Trần Trung Đạo (Danlambao) - Nhân dịp có sự đụng độ cá nhân giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội đảng CS lần thứ 12 này, người viết xin tổng kết các lý do chính để những ai, nhất là những người nghĩ mình đang đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, hy vọng sự rạn nứt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản và tốt đẹp cho đất nước thì cũng đừng mơ mộng và kỳ vọng nữa...
*
Hôm đó là ngày 11 tháng 9, 1987 và Mikhail Gorbachev đang nghỉ ngơi trong một biệt thự ở Hắc Hải. Một phụ tá trình lên ông lá thư từ chức Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Liên Xô của Boris Yelstin. Gorbachev đọc lá thư mà không tin đó là sự thật. Trong lịch sử đảng CSLX đây là lần đầu một lãnh tụ CS cấp trung ương từ chức. Đấu tranh nội bộ dù sâu sắc như giữa Leon Trotsky và Stalin mấy chục năm trước cũng không có chuyện từ chức. Việc tự ý rời nhiệm sở là việc chưa từng có và cũng không được phép. Leon Trotsky bị tước đoạt mọi chức vụ, loại trừ ra khỏi đảng năm 1927 và cuối cùng bị ám sát ở Mexico năm 1940.
Theo lời Gorbachev, ông gọi về Moscow và ra lịnh cho các phụ tá đến khẩn thiết với Yelstin đừng tiết lộ nội dung lá thư ra ngoài vì quần chúng và thế giới sẽ biết sự rạn nứt trong nội bộ đảng CSLX. Hơn một tháng sau đó, trong phiên họp của ban chấp hành trung ương đảng CSLX, Boris Yelstin chính thức từ chức. Tuy phiên họp được tổ chức trong vòng bí mật, các tin tức về Boris Yelstin từ chức cũng đã nhanh chóng lọt ra ngoài. Mảnh vỡ đó đã dẫn tới tự tan vỡ từ trung tâm đảng CSLX, một tổ chức chính trị bí mật, sắt máu và chặt chẽ nhất từ trước đến nay. Đặc điểm bí mật và sắt máu đã giúp cho cơ chế CS tồn tại với một kỷ lục 74 năm tại Liên Xô so với Đảng Cách Mạng Thể Chế Mexico (Mexico’s Institutional Revolutionary Party) cầm quyền được 71 năm.
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất.
Nhân dịp có sự đụng độ cá nhân giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trong đại hội đảng CS lần thứ 12 này, người viết xin tổng kết các lý do chính để những ai, nhất là những người nghĩ mình đang đấu tranh cho dân chủ Việt Nam, hy vọng sự rạn nứt giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản và tốt đẹp cho đất nước thì cũng đừng mơ mộng và kỳ vọng nữa.
Việc mong đợi đảng CS tự thay đổi chẳng những làm nhụt ý chí đấu tranh, chứng tỏ sự yếu kém của mình mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả các phong trào dân chủ đang cố gắng vươn lên. Những thư kiến nghị, thỉnh cầu lần nữa “đem đàn gảy tai trâu” như bao nhiêu lần trước. Với Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, quyền lợi của đảng bao giờ cũng được đặt lên trên quyền lợi cá nhân. Rồi mai đây, sóng gió trong nội bộ đảng sẽ qua, Nguyễn Tấn Dũng mất quyền nhưng không mất lợi, chỉ có đất nước là bị xâm thực dần cho đến khi mất hẳn vào tay Trung Cộng.
Dưới đây là sáu lý do (*):
1. Đảng CS kiểm soát toàn bộ cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội bằng tuyên truyền và khủng bố.
Lý do này rất hiển nhiên và dễ hiểu. Tuyên truyền kết hợp với khủng bố tạo thành cột xương sống của chế độ độc tài CS. Ngoài nhà tù và sân bắn, đảng CS áp dụng một chính sách tuyên truyền tàn độc nhất trong lịch sử loài người. Tinh vi đến mức người bị tẩy não hoàn toàn không biết mình bị tẩy não mà cho CS là một lý tưởng của đời người và hiến thân cho đến chết.
Sau cách mạng CS Nga, 1917, công việc đầu tiên Lenin phải làm ngay là thành lập cơ quan tuyên truyền Agitprop và trong giai đoạn đầu còn do chính Lenin đích thân lãnh đạo. Tại Trung Cộng cũng vậy, trong đại hội đảng CS Trung Quốc lần đầu vào năm 1921 chỉ bầu ra vỏn vẹn ba ủy viên trung ương nhưng một trong ba ủy viên đó chịu trách nhiệm tuyên truyền.
Cơ quan tuyên truyền tẩy não trung ương đảng kiểm soát từng chi tiết các sinh hoạt tri thức, thông tin, truyền thanh, truyền hình, báo chí. Hệ thống kiểm duyệt trong chế độ Cộng Sản không chỉ ở trung ương mà theo nhiều tầng lớp. Ngay cả khi các tác giả viết bài cũng đã thực thi tự kiểm duyệt vì họ biết những gì nên viết và những gì không được viết trước khi nạp bản thảo cho cơ quan kiểm duyệt nhà nước. Các tác phẩm phim ảnh được duyệt nhiều lần để bảo đảm khi đến người dân không có một tình tiết nào đi ngược với đường lối của đảng.
