Jarryd Salem
Theo BBC-2 tháng 1 2016
Một lượng du khách hiếm hoi khi đến nơi xa xôi hẻo lánh này của Lào sẽ bắt gặp những cánh đồng chum cổ xưa, làm từ đá. Ai đẽo ra những cái chum đá này, và họ đẽo để làm gì?
Bụi tung mù mịt phía sau khi tôi chạy chiếc xe gắn máy nhảy chồm chồm trên con đường đầy ổ gà ở ngoại vi Phonsavan, một thị trấn cỡ trung nằm cách thủ đô Vientiane của Lào 400km về phía đông bắc.
Núi non trùng điệp khiến con đường quanh co gấp khúc liên tục cho đến khi những ngọn núi nhấp nhô nhường chỗ cho vùng đồng bằng trải rộng.
Khi tôi vượt qua một người địa phương đang lùa đàn bò, ông chỉ ngón tay thô ráp về hướng mà tôi đi để xác nhận tôi đang chạy đúng hướng.
Tôi giảm ga, lái tấp vô lề.
Rõ ràng tôi đang đến gần Cánh đồng Chum, di tích bằng đá ấn tượng nhất của Lào. Thế nhưng cả khu vực gần như vắng bóng du khách.
Chưa có lời giải
So sánh với những nước láng giềng ở Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam, ta cảm giác như Lào bị thế giới lãng quên.
Mặc dù có những báu vật như thành phố cổ Luang Prabang ở miền bắc, nơi được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhiều du khách thường chỉ đến điểm ăn chơi ồn ào Vang Vieng, một điểm dừng chân vui chơi được nhiều du khách ba lô xuôi dòng Nam Song ưa thích.
Tuy nhiên tôi không tìm nơi vui chơi: mục đích của tôi là tìm đến một bí ẩn đã 2.500 tuổi mà chưa từng có lời giải đáp thỏa đáng.
Hầu như không được các du khách biết đến, Cánh đồng Chum là nơi có hàng ngàn chiếc chum đá có từ thời kỳ đồ sắt nằm rải trên một diện tích hàng trăm cây số vuông trong vùng núi non bao quanh Phonsavan – một con đường vòng xa xôi so với những lộ trình bình thường.
Nằm rải rác ở những vị trí dường như hoàn toàn ngẫu nhiên, một số chum có kích thước rất lớn – cao đến 3 mét, rộng đến 1 mét và nặng hơn vài tấn.
Xương người và các nắp đậy bằng đá cũng được tìm thấy trong khu vực.
Đến nay, người ta vẫn chưa biết thực sự thì những cái chum đá này dùng để làm gì và ai đã tạo ra chúng.
Nơi chôn người?
Căn cứ vào kích thước của chúng và xương người được tìm thấy gần đó, một số nhà khảo cổ cho rằng chúng là nơi chôn cất thời tiền sử của một nền văn minh cổ đại nằm trải dài suốt một tuyến giao thương đã bị quên lãng từ lâu nối giữa lưu vực sông Mekong với vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Một số người khác thì tin rằng những chiếc chum được dùng như dụng cụ đặt xác người chết vào chờ tự phân hủy hết trong giai đoạn đầu của nghi thức tang lễ, trước khi được đưa đi hỏa táng hoặc được đưa đi làm phần nghi thức tang lễ tiếp theo.
Sau khi thi thể phân hủy hoàn toàn, tro cốt sẽ được đưa vào chum; một thi thể khác sẽ được đặt vào và vòng nghi lễ cho những người quá cố khác sẽ lại được lặp lại.
Giải thiết này càng được củng cố với tập quán chôn cất truyền thống của các hoàng tộc ở Đông Nam Á.
Chẳng hạn như với các nhân vật hoàng gia Thái, thi thể người quá cố được hỏa táng nhiều tháng sau khi họ qua đời.
Thi thể của họ được chuyển từ chum này sang chum khác cho đến nghi thức hỏa táng sau cùng với niềm tin linh hồn người chết sẽ đi qua một giai đoạn chuyển hóa dần dần, rời bỏ dương gian và đi vào thế giới tâm linh.
Thêm vào đó, mép của mỗi chiếc chum được cho là để giữ những chiếc nắp đậy lại cho đến khi thi thể phân hủy. Điều này càng chứng minh thêm cho giả thiết này.
Tuy nhiên, người dân địa phương thì có cách lý giải thú vị hơn.
Một số người cho rằng những chiếc chum đá này được tạo ra để chưng cất rượu mạnh từ gạo, và chúng được những kẻ khổng lồ trong truyền thuyết dùng để ăn mừng chiến thắng trước kẻ thù.
Những người khác thì cho rằng những chiếc chum này là để chứa rượu whisky của một người khổng lồ khát nước sống gần vùng núi non của Phonsava.
Tuy nhiên, sự thật là không ai biết được bí mật đằng sau những chiếc chum cổ này.
Phần lớn khu vực Cánh đồng Chum rộng lớn vẫn hạn chế không cho công chúng tiếp cận.
Trong tổng số 60 địa điểm thì du khách chỉ có thể đến thăm bảy.
Địa điểm số một, với hơn 300 chiếc chum và một hang động đá vôi tự nhiên, là nơi giúp chúng ta biết được nhiều nhất về bí ẩn xung quanh những chiếc chum này.
Bí ẩn hang đá vôi
Hồi đầu thập niên 1930, nhà địa chất học và nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp có tên là Madeline Colani đưa ra giả thiết rằng hang động này được dùng làm nơi hỏa táng và tro cốt sau đó sẽ được để trong những chiếc chum tiểu để chôn cất.
Theo giả thiết của bà, đây là nơi thực hiện các nghi thức chôn cất cổ đại và nó đưa ra cách giải thích về nơi những thi thể người chết được đưa đi sau khi phân hủy.
Những bằng chứng được tìm thấy trong hang, bao gồm những mảnh xương, răng người đã củng cố thêm cho giả thiết này.
Tuy nhiên người dân địa phương không tin vào giải thiết này.
Họ cho rằng hang động đá vôi được sử dụng như một lò nung lớn, và những chiếc chum được đúc từ những vật liệu tự nhiên như da thú, đất sét, đường và cát và sau đó được nung lên.
Bước trên cánh đồng, tôi để ý thấy hàng chục những dấu hiệu đánh dấu màu đỏ và màu trắng được đặt cẩn thận trên mặt đất – những dấu hiệu của một bí mật còn bức bối hơn.
Dày đặc bom mìn từ Cuộc chiến Việt Nam
Phonsavan nằm trên hành lang bay của các chiến đấu cơ Mỹ trong thời Chiến tranh Việt Nam và trở thành nơi cắt xả không chính thức của 270 triệu quả bom chùm, khiến nơi này trở thành điểm bị ném bom nặng nề nhất thế giới nếu tính bình quân đầu người.
Khoảng 80 triệu quả bom trong số này không nổ sau khi rơi xuống mặt đất, khiến cho khu vực trở nên nguy hiểm và nhiều vùng đất xung quanh Cánh đồng Chum không thể sử dụng được.
Du khách đến đây chỉ được đi vào những chỗ đã được dọn sạch bom mìn và được đánh dấu.
Tổ chức Tư vấn Bom mìn (MAG), một tổ chức phi chính phủ, cho biết có hơn 50.000 người dân Lào đã thiệt mạng hoặc bị thương vì những trái bom chưa nổ tính từ năm 1964 tới nay.
Mặc dù đã có nỗ lực từ năm 1994 để dọn bom mìn nhưng cũng phải mất gần một thế kỷ nữa để đưa vùng đất này trở thành nơi an toàn, nếu tốc độ rà phá bom mìn được duy trì như hiện nay.
Trung tâm hướng dẫn du khách của MAG đặt trên con đường chính của Phonsavan đem đến cho chúng ta cái nhìn chi tiết và đau lòng về những vấn đề do lịch sử để lại.
Nhìn xung quanh, ta có thể thấy thiệt hại do bom mìn hiển hiện ở khắp nơi; mặt đất lỗ chỗ và nhiều chiếc chum đá bị nứt, vỡ hay bị phá hủy hoàn toàn.
Đặt tay lên mép một chiếc chum nằm cách nơi có thể còn một trái bom chùm chưa nổ chỉ vài mét, tôi nhìn vào bên trong chiếc chum to lớn.
Bất cứ lời giải thích nào về bí ẩn thời xa xưa cũng đã trôi qua từ lâu, chỉ còn lại mạng nhện và nước đọng.
Thời gian và chiến tranh có lẽ đã khiến chúng ta không còn cơ hội hiểu được ai đã tạo nên những kỳ quan này và tại sao.
Chẳng có du khách nào khác xung quanh, đó là một bí ẩn mà tôi tự suy ngẫm cho riêng mình.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
No comments:
Post a Comment