Saturday, January 2, 2016

Du khách sụt giảm, Việt Nam thêm kỷ lục chặt chém

(Bao dat viet) - Chỉ ăn ba tô cháo, một đĩa lòng gà mất gần 1 triệu đồng, chị Lê Thị Lan Hương (Q.Bình Thạnh) dọa kiện cơ quan chức năng.
Tuổi trẻ đưa tin, chị Hương ăn đêm tại một quán ở chợ Đà Lạt bị tính giá 1 triệu đồng cho ba tô cháo và một đĩa lòng gà. Chị dọa kêu cơ quan chức năng can thiệp thì chủ quán mới nói đúng giá là... 200.000 đồng!
Đà Lạt cũng bị một du khách khác than phiền: thông thường giá phòng ở đây chỉ tầm 300.000 đồng, nhưng cái giá để “thưởng hoa đúng dịp” lại bị lên giá đến 1,5 triệu đồng/phòng.
Việc chặt chém du khách không chỉ dành riêng cho khách quốc tế, mà khách nội địa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đây cũng không phải lần đầu, chuyện chặt chém tại các điểm du lịch ở Việt Nam được nhắc đến.
Trước đó, nhiều du khách phản ánh bức xúc khi đến Phú Quốc, khi đã đặt phòng trực tuyến nhưng đến nơi thì hết phòng do khách quá đông, cho nên khách phải chấp nhận ở phòng không quạt, không máy nước nóng mà giá thì đắt gấp đôi so với phòng đã đặt từ trước.
Qua cuộc khảo sát với 70 người dân và du khách ở TP.HCM đã từng bị “chặt chém” khi đi du lịch vào mùa lễ hội do Tuổi Trẻ thực hiện đã cho thấy dịch vụ mà du khách bị chặt chém nhiều nhất trong mùa lễ hội là chi phí ăn uống ở nhà hàng, quán ăn; kế đó là tiền phòng khách sạn và mua hàng hóa hoặc đồ lưu niệm.
Mức độ chặt chém thường là bị tính giá “gấp đôi đến gấp ba” so với mức giá vào những ngày bình thường. Chiêu thức chặt chém là ngấm ngầm đến công khai hét giá. Ngay cả khi có niêm yết bảng giá, nhiều nơi vẫn tính giá cao hơn hoặc đưa ra nhiều mức phụ thu cũng với lý do “đang ngày cao điểm lễ hội”.
Mặc dù thấy ấm ức khi bị chặt chém nhưng hầu hết khách du lịch đều đành chấp nhận trả tiền và chọn cách tự bảo vệ mình khi đi du lịch mùa lễ hội bằng việc chuẩn bị kỹ trước khi đi: đặt trước các dịch vụ, mang theo đồ ăn nhẹ...
D u khach sut giam, Viet Nam them ky luc chat chem
Bảng khảo sát về nạn chặt chém
Trước đó, bên lề Quốc hội, ngày 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng tâm sự ông lên mạng và thấy du khách nước ngoài nhận xét về Việt Nam.
“Họ nói đến Việt Nam sợ nhất 6 điều, sợ nhất là đến Việt Nam bị tình trạng làm giá, chặt chém. Không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà người ta còn cảm thấy không được coi trọng. Sợ nhất là chặt chém, làm giá", Phó Thủ tướng cho biết.
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2015, ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), ngày 10/9 chỉ rõ: “Chặt chém là một trong những nguyên nhân làm cho hình ảnh Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng trở nên không đẹp trong mắt khách du lịch quốc tế và dĩ nhiên có tác động không nhỏ đến quyết định quay trở lại Việt Nam của họ.
Để giải quyết vấn đề này, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch... Hy vọng chỉ thị này sẽ được các địa phương quán triệt và thực hiện có hiệu quả nhằm giải quyết triệt để tình trạng chặt chém".
Có lẽ vì vậy, cho nên dù liên tiếp lọt vào Top đánh giá cao về du lịch trên thế giới nhưng thực tế lượng khách du lịch tới Việt Nam đã giảm mạnh trong năm 2015.
D u khach sut giam, Viet Nam them ky luc chat chem
Nhiều du khách rất sợ nạn chặt chém
Cụ thể, lượng khách quốc tế đến nước ta năm 2015 ước tính đạt 7,943 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm 2014 và là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không trong năm tăng 0,8% so với năm trước, đường bộ giảm 6,5%, đường biển tăng mạnh 27,5%.
Nếu trong năm 2011, Việt Nam đón 6 triệu lượt khách quốc tế thì đến hết năm 2015 đạt gần 8 triệu khách. Năm 2016, ngành du lịch sẽ phấn đấu đạt 8,5 triệu lượt khách.
Như vậy, dù Việt Nam được xếp hạng Top trên các bảng xếp hạng du lịch TripAdvisor, Tạp chí Du lịch - Rough Guides, trang web tư vấn du lịch TripIndex Cities... hay các đánh giá điểm đến du lịch đẹp của thế giới rất cao song điều đó thực sự là một lợi thế chứ không phải là thước đo để đánh giá ngành du lịch Việt.
Thứ Sáu, 01/01/2016 08:30
Sơn Ca (Tổng hợp)

No comments:

Post a Comment