(Bao datviet) - Nga sẽ đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng và bán vũ khí trong bối cảnh được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2016.
Túng quẫn kinh tế
Một số chuyên gia cho rằng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng trong năm 2016 khi giá dầu tăng trở lại. Theo đó, giá dầu trung bình năm 2016 sẽ ở mức 50-60 USD/thùng. Điều này sẽ giúp GDP của Nga tăng trưởng 3% trong năm 2016.
Hai yếu tố khác có thể hậu thuẫn kinh tế Nga trong năm 2016. Đó là các doanh nghiệp sẽ phải trả nợ nước ngoài ít hơn so với năm 2015, nên dòng vốn chảy ra ngoài sẽ thấp hơn.
Ngoài ra, giới phân tích cũng kỳ vọng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ cuối năm 2016. Đặc biệt ở Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ có ý nghĩa quyết định và sự lạc quan phụ thuộc vào quan điểm của vị tổng thống tiếp theo.
Tuy nhiên, đa số ý kiến vẫn cho rằng kinh tế Nga sẽ suy thoái trong năm 2016 hoặc không tăng trưởng. Theo dự báo của RBK, GDP của Nga năm 2016 sẽ giảm 0,2%.
Kinh tế Nga sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2016? |
Tác động cơ bản đối với kinh tế Nga năm 2016 là nhu cầu tiêu dùng giảm sút do lạm phát ở mức cao, điều kiện tín dụng khó khăn, thu nhập thực tế giảm và tiết kiệm không đủ.
Tỷ lạm phát tại Nga vào cuối năm 2016 cũng được dự báo ở mức 8,1%. Các doanh nghiệp Nga buộc phải cắt giảm nhân viên để giảm chi phí và thích ứng với thực tế.
Trong khi đó, các chuyên gia của Standard & Poor nhận định, đối với người tiêu dùng Nga, khủng hoảng vẫn chưa "chạm đáy".
Nguy cơ chính trong năm 2016 đối với kinh tế Nga là giá dầu. Giá dầu duy trì ở mức thấp như hiện nay, và thậm chí còn có thể giảm nữa sẽ khiến cho đồng ruble mất giá và làm tăng lạm phát. Hậu quả kéo theo là tiêu dùng sẽ giảm hơn nữa.
Trong bối cảnh như vậy, Ngân hàng Trung ương Nga không còn khả năng giảm lãi suất, thậm chí có thể phải tăng lãi suất và chính phủ có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa.
Người mua sắm tại một trung tâm thương mại ở Saint Petersburg |
Có những đánh giá chi tiết đã được đưa ra khi cho rằng sự sụt giảm giá dầu có thể khiến nguồn thu ngân sách Nga giảm 25 tỷ USD, tương đương 2% GDP.
Xuất khẩu khí đốt đóng vai trò ít quan trọng hơn, nhưng do giá khí đốt phụ thuộc vào giá dầu, sự sụt giảm giá dầu sẽ khiến cho doanh thu từ xuất khẩu khí đốt giảm 5 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP.
Đồng ruble yếu chỉ bù đắp phần nào thâm hụt ngân sách do giá dầu giảm. Do đó, nếu Nga không cắt giảm ngân sách, thâm hụt có thể lên đến 6% GDP thay vì 3% như dự kiến.
Các nhà kinh tế bi quan dự đoán giá dầu trung bình năm 2016 ở mức dưới 40 USD/thùng, trong khi các chuyên gia lạc quan hy vọng giá dầu ở mức 60 USD/thùng. RBK dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2016 là 51,8 USD/thùng, trong khi tỷ giá trung bình năm ở mức 67,7 ruble/USD.
Một số chuyên gia dự báo đồng ruble sẽ giảm giá 10% trong ngắn hạn hoặc nhiều hơn so với hiện nay và có thể đạt tới mức 80 ruble/USD. Thậm chí có ý kiến cho rằng đồng USD có thể tăng đến 85 ruble/USD với giá dầu ở mức 25 USD/thùng.
Đẩy mạnh bán vũ khí
Trong khi đó, theo "Dự báo về hoạt động quân sự của Nga trong năm 2016" mà hãng tin "RIA Novosti" vừa công bố, Nga sẽ đẩy mạnh hoạt động của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và xuất khẩu vũ khí.
Trong năm 2016 nước Nga sẽ bắt đầu thực hiện chương trình nhà nước hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng, sẽ chế tạo các mẫu vũ khí mới cho lực lượng không quân vũ trụ, Hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược.
