Theo RFA-2016-01-02
Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ, Chuẩn Đô đốc - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam. Courtesy photo
Tổ chức kết hợp cựu chiến binh Nam Bắc
Gần đây một nhóm cựu chiến binh của Quân đội nhân dân Việt Nam có ý định vận động anh em cựu binh cả hai miền Nam Bắc ngồi lại với nhau trong cùng một bàn tròn để bước đầu định hình cho việc thành lập một tổ chức kết hợp cựu chiến binh dưới hình thức xã hội dân sự mà mục đích là hòa giải với nhau 40 năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Nói đến hòa giải không ít người lắc đầu ngán ngẩm vì cho tới nay chưa ai thấy được ánh sáng nào từ cả hai phía trong và ngoài nước. Bên trong, chính quyền lên tiếng, vận động trong các bài phát biểu, trên TV hay báo chí nhưng sau đó thì mọi sự lẳng lặng trôi theo sự nghi ngờ của người quan tâm. Bên ngoài, nhìn những hoạt động vẽ vời của chính quyền và tiếp tục khẳng định “hòa giải” chỉ là cái khuôn để người ta đổ những câu sáo rỗng kêu gọi toàn dân mở rộng vòng tay trong khi chính quyền thì khoanh tay đứng nhìn người cần được hòa giải đã và đang lăn lóc sống trong tình trạng bị bỏ rơi, xem thường thậm chí trở thành công dân hạng hai trong cộng đồng mà họ và gia đình đang sống.
Trong hoàn cảnh đó, chính những người lính năm xưa của miền Bắc đứng ra vận động kêu gọi và tìm kiếm những người đồng chí hướng nhằm cùng nhau san sẻ những kinh nghiệm đau đớn trong chiến tranh cũng như giúp nhau vượt qua những mặc cảm hình thành từ những ứng xử bất công từ chính quyền, xã hội.
Thiếu tướng chuẩn đề đốc hải quân, PGSTS giám đốc Học viện Hải Quân Nhân dân Việt Nam Lê Kế Lâm, một trong những người tán thành và chung sức với ý tưởng này cho biết:
Thống nhất đất nước đã 40 năm rồi, thế hệ đấu tranh với nhau đến nay đã sinh thêm mấy thế hệ nữa do đó cho nên tôi nghĩ rằng không những chỉ đoàn kết với bà con chúng ta ở nước ngoài về nước mà trong nước cũng phải làm thế nào đó có sự hòa hợp đoàn kết với nhau một cách chân thật.
-Thiếu tướng Lê Kế Lâm
“Đây là một chuyện lớn tôi nghĩ rằng chúng ta đã đến lúc phải hòa giải trong dân tộc chúng ta. Thống nhất đất nước đã 40 năm rồi, thế hệ đấu tranh với nhau đến nay đã sinh thêm mấy thế hệ nữa do đó cho nên tôi nghĩ rằng không những chỉ đoàn kết với bà con chúng ta ở nước ngoài về nước mà trong nước cũng phải làm thế nào đó có sự hòa hợp đoàn kết với nhau một cách chân thật.
Nhân dân chúng ta không ai muốn chiến tranh nhưng vì thời thế bắt buộc cho nên mới xảy ra những sự việc đau lòng như 40 năm trước. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải giải quyết.”
Từ năm 1972 nhà báo Võ Văn Tạo khi ấy tham gia vào chiến trường Quảng Trị chứng kiến những hình ảnh mà anh cho là đầy tình người của người lính hai chiến tuyến tại bờ sông Thạch Hãn. Hình ảnh này giúp cho sự khẳng định của anh có cơ sở hơn khi cho rằng người lính luôn có trái tim nhân hậu khác xa với tiếng hô xung phong ngoài trận tuyến, anh cho biết:
“Tôi nghĩ những người lính là những quân nhân nhìn chung bản chất của họ không nham hiểm như các chính trị gia lọc lõi, nói một đàng làm một nẻo. Người lính thì chất phát hơn, bằng chứng là đợt ngưng bắn sau hiệp định Paris, lúc ấy tôi có mặt ở Quảng trị thì tôi thấy binh sĩ hai miền vẫn bơi qua sông Thạch Hãn, chơi thăm và tặng quà nhau bình thường mặc dù trước đó chĩa súng vào nhau. Tôi thấy người lính không có thù hằn gì nhau là quân nhân thì họ phải chấp hành cấp trên ra trận phải đánh nhau khi giáp mặt bên địch thì mình không nổ súng giết người ta thì người ta cũng giết mình, chứ người ta không có ý thức gì thù hằn riêng tư cả.”
Nói về ý tưởng thành lập nhóm cưu chiến binh hai miền nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:
“Ý tưởng tổ chức một cuộc gặp gỡ có tính chất biểu tượng của cựu binh hai miền Nam, Bắc đã từng có mặt trong quân ngũ tham chiến trước 30 tháng 4 năm 75, xuất hiện cách đây cũng 4-5 tháng do một số anh em cựu chiến binh của Quân đội nhân dân Việt Nam là bạn bè thân thiết với tôi đưa ra ý tưởng đó.
Khi tiếp nhận được thông tin đó tôi rất hồ hởi thấy rằng đây là một việc làm rất tốt, thứ nhất sau cuộc chiến cái hố sâu ngăn cách nó đào rất lớn, miền Bắc miền Nam rồi bên này bên kia. Cho đến bây giờ cái hố ấy vẫn còn đặc biệt là số bà con người Việt ở hải ngoại, có rất nhiều người chưa thể nào hàn gắn được.
Số cựu chiến binh miền Bắc do hạn chế nhất định vể thông tin nên vẫn còn có cái gì đó suy nghĩ không đúng về phía anh em bên kia. Là một người suy tư về số phận của dân tộc tôi nghĩ rằng tôi và anh đại úy Nguyễn Hữu Cầu, người tù xuyên thế kỷ, 37 năm ở tù thì nhất quán một quan điểm như thế này: Trong thế kỷ 20 dân tộc mình rủi ro trở thành một nơi để cho hai cái ý thức hệ giao chiến tranh đấu với nhau và đấy là cái thiệt thòi cho dân tộc mình. Chúng ta chỉ là những quân cờ nhỏ trên bàn cờ lớn của thế giới thôi.”
Nhà văn quân đội Trần Đức Thạch, người chứng kiến cuộc thảm sát tại Tân Lập, Xuân Lộc trong trận chiến cuối cùng của chiến tranh Việt Nam vào năm 1975 có lẽ là người hiểu tới tận từng chân tóc nỗi đau khổ của mất mát, đổ máu và thương tật còn lại sau chiến tranh, ông cho biết:
“Vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc thì từ trước nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ thường hay rêu rao nhưng trên thực tế thì họ chỉ làm được 50% thôi, có nghĩa là họ chỉ hòa hợp thôi. Họ nghĩ đến chuyện thâu tóm miền Nam rồi bây giờ cái hòa hợp ấy buộc người miền Nam phải theo họ hết, họ hòa hợp là như vậy nhưng còn vấn đề hào giải thì không bao giờ họ làm. Nhưng làm thế nào để hòa giải được bởi vì vết thương của hai miền Nam Bắc nó quá sâu, nó quá đau và nó kéo dài.
Nếu không có nỗ lực để mà hàn gắn được thì nó sẽ di họa cho con cháu đời sau. Chúng tôi nghĩ rằng những người cầm súng hai bên chiến tuyến trước đây đã từng nả súng vào nhau thì lúc này hơn lúc nào hết, nhiệm vụ lịch sử trao cho những người cầm súng trước đây buộc phải bắt tay nhau đã sau đó mới đến những người khác.
Nó là một cái gương để thấy được đó là một sự hòa giải thực tâm, thật sự. Nếu bây giờ chúng ta không làm thì con cháu sau này lịch sử bị xuyên tạc, méo mó thì có lẽ con cháu cũng không thể nào làm nổi. Cái nỗi đau ấy, sự hằn thù ấy nó sẽ kéo dài.
Từ suy luận như thế chúng tôi có ý tưởng vận động để có một cuộc họp bàn tròn giữa các quân nhân tham gia chiến tranh tức là hai miền Nam Bắc có một cuộc gặp gỡ, thông cảm hiểu biết thương yêu lẫn nhau để tạo ra bước đầu tiên trong vấn đề hòa giải.”
Cần hành động cụ thể
Hòa giải không chỉ nói suông mà hành động cụ thể, trực tiếp chẳng những mang lại niềm tin mà còn xác tín với người thua trận một chân lý: con người vốn bình đẳng và tình thương không bao giờ phân biệt giai cấp và thân phận.
Nếu xem những cuộc quyên góp giúp đỡ cho thương phế binh VNCH là một hành động hòa giải thì đây có lẽ là việc làm thuyết phục nhất. Hòa giải giữa người có tình trạng sống tốt hơn đối với người kém may mắn, từng bỏ những phần cơ thể trong cuộc chiến không phải là hành động từ thiện mà còn hơn thế, nó nói lên tâm thức của lá lành đùm lá rách và trong sâu thẩm, thừa nhận công lao của họ và mối bận tâm của người trực tiếp đứng ra thực hiện cuộc hòa giải.
Phong trào vinh danh thương phế binh VNCH đã được tổ chức nhiều lần và người tham dự không ít ngạc nhiên vì trong những người trực tiếp góp phần vào nỗ lực này là một vị bác sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông là Bác sĩ Trung Tá Đinh Đức Long, không khi nào vắng mặt trong các cuộc thăm khám cho anh em thương phế binh tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Bác sĩ Long cho biết cảm nhận của ông khi tham gia vào việc làm ý nghĩa này:
“Khi tôi giúp họ thì có người biết tôi là bác sĩ của quân đội miền Bắc nhưng nhiều người không biết, họ chỉ nói với tôi về bệnh tật và thái độ của họ rất hồ hởi phấn khởi. Có những cụ gần bảy tám mươi tuổi nói tôi đã bị thương ba lần không chết tôi buồn quá mà nay bác sĩ khám cho tôi tôi vui quá từ nay không còn vấn đề gì vì đã có người thương đến mình có người lo cho mình. Họ ngoài nỗi đau thể xác còn vấn đề bế tắc tinh thần rất quan trọng. Nay đã có các cha Dòng Chúa Cứu thế đứng ra tổ chức và chúng tôi chỉ là người tham dự. Họ rất phấn khởi và biết ơn các cha và các tình nguyện viên đã góp phần chăm sóc cho họ cả phần hồn và phần xác.
Họ đều là con em là người Việt Nam của mình. Có lần một phóng viên hỏi tôi rằng anh nghĩ rằng khi họ từng là kẻ thù của anh, tôi lập tức trả lời rằng đối với tôi họ chưa bao giờ là kẻ thù cả. Hơn nữa giữa tôi và họ có chung kẻ thù là ý thức hệ của miền Bắc chính cái đó làm cho anh em trong nhà đánh nhau, làm cho dân tộc mình suy yếu do đó đối với tôi họ là anh em trong nhà không có khoảng cách gì cả. Họ là nạn nhân của cuộc chiến.
Tôi làm đây là vì mình là bác sĩ mình có khả năng nên mình giúp. Đây là những người thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi cho nên tôi mang hết khả năng của mình để phần nào khắc phục những thiệt thòi của họ về tinh thần nhất là những đớn đau mấy chục năm nay.”
Mặc dù việc làm này rất tốt thôi nhưng ở cái đất nước Việt Nam việc gì mà không phải đảng, công an nghĩ ra và bắt dân làm thì ai làm gì cũng là bất hợp pháp hết. Kể cả có tiền làm từ thiện cho người nghèo người ốm đau nếu mà không xin ý kiến thì cũng bị phá ngay.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Cuộc sống của những người lính VNCH còn ở lại không phải ai cũng lâm vào cảnh bần cùng, tuy nhiên so với người chung quanh thì gia đình họ cho tới hôm nay vẫn chưa thoát ra khỏi định kiến của nhà cầm quyền. Thiếu Tướng Lê Kế Lâm nhận xét:
“Tôi tiếp xúc cũng không được nhiều, ví dụ những anh em chạy xe ôm, anh em làm công tác bảo vệ đường phố..tiếp xúc với số anh em đó tôi hỏi cuộc sống thì họ cho biết cũng không đến nỗi khó khăn vất vả. Con cái họ vẫn học hành tiến bộ, vào đại học khi tốt nghiệp rồi vẫn xin việc được, đặc biệt tại các công ty ngoại quốc, công ty tư nhân thì dễ hơn. Còn nói thật, khi xin vào công ty nhà nước thì có khó khăn. Về mặc cảm thì dù sao vẫn đang còn, số anh em đó dù sao vẫn còn mặc cảm và tôi nghĩ rằng mặc cảm này nó do hai phía. Từ phía người dành được chiến thắng mang lại độc lập thống nhất cho dân tộc, với phía bên kia đấu tranh chống lại họ thì bây giờ phải làm sao có sự thông cảm. Tôi đề nghị phía người chiến thắng thì anh phải chủ động mở rộng bàn tay trước. Anh có mở rộng bàn tay, mở rộng tấm lòng thì khi đó anh mới tạo được điều kiện thông cảm và hòa giải với nhau.”
Nhà báo Võ Văn Tạo sau những hưng phấn ban đầu về ý tưởng thành lập nhóm cựu chiến binh hai miền đã gặp không ít trở ngại khi bắt tay vào việc, ông chia sẻ:
“Mặc dù việc làm này rất tốt thôi nhưng ở cái đất nước Việt Nam việc gì mà không phải đảng, công an nghĩ ra và bắt dân làm thì ai làm gì cũng là bất hợp pháp hết. Kể cả có tiền làm từ thiện cho người nghèo người ốm đau nếu mà không xin ý kiến thì cũng bị phá ngay. Phía anh em quân đội miền Bắc thì không phải là khó, riêng ở Hà Nội đã có chừng 20 người, chưa nói miền Trung và miền Nam.
Cái khó khăn lại chính là phía bên VNCH, rất là khó kiếm người. Tôi tìm hiểu nguyên nhân thì như thế này: Hầu hết anh em sĩ quan có trình độ sau khi học tập cải tạo xong đã sang bên Mỹ theo diện HO, còn số ở lại thì anh em binh sĩ suốt 40 năm làm ăn rất lam lũ, khổ cực. Nhiều lúc nhà nước đã đặt họ ra ngoài vòng pháp luật. Có nhiều người đến bây giờ vẫn không có được cái chứng minh thư, cái căn cước và cuộc sống của họ và gia đình họ bị đày đọa kỳ thị suốt bao nhiêu năm rồi cho nên về kinh tế họ rất khổ. Họ không có nổi cái máy tính hay điện thoại di động đề vào mạng nữa và không có thời giờ đâu để nghĩ chuyện khác ngoài chuyện mưu sinh kiếm ăn.
Họ đi bán vé số, chạy xe ôm thậm chí có người đi ăn xin, rất là thảm. Họ không có điều kiện tiếp nhận những thông tin mới. Khi tiếp cận với họ nói về cuộc hòa giải với người phía bên kia thì tôi nghĩ phải có trình độ nhất định nào đó về nhận thức và có tấm lòng vị tha, vì nhiều người vẫn còn những ghim gút nặng nề oán thù có thể dùng từ “cuồng” để diễn tả.”
Bác sĩ Trung tá Đinh Đức Long cho rằng nói tới hòa giải mà chính quyền vẫn đứng bên lề và không có một quy định nào của pháp luật hương dẫn thì không khác gì chiếc xe chạy trong đêm tối mà không có đèn lẫn còi cảnh báo. Ông chia sẻ:
“Tôi nghĩ đây là trách nhiệm cá nhân của tôi thôi nhưng trách nhiệm chính là của nhà nước cộng sản Việt Nam. Họ kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc nhưng khi không có pháp luật chuẩn mực thì nó sẽ gây ra chia rẽ dân tộc. Nó sẽ gây ra hận thù oan trái giữa người Việt Nam với nhau không cần thiết.
Họ không thể nói suông bằng mồm được. Dân tộc Việt Nam là một, không được kềm tỏa ai bất cứ phe phái nào bất cứ quá khứ nào để họ lại phía sau. Chúng ta ‘forgive but not forget’.”
“Tha thứ nhưng không lãng quên” như lời Bác sĩ Đinh Đức Long vừa nói có lẽ thích hợp cho cả hai phía. Hòa giải cũng như tình yêu, không thể đơn phương và lặng lẽ một mình.
No comments:
Post a Comment