên để lại bị xem nhẹ, bệnh vô cảm tràn lan, niềm tin, lòng tin của dân đối với chế độ và nhà cầm quyền đã giảm sút.

Kinh tế Việt Nam chậm phát triển, tái lạm phát tiềm tàng và khủng hoảng có nhiều dấu hiệu tăng lên. Nợ xấu, nợ công gia tăng, tới giới hạn nguy hiểm. Tham nhũng có thể làm hỏng cả vị thế và uy tín Việt Nam trên trường Quốc tế, làm giảm sút nghiêm trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho phát triển tiềm lực quốc gia.

Kết
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại Việt Nam chỉ mang tính hình thức, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; việc trả lương qua tài khoản; việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

Tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ biến; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất khó khăn.

Việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam không thể một sớm một chiều, cần có sự học hỏi, hợp tác và hỗ trợ kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về ý thức phòng, chống tham nhũng, yêu cầu cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân cùng chung tay trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, mạnh dạn tố cáo, đóng góp ý kiến, thay đổi tâm lý không tốt đã ăn sâu vào không ít tầng lớp trong xã hội

Để giải trừ quốc nạn tham nhũng có tính hệ thống tại Việt Nam, chúng ta không thể trông chờ vào những cải tổ hoặc đổi mới nửa vời, những lời hứa hẹn của Đảng CSVN. Về mặt chính trị, nhà cầm quyền cần thực hiện dân chủ một cách triệt để hơn, toàn diện hơn. Mọi hoạt động cần phải công khai, minh bạch với nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân. Quốc Hội phải tạo điều kiện cho các công dân tự ứng cử vào Đại biểu Quốc Hội, Đại biểu HĐND. ĐCS và nhà cầm quyền Việt Nam phải thừa nhận sự hoạt động của các hội đoàn độc lập Xã Hội Dân Sự, các hội đoàn đấu tranh cho nhân quyền, công bằng xã hội, đoàn thể tôn giáo. Bản chất của nhà nước Việt Nam mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự

Theo các nghiên cứu của nhiều học giả trên thế giới thì tham nhũng tỷ lệ nghịch với dân chủ, đa nguyên. Ở các nước tư bản, đa đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền thì khó mà thấy tình trạng tham nhũng diễn ra và pháp luật rất nghiêm minh.

Dân tộc Việt Nam cần một cơ chế Chính trị qua một Hiến pháp mới, thể hiện một nền dân chủ hiến định, pháp trị, đa nguyên và đa đảng; một chủ trương kinh tế thị trường triệt để, dứt khoát đoạn tuyệt với điều 4 hiến pháp và mọi định hướng xã hội chủ nghĩa. Có như thế quốc nạn và quốc nhục tham nhũng mới bị loại trừ và dân tộc Việt Nam mới có thể ngẩn cao đầu trong cộng đồng các dân tộc văn minh trên thế giới.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

No comments:

Post a Comment