Saturday, January 2, 2016

Mặn đắng nghề muối ở Cam Ranh

Việt Hùng/Người Việt
KHÁNH HÒA (NV) Cách trung tâm thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 7km về phía Nam, bà con diêm dân (người làm muối) thuộc xã Cam Thịnh Ðông đang rơi vào cảnh sống dở chết dở với giá thu mua muối đang giảm xuống thấp chưa từng thấy.

Hạt muối chắt chiu được từ nước biển mặn đắng vốn đã không tương xứng với công bỏ ra nay lại rẻ thêm, vắt kiệt sức lao động, mồ hôi diêm dân. Có thể nói, nghề muối ở Cam Thịnh Ðông đã “làm mặn” những số phận và cay đắng hơn khi dấn bước trên thương trường.


Vợ chồng anh Trần Ngọc Anh và chị Nguyễn Thị Năm đang thu hoạch ruộng muối cuối cùng. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)
*100kg muối bằng 1 tô phở

Chúng tôi đến cánh đồng muối của bà con diêm dân xã Cam Thịnh Ðông vào buổi trưa nắng nóng oi bức. Lẽ ra thời tiết này rất phù hợp để các diêm dân làm muối, thế nhưng các ruộng muối vắng tanh, không một bóng người.

Anh Phan Tấn Việt, diêm dân ngụ ở thôn Hòn Qui, nhà ở gần đường quốc lộ 1A, cho biết: “Tháng nay bà con diêm dân đã bỏ ruộng muối, để đi tìm công việc khác. Phần lớn họ vào Sài Gòn để xin việc, số còn lại thì theo các ghe nhỏ, đánh bắt cá ven bờ biển.”

Khi được hỏi lý do vì sao mà bà con bỏ nghề, khi tiết trời vẫn đang còn nắng nóng, phù hợp với việc làm muối? Anh Việt cho biết: “Trước đây, lúc muối còn được 2,000/kg muối thô, diêm dân chúng tôi cùng có miếng ăn, nên vẫn còn bám trụ được với nghề. Tuy nhiên, năm nay giá muối rớt thê thảm. Chỉ có 300đ/kg mà các thương lái còn kì kèo chưa muốn mua. Phải bán cả 100kg muối, mới được 30,000đ (khoảng 1.3 đô la), tương đương với giá một tô phở. Thu hoạch 1 hecta ruộng muối, mới được khoảng 30 tấn. bán được 9 triệu đồng, trong khi chi phí để sản xuất ra từng đó muối cũng hết cả hơn 10 triệu, chưa kể tiền công của mình bỏ ra.”


Mặc dù buổi trưa nắng nóng, thời tiết thuận lợi cho việc làm muối, nhưng cả cánh đồng muối đều vắng tanh, không một bóng người. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Ði mãi đến gần cuối cánh đồng muối mới bắt gặp vợ chồng anh Trần Ngọc Anh và chị Nguyễn Thị Năm đang cào mấy thúng muối mới khổ trên ruộng. Chị Năm tâm sự: “Với riêng nhà tôi, do không còn nghề nào khác nên vẫn phải bám ruộng muối để kiếm kế sinh nhai. Chứ xung quanh đây người ta bỏ ruộng hết rồi.”

“Hôm nào trời nắng đều, từ sáng đến chiều, nhà tôi làm được khoảng 40kg muối. Như giá đại lý thu mua từ 3,000 đồng/kg hiện nay thì số muối này có giá chỉ 120,000 đồng (gần 6 đô la). Tuy nhiên còn đỡ hơn không có em à?”

Nghe chị Năm tâm sự mà không khỏi nghẹn lòng. Năm nay chị mới 40 tuổi mà khuôn mặt toát lên nỗi khắc khổ: “Làm muối cực lắm, thậm chí phải chấp nhận nghịch lý, nắng gay, nắng gắt thì lam lũ trên đồng, mát trời lại về nhà nằm khểnh.”

“Cực khổ là vậy mà sản phẩm do mình làm ra lại bị người đời rẻ rúng. Cứ tình hình này, diêm dân sẽ không còn thiết tha với ruộng muối và chỉ vài năm nữa, nghề muối truyền thống ở đây sẽ bị ‘xóa sổ,’” chị Năm khẳng định.
*Nỗi lo ruộng muối cáo chung

Hiện nay, ở vùng biển Khánh Hòa nói chung, tại vùng muối Cam Thịnh nói riêng, diện tích đồng muối không còn nhiều. Bên cạnh nguyên nhân nhiều nơi nằm trong vùng ngọt hóa hoặc đồng muối đã được trưng dụng vào cuộc chạy đua của những người nuôi trồng thủy sản, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng diện tích làm muối bị “gặm” mỗi ngày là năng suất muối suy giảm một cách tệ hại, giá cả bấp bênh.


Phần lớn diêm dân ở đây đã vào Sài Gòn để tìm việc, số còn lại thì mưu sinh đánh bắt cá ven bờ bằng các ghe nhỏ này. (Hình: Việt Hùng/Người Việt)

Ðể có được những bao muối trắng đem bán, nhiều diêm dân phải ra đồng từ lúc 5 giờ sáng để làm ruộng, đầm đất, té cát rồi đợi khoảng 8 đến 9 giờ sáng dẫn nước vào ruộng. Nước vào ruộng rồi, ngày nào cũng phải liên tục dùng trang đẩy nước để bảo đảm ruộng không bị khô, nếu không hạt muối sẽ đen, giá bán rẻ như cho. Ðến ngày thứ 3, khi muối kết tinh đủ, mới bắt đầu cào thu hoạch.

Nước tạo nên muối, nước cũng hòa tan muối như một nghịch lý ở đời. Cái nghịch lý sao mà bất công cứ ám ảnh những người dân lao động từ đời này sang đời khác. Nước mang hạt muối về, nước lại lấy hạt muối đi. Ðiệp khúc “nước-muối-nước” ấy sao cứ lặp đi lặp lại qua từng năm tháng như những mũi dao cứa vào da thịt mỗi lúc bão về sao mà xót xa, làm sâu thêm vết thương lòng của bao người dân miền biển.

Nghề làm muối đã trở thành một nghề truyền thống từ rất lâu đời ở Cam Ranh, nhưng vài năm gần đây diện tích đất dành cho việc làm muối bị nhiều yếu tố tác động. Nhiều nơi đất làm muối được giao cho từng gia đình nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ðiều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc vay vốn đầu tư của diêm dân.

Anh Trần Ngọc Anh nói: “Nghề làm muối, diêm dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ để lấy công làm lời, thế nhưng giá bán muối không đủ công sức bỏ ra thì làm sao mà làm nổi. Tôi hiện có hai sào ruộng muối, ráng thu hoạch cho xong tuần này là đành bỏ ruộng, chắc phải chờ khi nào giá cao mới làm lại.”

“Chính quyền thì không có một chính sách gì cho người diêm dân, đã thế còn chê muối của chúng tôi làm ra ‘dơ’ và cho nhập cảng muối nước ngoài về bán. Chủ yếu là muối của Ấn Ðộ. Bởi vậy mà việc bỏ nghề muối chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.” Ông Ngọc Anh ngao ngán thở dài.

12-31-2015 2:31:39 PM 

No comments:

Post a Comment