Theo BBC-2 tháng 1 2016
Vài tuần trước ngày diễn ra Đại hội Đảng 12, mạng xã hội đang chia sẻ link bài trên một tờ báo kinh tế trong nước nhấn mạnh các khía cạnh ưu việt của nền chính trị đa đảng.
Hôm 1/1, Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đăng bài “Thương hiệu chính trị - Khắc tinh của hoàng hôn nhiệm kỳ” mượn chuyện bầu cử ở Hoa Kỳ để gợi suy nghĩ về thời sự tại Việt Nam.
Trong bài báo, ông Võ Trí Hảo, Giám đốc Chương trình Tư vấn doanh nghiệp, Công ty Khoa & Associate, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Mỗi một lựa chọn thể chế chính thức sẽ có một hệ quả thể chế phi chính thức tương ứng; pháp luật tạo độc quyền cho cô bán hàng mậu dịch, thì cái mặt “vênh” không xuất hiện mới là điều phi logic.
Thì cũng vậy với thương hiệu chính trị, xói mòn là điều xót xa không thể tránh khỏi, cho những thế hệ nào đã hy sinh xương máu, dày công tạo dựng”.
“Trong chế độ độc quyền thì bè phái sẽ làm tổn hại quyền lực của nhà vua, bởi vậy bị nhà vua khép tội chết hay chí ít là bị truất quyền bởi hành vi gây mất đoàn kết nội bộ.
Nhưng từ khi loài người bước sang thời đại dân chủ, cùng với quyền tự do lập hội, bè phái không còn bị cấm đoán; mà ngược lại được thể chế hóa, pháp luật ghi nhận, tạo điều kiện công khai hóa và kiểm soát, tránh những hậu quả xấu của nó, đồng thời khai thác ưu điểm”, tác giả bình luận.
Ông Hảo giải thích: “Việc pháp luật Hoa Kỳ bảo đảm quyền tự do đảng phái không chỉ là hiện thực hóa quyền tự do chính trị, tự do bầu cử trong Hiến pháp, mà nó còn tạo ra tám hệ quả cho một nền chính trị lành mạnh”.
Một trong số các hệ quả là: “Mỗi một sai lầm, thất hứa, tham nhũng của một đảng sẽ là cơ hội vô giá của đảng đối lập; bởi vậy, mỗi đảng phải hết sức giữ mình, và ngay lập tức yêu cầu đảng viên của mình từ chức, kể cả khi họ không vi phạm pháp luật, nhưng không làm cử tri hài lòng.
Hay nói cách khác, từ chức không phải là văn hóa tự thân, mà nó là hệ quả của việc giữ gìn thương hiệu chính trị tập thể”.
'Không để bị động bất ngờ'
Ngoài ra, bài báo còn có ý nói TP Hồ Chí Minh được cho là văn minh hơn Hà Nội là vì “Cơ chế mậu dịch quốc doanh, mà rộng hơn là cơ chế bao cấp, chỉ áp đặt lên Sài Gòn trong tròm trèm 10 năm (1975-1986), chưa kịp nhuốm phong cách bán hàng phục vụ của người Sài Gòn.
Thay vào đó, phong cách bán hàng, phục vụ của người Sài Gòn đã được định hình bởi cơ chế thị trường gần 100 năm (80 năm Nam kỳ thuộc địa trực trị áp dụng pháp luật thị trường của Pháp, 20 năm Việt Nam Cộng hòa cũng là thể chế kinh tế thị trường)”.
Hôm 31/12, trả lời phỏng vấn BBC từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định 2016 là năm mang tính ‘quyết định thời cuộc Việt Nam giống như năm 1986 mở đường cho ‘đổi mới’.
“Có thể thấy, sự kiện quan trọng nhất năm 2016 của Việt Nam là kỳ Đại hội Đảng 12. Những người lạc quan thì mong đợi kỳ Đại hội này sẽ thiết lập chính phủ mới, quốc hội mới đáp ứng được những kỳ vọng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, luật sư nói.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận: “Rủi ro lớn nhất là phe cấp tiến thân phương Tây trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng không giành thắng lợi trong Đại hội do lực cản từ phía Trung Quốc. Điều này dẫn đến hệ lụy là sẽ làm chậm tiến trình TPP, khiến Việt Nam đánh mất nhiều cơ hội cải cách xã hội và đạt mức tăng trưởng kinh tế mới”.
Ông dự báo mọi chuyển biến của Việt Nam chỉ thật sự rõ ràng khi Đại hội Đảng 12 kết thúc và đem lại kết quả ‘khiến người dân cảm thấy an lòng là Đảng Cộng sản và nhà nước quyết định chọn con đường mới để đi thay vì tiếp tục núp bóng Trung Quốc’.
Trong một diễn biến khác, Thông tấn xã Việt Nam hôm 2/1 đưa tin về buổi họp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương - và Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.
“Tổng bí thư đề nghị cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thủ đô cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt sắp diễn ra Đại hội Đảng 12…
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải nắm chắc tình hình thực tế, có biện pháp phù hợp, kịp thời, khôn khéo,
không để bị động bất ngờ”.
No comments:
Post a Comment