Để tồn tại sau những đãi lọc của văn minh nhân loại, phương pháp và mục đích tuyên truyền CS cũng thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, trước năm 1990 nền giáo dục CS đặt nặng lên học thuyết Marx-Lenin nhưng sau này thêm vào một cái đuôi tư tưởng dân tộc như tư tưởng Mao tại Trung Cộng và tư tưởng Hồ Chí Minh tại Việt Nam.
2. Đấu tranh nội bộ nhưng có cùng một mục tiêu và bị chi phối bởi một kỷ luật đảng.
Lịch sử phong trào CS thế giới từ Liên Xô đến Trung Cộng hay như vừa diễn ra tại Việt Nam cho thấy dù có đấu tranh nội bộ, các lãnh tụ CS luôn đặt mục tiêu chung của đảng lên hàng đầu. Các lãnh đạo đảng chọn hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự sống còn của đảng. Tất cả đảng viên CS bị chi phối bởi một cương lĩnh duy nhất là cương lĩnh đảng CS.
Để duy trì tính thống nhất, đảng CS áp dụng một kỹ luật sắt trong nội bộ đảng. Ngoại trừ trường hợp Khrushchev tố Stalin trong đại hội lần thứ 20 của đảng CS Liên Xô, ít khi nào một lãnh đạo Cộng Sản đứng lên thẳng thắn vạch trần tội lỗi của lớp lãnh đạo trước. Làm như thế là phản đảng vì đã tạo chỗ hở cho kẻ thù tấn công vào đảng. Không ai tiên đoán được số phận của Boris Yelstin ra sao nếu ông ta từ chức, đừng nói chi dưới thời Stalin mà chỉ 10 năm trước đó.
Đời tư các lãnh tụ CS là tài sản bí mật của đảng. Các lãnh tụ độc tài dù tự sát như Adolf Hitler, bị giết như Benito Mussolini hay bị treo cổ như Hideki Tojo, tội ác của họ cũng đều được phanh phui sau Thế chiến Thứ hai. Các thế hệ lãnh tụ CS thì khác. Tội ác của các lãnh tụ CS được che giấu kỹ. Vai trò của Kim Nhật Thành trong chiến tranh chống Nhật, Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Pháp, Fidel Castro trong chiến tranh chống độc tài Batista, Stalin trong chiến tranh chống Đức, Mao Trạch Đông trong chiến tranh chống Nhật được đề cao đến độ nếu không có họ có thể toàn dân tộc đã bị xóa tên khỏi lịch sử loài người. Hình ảnh Mao Trạch Đông chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, hình ảnh Hồ Chí Minh đọc “tuyên ngôn độc lập” đã được đánh bóng sáng đến mức mọi tội tác tày trời khác của họ đã trở thành trộm vặt.
3. Bảo vệ tính kế tục cai trị của đảng.
Chế độ CS là một chế độ phong kiến đỏ và do đó, đặc điểm kế tục cai trị CS vô cùng quan trọng.
Trường hợp Đặng Tiểu Bình đối với Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình. Đặng Tiểu Bình là một trong những người chịu đựng sự hành hạ và mất mát lớn lao về nhân mạng trong thời Cách mạng văn hóa. Bản thân Đặng Tiểu Bình bị chính Mao thanh trừng nhiều lần và con trai của họ Đặng trọng thương khi bị ném từ cửa sổ xuống đường. Chuyện đời tư của Mao, từ bản chất độc tài, nghi kỵ cho đến cá tính trăng hoa dâm dật, Đặng Tiểu Bình biết hơn ai hết, nhưng khi lên nắm quyền hành, ông ta vẫn tiếp tục sơn son thiếp vàng lên một hình tượng mà cá nhân ông vô cùng căm hận. Trên đồng nhân dân tệ từ đơn vị một đồng cho đến một trăm đồng vẫn in khuôn mặt mỉm cười của một trong những kẻ từng điều khiển bộ máy giết người tập thể khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.
Là một trong số rất ít lãnh đạo Cộng Sản lão thành còn sót lại từ thời Vạn lý trường chinh và cũng quá thuộc sử Tàu, Đặng Tiểu Bình biết, giống như các triều đại phong kiến Trung Hoa, đặc tính kế thừa của một quyền lực trung tâm là một yếu tố sinh tử của chế độ Cộng Sản. Họ Đặng biết rằng điểm trung tâm vỡ toàn bộ hệ thống cai trị sẽ vỡ theo. Đặc điểm kế tục còn được thể hiện qua tầng lớp “Thái tử đảng”, con cháu của các cựu lãnh đạo đảng, tiếp tục vai trò lãnh đạo như trường hợp Ôn Gia Bảo, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình tại Trung Cộng. Tại Việt Nam, thành phần “Thái tử đảng” cũng đang “nối bước cha anh”.
4. Sử dụng “thành phần xăng nhớt” cho bộ máy toàn trị.
Thành phần trung thành và cuồng tín do chính sách tẩy não nặn ra đa số là những kẻ dốt nát, ngu ngốc, phát biểu những câu chỉ làm trò cười cho thiên hạ và không thể điều hành bộ máy nhà nước. Bộ máy độc tài toàn trị CS chạy được nhờ vào một thành phần khác có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao thuộc các lãnh vực của đời sống mà người viết tạm gọi là “thành phần xăng nhớt”.
Khá đông trong “thành phần xăng nhớt” này là những người có học, có kiến thức về kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, biết được lẽ đúng sai nhưng thỏa hiệp với tập đoàn cai trị để đổi lấy một cuộc sống an nhàn, vinh hoa cho bản thân và gia đình. Thành phần này chấp nhận là xăng nhớt cho bộ máy độc tài tiếp tục cày xéo lên đất nước. Nhiều trong số họ được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng thế giới, học và hiểu tường tận các nguyên tắc để xây dựng một xã hội dân chủ nhưng khi về nước họ đã bán thân cho đảng CS. Một khi lớp xăng nhớt này trở thành cặn bã lại có một lớp khác lên thay. Như người viết đã phân tích trong bài “Bàn về tẩy não”, Albert D. Biderman trong bản tin của Viện Hàn Lâm Y Khoa New York gọi thành phần này là những người “cho thấy việc chống lại chỉ là hành động vô ích”, từ đó “phát triển một thói quen tuân phục”, và cuối cùng “đầu hàng có điều kiện” trước đảng CS.
5. Các lãnh tụ CS chỉ giết nhân dân nước họ nên thế giới ít quan tâm.
Không giống chế độ độc tài Đức Quốc Xã tàn sát dân Do Thái, lãnh đạo Cộng Sản các nước thường giết chính đồng bào cùng máu mủ, cùng tổ tiên, cùng đất nước với họ.
Ngay từ sau 1975, dư luận thế giới đã biết đến tội ác của chế độ Pol Pot. Năm 1976, tạp chí Time còn đăng cả bức hình một tội nhân đang bị đánh vào đầu bằng cuốc, tuy nhiên, ngoài Việt Nam tấn công chế độ bằng một lý do riêng vào tháng Giêng, 1978, không một quốc gia nào có hành động cụ thể để ngăn chặn tội ác của Pol Pot.
Theo Black Book of Communism do Harvard do Harvard University Press xuất bản, gần một trăm triệu người bi giết dưới chế độ CS nhưng không phải do nước ngoài xâm lược mà do chính các lãnh tụ CS giết nhân dân nước họ như trường hợp Mao giết 65 triệu, Lenin và Stalin giết 20 triệu, Pol Pot giết 2 triệu, Hồ Chí Minh giết 1 triệu (không tính nhiều triệu người Việt vô tội của cả hai miền trong chiến tranh xích hóa Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975).
6. Lãnh đạo Cộng Sản thường tận dụng ảnh hưởng của kẻ thù đã chết.
Những lãnh tụ Cộng Sản thường tận diệt kẻ thù còn sống nhưng ca tụng kẻ thù đã chết. Stalin ca tụng Lenin, Fidel Castro ca tụng Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình ca tụng Mao Trạch Đông.
Lấy trường hợp Che làm ví dụ. Nếu Ernesto “Che” Guevara không làm cách mạng phiêu lưu Nam Mỹ mà tiếp tục ở lại Cu Ba, thất khó tưởng tượng ông ta có thể sống sót dưới bàn tay của Fidel Castro. Một rừng không có hai cọp, một nước không có hai vua, đừng nói chi là quan hệ giữa Che và Fidel Castro rạn nứt trước khi Che tạm biệt vợ con lần cuối và lên đường đi Bolivia cuối năm 1966. Che chủ trương kỹ nghệ hóa đất nước, Fidel Castro chủ trương củng cố quyền lực trung ương.
Sự khác biệt của Che và Fidel Castro khá giống trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông. Nhưng hôm nay, nếu ai đến Havana, sẽ gặp hình ảnh Che trên khắp ngả đường. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực.
Chủ nghĩa Cộng Sản đã tàn rụi ở châu Âu nhưng trong năm nước còn sót lại sự khổ đau, chịu đựng vẫn còn đến hôm nay và không biết đến bao giờ mới hết. Chiến tranh Lạnh đã tàn. Các nước tư bản tự do vì lý do kinh tế đã không còn giương cao ngọn cờ dân chủ như trước nữa. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ Cộng Sản như là một thực tế của mỗi quốc gia hơn là một phong trào quốc tế. Nhân dân Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Trung Hoa vì thế sẽ tiếp tục là những dân tộc chịu đựng trong cô đơn.
___________________________________
(*) Nhiều ý chính của bài viết này đã được trình bày trong Chính Luận Trần Trung Đạo, độc giả có thể download sách miễn phí tại trantrungdao.com
No comments:
Post a Comment