Theo Người Việt-12-31- 2015 2:18:19 PM
Ngô Nhân Dụng
Than Shwe là vị tướng đã dám thí nghiệm dân chủ hóa nhằm thay thế chế độ độc tài quân phiệt ở Myanmar với một “lộ trình dân chủ.” Dân chúng được bỏ phiếu bầu Quốc Hội, Quốc Hội bầu tổng thống, vân vân, ít nhất là dân chủ trên hình thức. Tướng Thein Sein đắc cử tổng thống đã tiến thêm một bước thứ hai, thêm một nội dung: Trả lại các quyền tự do căn bản cho dân Miến Ðiện, cho phép đảng đối lập hoạt động và tranh cử. Sau cuộc bầu cử tự do và trong sạch ở Myanmar trong Tháng Mười Một năm 2015, mà đảng đối lập chiếm đa số cao, nhiều người Việt tự hỏi liệu có một Than Shwe hay Thein Sein ở nước ta hay không?
Xin trả lời ngay rằng: Rất khó. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng xác suất để một nhân vật như Than Shwe hay Thein Sein xuất hiện trong đời sống chính trị Việt Nam rất thấp, dưới 10%, có thể dưới 3%.
Một chế độ độc tài chuyển sang dân chủ hóa thường xảy ra do ba động cơ. Có khi chế độ cũ sụp đổ do nguyên nhân từ bên ngoài. Dân Bồ Ðào Nha nổi lên đòi dân chủ sau khi thất trận ở Angola, các sĩ quan cấp tá đảo chính để tiến đến dân chủ hóa. Các cuộc Cách Mạng Mầu Cam và Mùa Xuân Á Rập do ảnh hưởng từ các nước láng giềng. Nhiều chế độ độc tài tan vỡ sau khi nhân dân nổi lên, như ở Phi Luật Tân, ở Ðài Loan và Nam Hàn. Và có những cuộc chuyển hóa diễn ra nhờ sự thỏa hiệp giữa chính quyền độc tài và các thế lực đối nghịch. Ba Lan, Tiệp Khắc, Chile, Brazil, Argentina đã đi theo con đường đó. Ba hình thái chuyển đổi này có thể trộn lẫn với nhau.
Myanmar là một trường hợp đặc biệt. Có một chút áp lực từ bên ngoài, là hành động cấm vận của các nước Tây phương và âm mưu thao túng của Trung Cộng làm dân Miến nổi giận. Dân bất mãn biểu tình năm này sang năm khác tạo thêm chút áp lực từ bên trong. Chính quyền quân phiệt đã trả tự do cho dân và thương thuyết với bà Aung San Suu Kyi để Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ (NLD) tham gia tranh cử, khởi động quá trình dân chủ hóa. Nhưng những áp lực bên trong cũng như bên ngoài thực ra chưa đủ mạnh khiến các tướng lãnh chịu thay đổi. Cuộc thỏa hiệp cũng diễn ra một chiều, vì khi Thein Sein gặp Suu Kyi thì phía đối lập trong thực tế không có gì để trao đổi cả.
Bà Suu Kyi đã khôn ngoan chấp nhận những nhượng bộ nhỏ nhất, Liên Minh NLD đưa người ra tranh cử trong một cuộc bỏ phiếu bổ túc chỉ chọn một số nhỏ, 40 người trong số các đại biểu Quốc Hội. Tiến trình dân chủ hóa được thực hiện nhờ Thein Sein và Than Shwe đã thuyết phục Suu Kyi tin rằng họ thực tâm muốn thay đổi. Niềm tin này có được là nhờ yếu tố văn hóa: Người Miến Ðiện tin nhau, tin rằng họ đều yêu nước, tin không người Miến nào chịu làm tay sai cho ngoại bang. Người Miến nào cũng nhớ lịch sử, vua Càn Long nhà Thanh đã từng xâm lăng Miến Ðiện hai lần chỉ để độc chiếm quyền khai thác các mỏ đá quý và ngọc, và ông ta đã thất bại. Giới lãnh đạo quân phiệt Miến Ðiện không bị ràng buộc với Trung Cộng vì một chủ nghĩa, một lý thuyết nào. Những người Miến Ðiện này có thể tin nhau được; vì sau khi quan sát các hành động, cách ứng xử của nhau, họ biết rằng tất cả vẫn cùng chia sẻ một niềm tin vào luật nhân quả; tất cả vẫn sống theo các quy tắc đạo lý chung: Tự giải thoát khỏi ba chất độc Tham, Sân và Si; đặt công ích lên trên tư lợi.
Có thể nói ngay rằng yếu tố văn hóa “Niềm Tin” này chưa thấy hy vọng được thể hiện ở nước ta trong hoàn cảnh hiện nay. Không phải vì người Việt Nam vốn không tin nhau, dân mình không đến nỗi tệ như vậy. Nhưng vì môi trường chính trị nước ta đã bị nhiễm độc sau hơn nửa thế kỷ mọi người phải sống trong không khí dối trá, với một chính quyền dùng bạo lực và dối trá như hai phương tiện cai trị quan trọng nhất. Và tới giờ họ vẫn tiếp tục như vậy.
Nhưng liệu ở nước ta có thể xuất hiện những người như Than Shwe, Thein Sein hay không?
Như đã trình bày trong bài trước, giới lãnh đạo quân phiệt ở Myanmar đã chấp nhận thay đổi khi Tướng Than Shwe còn nắm quyền, năm 2003 ông ta phát khởi bảy bước dân chủ hóa trên hình thức. Thein Sein là người được chọn để thi hành bước kế tiếp, trả lại các quyền tự do căn bản cho dân Miến. Quá trình này không phải chỉ nhờ vào hai vị tướng lãnh đó muốn mà chắc chắn phải được các tướng lãnh khác đồng ý. Một điều chúng ta phải chú ý là trong 12 năm qua không có một tướng lãnh nào tỏ ý phản đối lộ trình của Than Shwe. Nhất là trong ba năm qua Thein Sein và Suu Kyi có thể cùng tiến từng bước một mà “thái thượng hoàng” Than Shwe cũng như các tướng lãnh khác không một người nào can thiệp để ngăn cản. Sau cuộc bỏ phiếu ngày 8 Tháng Mười Một vừa qua, tất cả những người đang nắm thực quyền, từ tổng thống đến chủ tịch Quốc Hội và vị tướng tổng chỉ huy quân đội, đều công khai chấp nhận kết quả là đảng NLD đã toàn thắng. Ông Than Shwe còn gặp bà Suu Kyi để sau đó nói rõ ràng là bà xứng đáng lãnh đạo đất nước.
Liệu đảng Cộng Sản Việt Nam có thể hành động như nhóm tướng lãnh quân phiệt ở Myanmar hay không?
Ðiều này rất khó, vì hai nhóm người này khác nhau nhiều quá.
Các tướng lãnh Miến Ðiện cướp chính quyền năm 1962 vì họ không tin vào chế độ dân chủ, vì muốn giúp nước chứ không phải vì muốn thực hiện một thứ chủ nghĩa nào cả. Tướng Newin công bố theo “chủ nghĩa xã hội” vì ông tin đó là một phương tiện tốt nhất để phát triển. Ông ta chỉ theo thời thế, lúc đó tầng lớp lãnh đạo ở các nước nghèo đều mơ mộng như vậy, Ấn Ðộ, Ai Cập, Indoneisia, Cuba, vân vân. Mục đích của họ vẫn là giúp nước, khi thấy phương tiện không hữu ích thì sẵn sàng bỏ đi. Các chế độ quân phiệt dễ được chuyển hóa vì họ đặt quyền lợi tổ quốc và nhân dân trên cao hơn tất cả các phương tiện, trong đó có thể chế chính trị và phương pháp tổ chức kinh tế.
Ðảng Cộng Sản thì khác. Họ tin chủ nghĩa Marx-Lenin như tin một tôn giáo; Stalin đã biến phong trào Cộng Sản thành một thứ “giáo hội” để dễ thao túng. Ðối với một người sùng tín thì niềm tin của họ quan trọng hơn các giá trị thế tục, trong đó có cả những khái niệm như quốc gia và “Tổ quốc.” Biết người Việt nào cũng yêu nước, đảng Cộng Sản đã hô hào bắt dân phải yêu “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” chứ không phải yêu Tổ quốc nào cũng được. Chủ nghĩa Xã Hội là cứu cánh. Ngay từ căn bản đó, người Cộng Sản không thể hành động giống như các tướng lãnh quân phiệt.
Ngày nay, các đảng viên Cộng Sản cũng không còn tin vào chủ nghĩa của họ nữa. Nhưng họ vẫn cố bám lấy nhãn hiệu đó để biện minh tại sao họ phải duy trì chế độ độc tài chuyên chế. Bỏ độc quyền chuyên chế tức là bỏ chủ nghĩa Lenin, một phương cách thực hiện chủ nghĩa Marx. Ðường lối này lại rất ích lợi cho họ trong thực tế, vì những người cầm đầu đảng đã trở thành một khối quyền lợi riêng vĩ đại, cần cấu kết với nhau để bảo vệ các quyền lợi đó. Ðề cao chủ nghĩa Marx-Lenin là thủ đoạn cần thiết để duy trì guồng máy thống trị, tiếp tục hưởng các đặc quyền đặc lợi.
Các tướng lãnh ở Myanmar tự bản chất đã có địa vị trong xã hội. Dù theo thể chế chính trị nào thì nước họ vẫn cần có quân đội, nhất là ở một quốc gia luôn luôn bị đe dọa có nội chiến, với những nhóm chủng tộc khác nhau, đã từng chống lại chính quyền trung ương trong nhiều thế kỷ. Quyền của các tướng lãnh là do cấp bậc mà có, không ai phủ nhận được. Những lãnh tụ quân phiệt biết rằng dù quyền lợi của họ có giảm đi nhưng vẫn còn đó, thay đổi thể chế là một hy sinh có thể chấp nhận được.
Ngược lại, các lãnh tụ Cộng Sản, và ngay cả các cán bộ, đảng viên trung cấp, biết rằng chính họ không có một địa vị xã hội nào ở bên ngoài cái guồng máy đã áp đặt trên cả xã hội cho phép họ thao túng. Ðịa vị và tài sản của họ đều nhờ guồng máy đó mà đạt được. Trong các chế độ Cộng Sản, nghỉ hưu nghĩa là mất địa vị, mất quyền lợi. Các lãnh tụ còn giữ được chút quyền và hưởng chút lợi chỉ nhờ đã giỏi gài đặt đàn em cùng phe cánh thừa kế, sẵn sàng chia sẻ cho. Nhưng muốn vậy, điều kiện quan trọng nhất là chế độ vẫn tồn tại, nếu không sẽ mất hết.
Hơn nữa, tại Myanmar các nhân vật như Than Shwe và Thein Sein vẫn được các tướng lãnh khác kính trọng, họ sẵn sàng đi theo các thủ lãnh trên đường dân chủ hóa. Họ bảo được nhau, hòa thuận với nhau. Ở Myanmar nền luân lý cổ truyền vẫn còn mạnh, con người ăn ở với nhau bằng những quy tắc luân lý ai cũng tin theo. Ðảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn khác. Họ đã xóa bỏ các quy tắc luân lý cũ trong suốt 80 năm qua; quy tắc luân lý cao nhất được Hồ Chí Minh đề ra là “tuân theo lệnh đảng.” Giờ đây các lãnh tụ đang “chửi bới” nhau như hàng tôm hàng cá, cạn tàu ráo máng. Nếu không vì quyền lợi liên kết, dứt nhau ra là nguy, chắc họ có thể giết nhau rồi. Bất cứ ai muốn trở thành Than Shwe hay Thein Sein ở Việt Nam cũng sẽ bị cả khối người đang hưởng các các đặc quyền đặc lợi chống đến cùng. Vì vậy, xác suất để cho Than Shwe hay Thein Sein xuất hiện có thể chỉ dưới 2%, 3%.
Nhưng dù có người muốn đóng vai Than Shwe hay Thein Sein ở nước ta thì con đường dân chủ hóa vẫn còn khó. Bởi vì cho tới nay cả nước không có một Aung San Suu Kyi và một Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ.
Cuộc vận động dân chủ hóa không thể từ trên ban xuống mà thành, cần phải được thúc đẩy bởi những động lực từ dưới dâng lên. Muốn vậy, người Việt Nam cần một cuộc vận động đòi tự do dân chủ khắp nơi, trong tất cả các tầng lớp xã hội, để kết tụ thành một phong trào có thế mạnh và có thực chất. Nhiều nhóm người yêu nước và tỉnh thức đã bắt đầu trong hai chục năm qua. Tấm gương Myanmar có thể giúp dân Việt Nam thêm hăng hái tiến hành cuộc vận động này nhanh hơn.
No comments:
Post a Comment