Tuesday, January 26, 2016

Đại hội 12: ‘Người nào lên cũng phải cải cách’

 Nguyễn Hoàng 
BBC Tiếng Việt, Hà Nội 
8 giờ trước          

Những yếu tố nào thúc giục thay đổi tại Đại hội Đảng và vì sao ghế tổng bí thư lại quan trọng vào lúc này?
Trả lời BBC Tiếng Việt tại Hà Nội hôm 25/1, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói rằng “người nào lên cũng phải cải cách vì Việt Nam đã hội nhập và sức ép từ Trung Quốc là khủng khiếp”.
"2015 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 32.2 tỷ USD và Trung Quốc làm gì ở Biển Đông thì chúng ta đều thấy.
“Người nào lên làm tổng bí thư trong giai đoạn quyết định và cần phải có bước ngoặt như thế này là điều rất hệ trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Dân biểu Dương Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm này. Nhà sử học, dân biểu đã làm việc trong 14 năm qua mô tả sự kiện Đại hội Đảng 12 là “rất quan trọng”.
“Nó càng quan trọng bởi diễn ra vào thời điểm rõ ràng có những thay đổi rất to lớn đối với ba yếu tố.
“Yếu tố thứ nhất là đòi hỏi của người dân ngày càng lớn. Đặc biệt là tiến trình dân chủ hóa.
“Yếu tố thứ hai chính là công cuộc hội nhập nó buộc anh phải thay đổi, anh không chỉ phải thay đổi về chính sách và pháp luật mà còn phải thay đổi cả về tập quán và thói quen.
“Và cái thứ ba tôi nghĩ là bản thân Đảng cũng muốn thay đổi”, ông Dương Trung Quốc nói với BBC cũng vào hôm 25/01 tại Hà Nội.
Bình luận về ghế tổng bí thư, chủ đề được truyền thông trong và ngoài nước theo dõi và bình luận nhiều, ông Lê Đăng Doanh nói vào hôm 25/01 rằng theo cơ chế hiện nay là phải để Đại hội quyết định và chúng ta hãy xem xem Đại hội quyết định thế nào.
“Nhưng theo tôi thì sự quyết định cũng tương đối rõ ràng. Có nhiều chỉ dấu cho thấy có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm tổng bí thư kỳ này”.
Dân biểu Dương Trung Quốc nói ai cũng quan tâm Đại hội Đảng mặc dù mức độ thì khác nhau. 
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói thêm rằng việc chọn lãnh đạo hiện nay được dựa theo các tiêu chí mà ông mô tả là "chưa rõ ràng".
Chẳng hạn như tiêu chí chọn lãnh đạo thì dựa theo tuổi. Rồi dựa vào tiêu chí là người có ‘tham vọng chính trị’. Đã là lãnh đạo mà không có tham vọng chính trị thì là làm sao?
"Nếu tham vọng là làm sao để đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh thì tham vọng đó là phải được hoan nghênh chứ.
“Chính vì các tiêu chí thiếu rõ ràng và không thuyết phục nên người dân đang có nhiều ý kiến,” ông Doanh nói.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng bình luận rằng trong tất cả các ứng viên vào các chức cao nhất "không ai có chương trình hành động gì".
Trả lời câu hỏi của BBC rằng liệu ông đã tiếp xúc với những người dân không hề quan tâm gì tới Đại hội Đảng hay chưa, Dân biểu Dương Trung Quốc mô tả điều ông gọi là “ai cũng quan tâm cả nhưng tùy mức độ".
“Có những người quan tâm trực tiếp tới diễn biến, rồi động thái và đặc biệt là những thay đổi sau một đại hội trong đó có thay đổi về đường lối và thay đổi về con người.
“Có những người tưởng như không quan tâm, nhưng thực ra họ lại rất quan tâm tới đời sống sẽ tốt đẹp hơn hay khó khăn hơn, tự do thoải mái hơn hay khó chịu hơn.
“Có những người có thể nói là họ theo dõi từng ngày từng giờ, theo dõi những biến động khác nhau. Theo dõi thông tin trên hệ thống chính thống cũng như ở Việt Nam gọi là “lề trái” và đôi khi trở thành câu chuyện hàng ngày, thậm chí còn là một hứng thú.
“Cho nên có thể nói Đại hội Đảng tác động trực tiếp tới đời sống xã hội người dân còn mức độ quan tâm thì có khác nhau," ông Dương Trung Quốc nói.

No comments:

Post a Comment