Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Theo RFA-2016-01-25
Điểm xuất phát từ nhà ga chính của cáp treo lên đỉnh Fanxipan.RFA
Đỉnh Faxipan, mệnh danh mái nhà Đông Dương, cũng là đỉnh của dãy Hoàng Liên Sơn, lệch về Tây Bắc Việt Nam không còn là một huyền thoại nữa. Bởi hiện tại, Sun Group đã bắt đầu xây dựng cáp treo và khai phá Hoàng Liên Sơn để phục vụ du lịch. Câu chuyện của Hoàng Liên Sơn rất giống như câu chuyện của Bà Nà – Đà Nẵng. Và, với người dân thích thám hiểm, muốn đi tìm thuốc quí hay đi khám phá đỉnh núi này, đây là một sự tổn thương nặng nề của thiên nhiên.
Công nghệ đỏ hóa thiên nhiên
Một bạn trẻ trong nhóm leo núi Hoàng Liên Sơn, hiện sống tại Hà Nội, tên Chi, chia sẻ: “Thấy bộ Tết âm lịch thì nó khai trương. Họ qui hoạch 45 hecta. Bây giờ tập đoàn nó mạnh thế thì nó nó đền cho dân tộc một tí là xong. Nó có tiền thì nó chỉ đạo được tất. Mình có nhiều tiền thì mình chỉ đạo cả thủ tướng chứ chẳng chơi đâu! Bây giờ dân tình sống trở lại thời đồ đá rồi! Nó nổ mìn phá tan hoang trên đó, chỉ có mấy cây tùng cổ mấy ngàn năm tuổi thì nó giữ lại để làm du lịch, người ta mới lên xem chứ còn mấy cây pơ mu thì nó chặt sạch rồi. Nói chung là công trình sắp đi vào hoạt động rồi!”
Bây giờ dân tình sống trở lại thời đồ đá rồi! Nó nổ mìn phá tan hoang trên đó, chỉ có mấy cây tùng cổ mấy ngàn năm tuổi thì nó giữ lại để làm du lịch, người ta mới lên xem chứ còn mấy cây pơ mu thì nó chặt sạch rồi.
-Bạn Chi
Theo bạn Chi, việc xây dựng một hệ thống cáp treo hiện đại và được cho là tốt nhất thế giới, dài nhất khu vực để đi lên đỉnh Faxipan và xây dựng thêm sáu điểm dừng chân bằng sáu cụm chùa theo mô hình Thiếu Lâm Tự Trung Quốc là một việc dẫn đến hai hệ lụy: Đỏ hóa thiên nhiên và; Đẩy người thu nhập thấp đến chỗ mù tịt.
Giải thích vấn đề đỏ hóa thiên nhiên, bạn Chi cho rằng chữ đỏ ở đây không có nghĩa là màu của đảng Cộng sản, màu quốc kì gì đó mà nó là màu đỏ của những khu phố đèn đỏ, khu phố chuyên về ăn chơi, mua bán dâm ở Thái Lan, Singapore, Malayxia… Và đương nhiên có cả Sài Gòn, Hà Nội nhưng vì một số lý do nhạy cảm nên nó chưa được gọi là phố đèn đỏ.
Ở những khu phố đèn đỏ, những người bán dâm được hợp thức hóa bằng việc đóng thuế, khám sức khỏe định kỳ và được bảo vệ khi bán dâm trong một chừng mực nào đó. Nhưng quan trọng nhất là kĩ nghệ bán dâm của các cô gái mang về một lượng tư bản không nhỏ cho giới cầm quyền, giới đầu tư. Ở đây, Bà Nà Đà Nẵng và Fanxipan đã bị đỏ hóa, nghĩa là bằng sức mạnh công kĩ nghệ và đồng tiền, người ta đã biến những cảnh quan thiên nhiên còn ẩn mật, trinh tiết như Bà Nà, Fanxipan thành những cô gái điếm phục vụ theo ca, theo tour.
Và không có gì đáng sợ hơn việc con người đã nhanh chóng biến thiên nhiên thành những cô gái lõa lồ để họ lấy tiền. Cái giá phải trả cho việc này là thiên nhiên bị mất đi vẻ tự nhiên của nó và có thể bị khai thác đến cạn kiệt nhưng người dân có thu nhập thấp thì không có cơ hội đến gần, người dân nói chung vẫn mù tịt, không biết người ta đã làm gì với non sông gấm vóc do tổ tiên để lại.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác song hành, có thể nặng nề hơn vấn đề Bà Nà ở Đà Nẵng là con đường lội bộ cho những người khám phá Fanxipan sẽ bị đóng cửa trong nay mai. Chuyện này cũng giống hệt chuyện người ta đóng cửa con đường bộ trải nhựa rộng hơn sáu mét đi lên đỉnh Bà Nà tại Đà Nẵng. Với con đường trải nhựa dành chop hai làn xe hơi vẫn bị cấm cửa với lý do “nguy hiểm” thì chắc chắn con đường tự khám phá của người leo núi sẽ không bao giờ còn khi cáp treo đi vào hoạt động.