Lực lượng tên lửa chiến lược dự kiến sẽ được trang bị tổ hợp tiên tiến nhất RS-26 "Rubezh" với tên lửa nhiên liệu rắn đồng thời tiếp tục chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng "Sarmat".
Năm 2016 Nga cũng sẽ tái tạo các hệ thống tên lửa đường sắt với tên lửa "Yars" để đưa vào trang bị cho quân đội vào năm 2019 và tiếp tục sử dụng ít nhất cho đến năm 2040.
Tên lửa Topol-M của Nga |
Hải quân Nga sẽ được bổ sung một loạt tàu nổi. Hạm đội Biển Bắc sẽ có thêm tàu khu trục hiện đại "Đô đốc Gorshkov" trong khi Hạm đội Biển Đen sẽ được nhận tàu khu trục "Đô đốc Grigorovich" và tàu ngầm nguyên tử đa năng "Kazan" dự án 885 "Yasen". Hạm đội Biển Đen sẽ có một nhóm hoàn chỉnh 6 tàu ngầm diesel-điện dự án 636 "Warszavianka".
Trong năm 2016, các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị 2 hệ thống tên lửa chiến thuật phản ứng nhanh "Iskander-M". Nga cũng sẽ tổ chức thử nghiệm cấp nhà nước hệ thống phòng không tầm ngắn "Sosna" để chuẩn bị đưa vào sử dụng thay thế cho các hệ thống "Strela-10M" hiện nay.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ chuyển sang sản xuất hàng loạt vũ khí và thiết bị quân sự trên cơ sở "Armata", "Bumerang", "Kurganets" và "Taiphun".
Xe tăng chiến đấu bộ binh T-15 trên cơ sở "Armata" sẽ chính thức đi vào sản xuất vào năm 2016-2017, ngay sau khi hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước.
Xe tăng T-14 Armata của Nga |
Một nền tảng đa năng khác là "Kurganets" có thể trở thành cơ sở thống nhất để sản xuất một loạt xe bánh xích: từ xe thiết giáp BMP cho tới pháo tự hành 122 mm. Nga cũng đang có kế hoạch thử nghiệm loại xe thiết giáp "Bumerang" trong các binh chủng khác nhau.
Không quân Nga sẽ tiếp tục hiện đại hóa triệt để máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Ngoài ra, lực lượng này cũng đang có kế hoạch hoàn thành thử nghiệm cấp nhà nước loại máy bay Sukhoi PAK FA T-50. Bộ Quốc phòng Nga cũng sẽ ký hợp đồng về trang bị cho lực lượng không quân các máy bay MiG-35 hiện đại nhất. Riêng máy bay trực thăng vận tải Ka-62, có khả năng hoạt động trong vùng Bắc Cực, sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trong năm 2016, Lực lượng đường không vũ trụ Nga sẽ được trang bị các hệ thống phòng thủ radar mới, cũng như hệ thống phòng không mới và các hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng phát hiện các mục tiêu tầm xa.
Nga đồng ý bán 24 chiếc Su-35 cho Trung Quốc |
Năm trung đoàn phòng không và phòng thủ tên lửa sẽ được tái trang bị hệ thống tên lửa S-400 "Triumph". Ngoài ra, Lực lượng đường không vũ trụ sẽ là quân chủng đầu tiên của quân đội Nga hoàn toàn chuyển sang các phương tiện kỹ thuật số hiện đại.
Về xuất khẩu vũ khí trong năm 2016, Nga dự kiến bắt đầu xuất khẩu các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, thực hiện hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Trung Quốc trị giá 2 tỷ USD.
Nga đang tiếp tục đàm phán với Indonesia về khoản tín dụng ưu đãi để tài trợ cho việc mua vũ khí của Nga, bao gồm các máy bay chiến đấu Su-35.
Ngay đầu năm 2016, theo dự kiến Nga sẽ phóng thử tên lửa hành trình siêu thanh "BrahMos" đầu tiên từ máy bay tiêm kích Su-30MK. Loại tên lửa này là công trình hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.
Moskva và New Delhi sẽ tiếp tục đàm phán về việc cung cấp xe tăng T-90MS do "Uralvagonzavod" sản xuất, cũng như về việc hiện đại hóa các loại xe tăng T-72 và T-90 và xe thiết giáp bộ binh BMP-2 mà quân đội Ấn Độ hiện có.
Thứ Bảy, 02/01/2016 13:00
Phong Minh (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment