Wednesday, February 17, 2016

Báo chí nhà nước Việt Nam nói gì về Chiến tranh Biên giới 1979?

Người dân cầm biểu ngữ tại trung tâm Hà Nội để kỷ niệm 37 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Các cư dân đã thắp hương và đặt hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ trong buổi lễ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ.
Người dân cầm biểu ngữ tại trung tâm Hà Nội để kỷ niệm 37 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung. Các cư dân đã thắp hương và đặt hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ trong buổi lễ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ.
VOA-17.02.2016
Báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát, ngày 17 tháng 2 năm nay và một vài ngày trước đó, có nhiều bài nói về cuộc chiến tranh do Trung Quốc phát động đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam cách nay 37 năm. Lượng bài đăng năm nay nhiều hơn và dài hơn hẳn so với các năm trước.
Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và báo điện tử VietnamNet ngày 16 tháng 2 đưa tin ngắn cho hay Chủ tịch Trương Tấn Sang đã “dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn, bày tỏ lòng biết ơn và tri ân các liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc”. Còn báo Nhân Dân ngày 17 tháng 2 có tin Chủ tịch Sang đã đến Cao Bằng “dâng hương, thắp nhang tại từng ngôi mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh, nơi yên nghỉ của hàng trăm liệt sĩ đã có công gìn giữ bảo vệ biên cương Tổ quốc”.
Trong khi tại 2 thành phố lớn và quan trọng nhất, thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra các hoạt động tự phát của các nhóm dân chúng tưởng niệm cuộc chiến tranh năm 1979 do Trung Quốc gây ra, không có tin nào trên báo chí chính thống về hoạt động tưởng niệm chính thức nào của nhà nước.
Các báo online đông người đọc là Người Lao Động và Petrotimes đăng 2 bài phỏng vấn dài trong đó Thiếu tướng Lê Mã Lương và  Trung Tướng  Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh “lãng quên cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là có tội”. Tướng Thước là nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.
Các báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VietnamNet đều đăng các bài chi tiết về diễn biến những ngày đầu của cuộc chiến.
Đặc biệt, báo Lao Động có bài viết nêu ra chi tiết cuộc chiến tranh của Trung Quốc đánh vào Việt Nam kéo dài từ năm 1979 cho tới vài năm sau đó chỉ được ghi lại bằng 11 dòng và 140 chữ trong sách giáo khoa lịch sử lớp 12 của Việt Nam. Đây cũng là điều mà nhiều người đã chất vấn trên mạng xã hội trong những năm qua và xuất hiện nhiều hơn trong những ngày gần đây.
Chia sẻ quan điểm cần có sự công nhận thích đáng về cuộc chiến, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, nhận định trên báo Petrotimes: “Đây thực chất là một cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ Biên giới phía Bắc mà quân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng. Cần phải tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự cống hiến, hy sinh lớn lao và bi hùng đó”.
Ông Lê Mã Lương cho rằng cần phải “tuyên truyền một cách mạnh mẽ, để cho xứng tầm với một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc”. Ông bình luận “Sự hy sinh của các chiến sỹ dù là ở thời đại nào cũng đều đáng trân trọng và tri ân, miễn sao sự hy sinh đó là vì Tổ quốc này”. Sau 37 năm, ông nhận xét rằng đã đến lúc cần phải “tôn vinh một cách đầy đủ, chính trực và đàng hoàng với các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến này”.

Ông cũng nhấn mạnh “Cần đưa nội dung này vào trong chương trình giáo dục một cách đầy đủ. Lịch sử cần trở lại với lịch sử và trả lại những giá trị vốn có của nó”.
Theo VietnamNet, Nguoi Lao Dong, Phap Luat, Petrotimes, Motthegioi, Lao Dong.

No comments:

Post a Comment