Và với cáp treo Bà Nà dài hơn 5km mà mức giá vé đã lên đến 500 ngàn đồng, thì với độ dài gần 7km cộng với độ dốc cũng như khấu phí ở các trạm dừng chân, mức giá vé của cáp treo Fanxipan không thể nào dưới một triệu đồng trên mỗi chuyến. Bạn Chi đưa ra dự đoán này và cũng đưa ra kết luận là người thu nhập thấp không có cơ hội thưởng lãm Fanxipan nữa sau khi người ta cấm cửa Fanxipan để đưa cáp treo vào hoạt động.
Nguy cơ buôn thần bán thánh
Một bạn trẻ khác tên Bình, sống ở thị trấn Sapa, Lào Cai, chia sẻ: “Leo tự túc với cáp treo thì hai cái riêng nhau. Nhưng khi đưa vào khai thác cáp treo thì đường leo tự túc sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Cấm hay không thì người ta vẫn chưa công bố nhưng em nghĩ là chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường rất nặng.”
Theo Bình, một khi hệ thống trạm nghỉ cáp treo bị qui hoạch theo kiểu hệ thống chùa thì nguy cơ nửa nạc nửa mỡ sẽ xuất hiện. Đó là người ta sẽ biến những trạm cáp treo thành những điểm tâm linh khói nhang nghi ngút. Vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến lá phổi thiên nhiên. Đặc biệt là lá phổi chưa bị hoen ố như Fanxipan.
Leo tự túc với cáp treo thì hai cái riêng nhau. Nhưng khi đưa vào khai thác cáp treo thì đường leo tự túc sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Cấm hay không thì người ta vẫn chưa công bố nhưng em nghĩ là chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường rất nặng.
-Bạn Bình
Và có chùa ắt hẳn phải có sư, có sư chắc chắn phải có đệ tử, Phật Tử và các loại hình hoạt động tâm linh, có cúng dường và thùng phước sương. Trong khi đó, hiện trạng các chùa chiền quốc doanh và chùa kinh doanh theo kiểu du lịch tâm linh đầy rẫy khắp đất nước. Điều đó không những phá hoại đạo pháp mà còn gây ra những hệ lụy xã hội không nhỏ. Các hoạt động cầu tài cầu lộc, xin xỏ, cầu may, bói toán diễn ra rầm rộ ở những nơi này.
Trong trường hợp đỉnh Fanxipan có một ngôi chùa và có những hoạt động này diễn ra thì chẳng bao lâu nữa, những loài thuốc quí trên đỉnh núi sẽ không cánh mà bay. Trong khi đó, có thể nói rằng Fanxipan là một kho thuốc của người Việt nhưng nó đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ trong khai thác nhằm bảo vệ sự sống của các loài cây quí. Bởi vì có những cây mọc cả ngàn năm nhưng chỉ bứng đi trong vài giờ.
Và một khi rừng không được quan sát, hay nói cách khác là rừng đã bị đóng cửa để phục vụ du lịch, nhân dân không thể quan sát để can thiệp bảo vệ rừng được thì chắc chắn không sớm thì muộn, mọi loài cây quí của rừng sẽ bị bứng về sân của những đại gia, trọc phú và quan lớn. Đây là bài học xương máu của cả một dãy trường Sơn dài rộng chứ không phải là một sự đoán mò.
Bình đưa thêm nhận xét rằng một khi không khí linh thiêng và hoang dã của ngọn Fanxipan bị đánh tráo bởi những kiểu hoạt động tâm linh của con người nhằm phục vụ kinh doanh thì núi rừng đã bị mất thiêng. Và với Bình, dù đứng trên góc độ nào thì Fanxipan cũng là mái nhà Đông Dương. Ngoài ý nghĩa mái nhà Đông Dương về độ cao 3143 mét so với mực nước biển với mây trời, sương mù và những trận mưa chỉ có ở xứ sương mù nhiệt đới này, Fanxipan còn là một mái nhà tâm linh mang đậm chất huyền bí Á Đông. Hay nói cách khác, Fanxipan là mái nhà tâm linh của bán đảo Đông Dương.
Mọi sự chinh phục được thương mại hóa thì nó không còn mang ý nghĩa chinh phục nữa mà đâu đó có cả sự lợi dụng và tùng xẻo thiên nhiên. Bình đã nói như vậy trước khi kết thúc câu chuyện về việc Sun Group xây dựng cáp treo lên đỉnh Fanxipan.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment