VIÊNG CHĂN (NV) - Ông Thongsing Thammavong, thủ tướng Lào vừa khẳng định với ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ, rằng Lào sẽ tham gia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Ðông.
Năm nay, Lào đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Mới đây, khi tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ, thủ tướng Lào khẳng định rằng, Lào mong mỏi có một ASEAN đoàn kết, bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển Ðông, cùng nhau thực hiện các giải pháp cần thiết để ngăn chặn quân sự hóa và xung đột.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ (trái) và thủ tướng Lào. (Hình: AP) |
Cho đến nay ASEAN vẫn không đạt được sự đồng thuận cần thiết để giải quyết những lấn cấn giữa các quốc gia thành viên với Trung Quốc.
Dẫu không công khai ủng hộ Trung Quốc như Cambodia song “thái độ trung lập” của Lào khiến việc tạo ra “tiếng nói chung” của ASEAN trở thành bất khả.
Ðây là lần đầu tiên Lào công khai bày tỏ quan điểm của mình trước lập trường của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông.
Chưa rõ chính quyền Lào có giống như chính quyền Myanmar: Phải thay đổi chính sách đối ngoại vì quan hệ bất bình đẳng với Trung Quốc càng ngày càng khiến dân chúng phẫn nộ hay không?
Giống như Myanmar, Lào nhận rất nhiều viện trợ, hỗ trợ từ Trung Quốc nên nhượng bộ Trung Quốc về mọi mặt. Kể cả gạt bỏ lợi ích lâu dài của quốc gia sang một bên để mặc cho các tập đoàn, công ty của Trung Quốc thực hiện hàng loạt dự án khuấy động sinh hoạt ổn định của nhiều khu vực dân cư, hủy hoại môi trường của nhiều vùng, khai thác, vắt kiệt tài nguyên của Lào.
Những thông tin liên quan đến chuyến thăm Lào của ngoại trưởng Hoa Kỳ cho thấy, Hoa Kỳ đang gia tăng nỗ lực trợ giúp Lào đối phó với nhiều vấn nạn như: thiếu ăn, rà phá bom mìn, khai thác và bảo vệ hạ lưu sông Mekong.
Sắp tới, Hoa Kỳ sẽ trợ giúp Lào sáu triệu Mỹ kim để cung cấp thực phẩm cho các trường học tại Lào để chống suy dinh dưỡng do thiếu ăn của trẻ em Lào. Hoa Kỳ cũng sẽ hỗ trợ thêm chi phí để rà phá bom, mìn còn sót lại trên đất Lào trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ còn hứa sẽ trợ giúp kỹ thuật để nâng cao lợi ích của hạ lưu sông Mekong vốn rất quan trọng với sinh hoạt, sinh kế của hàng chục triệu người ở Lào, Thái Lan, Việt Nam, Cambodia.
Giống như Việt Nam, Lào là một quốc gia bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích kịch liệt. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, ông đã thảo luận với chính phủ Lào về những lo ngại liên quan tới nhân quyền ở Lào.
Tháng tới, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN sẽ đến Hoa Kỳ tham dự một hội nghị đặc biệt theo sang kiến của ông Obama. Người ta tin rằng, Hoa Kỳ đang cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao chặt chẽ, tích cực với tất cả các thành viên ASEAN để giảm tối đa tác động của Trung Quốc trong khu vực này.
Sau khi rời Lào, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến thăm Cambodia. (G.Ð)
Sau khi rời Lào, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến thăm Cambodia. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment