Sunday, January 10, 2016

Tư pháp Việt Nam hành xử như lưu manh mạt hạng

HÀ NỘI (NV) - Nhiều người nhận định như thế khi cả công an, Viện Kiểm Sát lẫn tòa án dùng đủ thứ thủ đoạn khác nhau để phủi trách nhiệm đối với không ít người bị bắt oan, giam oan, kết án oan.


Ông Nguyễn Tấn Đại với con dại và mẹ già. Ông Đại không được bồi thường thiệt hại do bị hàm oan vì “khai báo gian dối” - vô tội mà lại nhận có tội. (Hình: tamsugiadinh.vn) 

Năm 2005, ông Nguyễn Tấn Đại, lúc đó 17 tuổi, ngụ tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, bị công an tỉnh Đồng Nai khởi tố vì “hiếp dâm trẻ em,” Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Nai “thống nhất” với công an tỉnh Đồng Nai về việc ông Đại có tội và truy tố ông Đại ra Tòa. Tòa án tỉnh Đồng Nai phạt ông 9 năm tù.

Ông Đại kêu oan, khi xử phúc thẩm, thấy căn cứ duy nhất để kết tội ông Đại là việc ông “thú tội,” lời thú tội lại mâu thuẫn với các yếu tố khác của vụ án, nên tòa án tối cao hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Do công an và Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Nai không tìm thêm được chứng cứ nào khác nên khi đưa ông Đại ra xử sơ thẩm lần thứ hai, tòa án tỉnh Đồng Nai tuyên bố ông Đại vô tội. Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Nai không đồng ý và kháng nghị, yêu cầu tòa án tối cao kết tội ông Đại. Tòa án tối cao bác bỏ yêu cầu này.

Sau ba năm bị giam giữ, ông Đại được trả tự do khi gia đình đã nát bét. Vợ ông bỏ con lại cho cha mẹ ông nuôi rồi bỏ đi đâu không ai rõ. Cha ông vì buồn phiền nên nhồi máu cơ tim, đột tử.

Ông Đại đòi hệ thống tư pháp phải xin lỗi và bồi thường. Tòa án tỉnh Đồng Nai bảo đó là trách nhiệm của Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Nai. Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Nai lờ đi cho đến cuối năm ngoái mới ra một văn bản, từ chối xin lỗi và bồi thường vì dù hệ thống tư pháp bắt-giam-truy tố-kết tội ông oan nhưng lỗi chính dẫn tới oan sai là do ông: Ông đã “khai báo gian dối - nhận tội mình không làm!”
Chuyện ông Đại tố cáo bị tra tấn, buộc nhận tội, đến nay thỉnh thoảng vẫn còn ói ra máu không có nơi nào thèm xem xét!

Ông Đại không phải là trường hợp duy nhất. Tuần trước, tờ Pháp Luật TP.HCM kể chuyện ông Huỳnh Văn Sang, 26 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận, bị bắt-giam-kết án oan nhưng không được bồi thường vì hệ thống tư pháp “đình chỉ vụ án” là do “bị hại rút yêu cầu khởi tố.”

Tháng 6 năm 2007, ông Sang bị bắt với cáo buộc “cưỡng hiếp” một cô gái bị câm điếc. Tuy có nhiều nhân chứng khẳng định vào đêm mà ông Sang bị cáo buộc đã “cưỡng hiếp” nạn nhân, ông Sang nhậu với họ say đến mức phải có người dìu về nhà rồi ngủ cạnh họ, chưa kể kết quả khám nghiệm nạn nhân không tìm thấy tinh trùng. Lời khai của cha nạn nhân bất nhất nhưng công an, Viện Kiểm Sát thị xã Lagi vẫn khẳng định ông Sang có tội, và tòa án thị xã Lagi phạt ông ba năm tù.

Ông Sang kháng cáo, thấy bản án vô lý, khi xử phúc thẩm, tòa án tỉnh Bình Thuận quyết định hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Tuy kết quả điều tra lại không loại bỏ được những điểm vô lý nhưng công an, Viện Kiểm Sát thị xã Lagi tiếp tục khẳng định ông Sang có tội. Tháng 9 năm 2008, khi đưa ông Sang ra xử sơ thẩm lần thứ hai, tòa án thị xã Lagi tiếp tục phạt ông ba năm tù.

Đó cũng là lý do khi xử phúc thẩm lần thứ hai, tòa án tỉnh Bình Thuận lại quyết định hủy bản án sơ thẩm lần thứ hai, yêu cầu công an tỉnh Bình Thuận điều tra thay công an thị xã Lagi.

Đầu năm 2010, công an tỉnh Bình Thuận đề nghị Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Thuận “đình chỉ điều tra” đối với ông Sang vì hồ sơ vụ án do công an thị xã Lagi thực hiện không vững. Viện Kiểm Sát tỉnh Bình Thuận giao cho Viện Kiểm Sát thị xã Lagi thực hiện yêu cầu vừa kể. Ông Sang được trả tự do sau khi bị giam ba năm.

Kể từ cuối năm 2010 đến nay, ông Sang và thân nhân liên tục đòi minh oan và đòi bồi thường nhưng Viện Kiểm Sát thị xã Lagi từ chối. Cơ quan này bảo rằng, sở dĩ vụ án được đình chỉ điều tra, ông Sang được “miễn trách nhiệm hình sự” là vì “bị hại rút yêu cầu khởi tố!”

Nói cách khác, dù vô tội nhưng ông Sang được tha chỉ vì “bị hại” thấy ông... tội nghiệp chứ không phải hệ thống tư pháp sai.

Tương tự, cuối năm ngoái, Viện Kiểm Sát huyện Cần Giờ, Sài Gòn, mới mời ông Trần Hoàng Minh đến nhận “quyết định đình chỉ vụ án” mà ông Minh, bị bắt, bị giam, bị cáo buộc oan là “trộm cắp.”

Trước nữa, dẫu có đầy đủ chứng cứ cho thấy ông Minh bị bắt-giam-truy tố oan và phải trả tự do cho ông Minh nhưng khi phát hành “quyết định đình chỉ vụ án” mà ông Minh bị cáo buộc là thủ phạm, Viện Kiểm Sát huyện Cần Giờ chọn lý do “đình chỉ vụ án” là vì “sự chuyển biến của tình hình.” Với lý do đó, ông Minh vẫn bị xem là kẻ cắp, hệ thống tư pháp không truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Minh chỉ vì “thấy không cần thiết.”

Khi ông Minh đòi Viện Kiểm Sát huyện Cần Giờ phải sòng phẳng thì cơ quan này thản nhiên trả lời là đã hết thời hạn xem xét khiếu nại.

Ông Minh không chịu bỏ cuộc và với sự hỗ trợ của một số tờ báo, do áp lực của dư luận, Viện Kiểm Sát tối cao đã yêu cầu Viện Kiểm Sát thành phố Sài Gòn phải chỉ đạo thuộc cấp xem lại vụ bắt, giam, truy tố oan nhưng không giải oan mà chỉ “tha làm phước.”

Ông Minh mất thêm một năm kêu oan nữa thì Viện Kiểm Sát huyện Cần Giờ mới thu hồi “quyết định đình chỉ vụ án” cũ để ra “quyết định đình chỉ vụ án,” công khai thừa nhận “trong quá trình điều tra, truy tố không chứng minh được ông Minh đã phạm tội” để ông Minh có cơ sở đòi xin lỗi và bồi thường cho mình.

Trò chuyện với tờ Pháp Luật Thành Phố, một số thẩm phán, cựu thẩm phán, luật sư, thừa nhận luật về “Trách nhiệm bồi thường của nhà nước” hiện hành có nhiều điểm bất cập vì Quốc Hội Việt Nam không tiên liệu được những thủ đoạn mà hệ thống tư pháp sử dụng để né tránh việc phải xin lỗi, bồi thường khi gây ra oan sai. (G.Đ)

01-09-2016 5:09:54 PM 

No comments:

Post a Comment