Theo BBC-17 tháng 2 2016
Chiều 16/2 (sáng 17/2 giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean tại Sunnylands, Hoa Kỳ, ra tuyên bố chung về hợp tác kinh tế và giải quyết các tranh chấp trên biển nhưng không đề cập đến Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nước Asean và Washington muốn có sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp nhất.
Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands theo các quan sát viên là sự kiện thuộc loại quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối Asean từ trước tới nay, khẳng định lại lập trường của Mỹ trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Ngoài lịch trình họp chung cùng lãnh đạo 9 quốc gia Asean khác trong hai ngày hội nghị 15 và 16/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp riêng với Tổng thống Barack Obama.
4 trong số 17 nguyên tắc của Tuyên bố chung Sunnylands được Nhà Trắng phát đi tuy không nêu rõ từ 'South China Sea' (Biển Đông) nhưng khái niệm 'biển' ở đây được những người tham dự sự kiện hiểu là khu vực này:
- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương Asean và luật pháp quốc tế
- Cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (Unclos).
- Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và như đã được nêu trong Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos); cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong các hoạt động.
- Cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển
'Quan ngại sâu sắc'
Hôm 17/2, báo điện tử Chính phủ Việt Nam tường thuật: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ Asean-Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Hoa Kỳ và các đối tác nói chung đối với lập trường của Asean trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông”.
Hôm 15/2, nhà báo tự do Bùi Văn Phú từ bang California, Hoa Kỳ bình luận với BBC: “Tôi không nghĩ là sẽ có thay đổi vì nên nhớ chủ trương của đảng Cộng Sản là "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Đảng đã quyết định tại đại hội là chọn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại để kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh và chọn con đường "kinh tế thi trường, định hướng xã hội chủ nghĩa", với chính sách đối ngoại vẫn thân Trung Quốc hay có thể nói là đang bị Trung Quốc kìm hãm”.
Tham dự thượng đỉnh Asean có nhiều lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Tổng thống Obama còn chưa đến một năm sẽ rời Bạch Ốc. Tổng thống Aquino của Philippines cũng rời chức vụ trong vài tháng tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thế. Tổng thống Thein Sein của Myanmar cũng sắp bàn giao quyền hành cho đảng đối lập nên không dự thượng đỉnh mà cử phó tổng thống.
“Trước khi hội nghị diễn ra, nhật báo Los Angles Times còn đưa tin với một tựa bài hết sức bất lợi cho nhiều lãnh đạo Asean là "A crowd of dictators is coming to Southern California" (Một đám nhà độc tài đang đến Nam California). Trong 10 quốc gia Asean thì có đến bảy nước được cho là có lãnh đạo độc tài là Hun Sen của Cambodia, Prayuth Chan-ocha của Thái Lan, Najib Razak của Malaysia, Hassanal Bolkiah của Brunei, Thein Sein của Malaysia, Choummaly Sayasone của Lào và Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam”, ông Phú viết.
No comments:
Post a Comment