Chưa bao giờ người dân cả nước hướng chú ý vào việc tranh quyền đoạt ghế của Bộ chính trị như lần này. Càng tới gần ngày bầu bán, không khí càng sôi động hơn. Cạnh đó những động thái có liên quan tới ván cờ máu ngày càng lộ dần làm mọi người như được chứng kiến một cuộn phim gây cấn đang tới hồi kết thúc. Tiếc một điều, cuộn phim ấy không hề cho xem miễn phí vì những nhân vật chủ chốt lãnh tiền cát sê quá cao, cao đến nỗi có nhiều người không tiền đành phải trả bằng máu để được vào xem vở kịch đang diễn trên sân khấu Ba Đình.
Lối vào nhà hát này có hai cửa chính, một bên Đảng soát vé và một bên do Chính phủ trách nhiệm xé cùi vé cho người xem là nhân dân. Đảng do ông Trọng và Chính phủ do ông Dũng. Cả hai nhân vật chính trong vở kịch lịch sử đang trong giai đoạn cao trào và càng gần kết thì giá vé chợ đen vào cửa lại càng tăng vọt.
Vé vào cửa bên ông Dũng thu vào là tài nguyên trên rừng dưới biển. Là từng giọt mồ hôi của người lao động giá rẻ vắt ra cho các công ty ngoại quốc. Là hột lúa xuất khẩu khắp đồng bằng sông Cửu Long, là khoáng sản tại miền Bắc, là những đầm nuôi tôm cá ở miền Nam. Phe cánh Chính phủ tận thu để làm giàu cho cá nhân. Tiền vé vào cửa là đấy. Và tử huyệt của phe ông Dũng cũng là đấy: làm giàu bất chính trên xương máu nhân dân.
Bên cánh cửa của ông Trọng là những cái vé thu phí với giá khác. Những bộ óc của nhiều thế hệ bị vắt kiệt do các lý thuyết cộng sản, viễn cảnh không bao giờ tới của Xã Hội chủ nghĩa, về điều 4 hiến pháp, về hậu hoạn của Bắc phương, về tương lai u ám của đất nước do lệ thuộc quá sâu vào kẻ thù truyền kiếp. Trí thức trả giá vào cửa bằng sự ù lì, óc sáng tạo tê liệt, thời gian dùng vào nghiên cứu lý luận hảo làm kiệt quệ nhân tài dành cho đất nước. Cửa ông Trọng còn nhận vé từ các tập đoàn có hơi hướm Trung Quốc như Tân Hiệp Phát hay các công trình đầu tư do các tập đoàn Trung Quốc lại quả, do đó người dân có thể trả bằng dollar hay Nhân dân tệ cũng đều tốt cả.
Vì lậm vào thứ chủ nghĩa do Trung Quốc dẫn đầu, mượn Trung Quốc làm bức tường để dựa vào khi Liên xô sụp đổ, tử huyệt của Đảng là Hội nghị Thành Đô, một danh xưng đã trở thành biểu tượng bán nước và cũng chính từ bốn chữ này mà Đảng cộng sản không thể làm gì được ông Dũng. Đây là con dao găm giúp ông Dũng bao lần thoát khỏi sóng gió. Là tử huyệt của ông Trọng và hàng trăm ông khác trong Bộ chính trị.
Cửa ông Dũng ưu tiên dollar hơn vì dù sao thì Phò mã cũng là người Mỹ…tóc đen. Gia thế của anh ta không hợp với đảng nhưng lại hợp với ván bài chính trị của chính phủ. Chính phủ cần tiền, còn Đảng thì cần chủ nghĩa. Ông Dũng học lớp ba nhưng xem ra có viễn kiến hơn ông Trọng mặc dù là Tiến sĩ xây dựng đảng, thứ bằng cấp chỉ được một nơi duy nhất trên thế giới nhận vào làm việc: Đảng cộng sản Việt Nam. Có lẽ chữ Đảng sau đuôi ám ông ta cả đời và dân tộc bị ông ta..ám ngược trở lại.
Hai cánh cửa để vào xem vở kịch Ba Đình đều tận thu và không ngoại lệ cho bất cứ ai nhưng nhân dân chúng ta cứ tưởng vào cửa tự do mới đáng buồn.
Không ai trong chúng ta thoát trả tiền vé dù có vào xem vở kịch thô lậu này hay về nhà ngủ để mai đi cày trả nợ. Thầy giáo hay nông dân, kỹ sư hay thợ mỏ đều còng lưng nộp đủ thứ thuế vô hình đánh trên cả dân tộc. Nhà báo bị cướp đi tiếng nói, nhà nông bị cướp đất, nhà văn bị cướp quyền xuất bản, chúng ta bị cướp tất.
Ba triệu đảng viên hí hửng tưởng rằng gia đình mình ngoại lệ, miễn nhiễm. Họ vô tư và ngây thơ khi sống trong chuồng heo vĩ đại của Đảng lại tưởng mình thơm tho vì đã phun các loại nước hoa đắt tiền mua của Mỹ!
Ngay cả hai nhân vật chính cũng không yên ổn gì khi trình diễn các vũ điệu lõa lồ trên chiếc sân khấu có 90 triệu khán giả.
Ông Trọng mặc chiếc áo Xã hội chủ nghĩa trong suốt. Trong suốt vì không một chút ý nghĩa hiện thực nào. Trong suốt nên cơ thể ông hiện ra trước bàn dân thiên hạ như câu chuyện hoàng đế ở truồng bên trời Tây.
Ông Dũng cũng có gì hơn, bỏ hết những của cải vật chất ra trên con người ông còn lại thứ gì? Chỉ là những tiếng hót véo von trong mỗi bài diễn văn được viết trước hay một vài tuyên bố có tính giật tít của báo chí nhằm ve vuốt những ai chống lại phe ông Trọng.
Nếu giỏi và can đảm, dám làm một cuộc cách mạng cho Việt Nam vào lúc này thì ông Dũng trong cương vị Thủ tướng, nắm vững và rõ từng chi tiết cũng như bằng chứng về Hội nghị Thành Đô, hãy công khai dùng nó tiêu diệt những kẻ đang cạnh tranh với ông.
Dù hơi bất chính một chút vì trở mặt với đồng chí, nhưng nhân dân sẽ tha thứ và tiếp tục xem ông là một người hùng, hay gian hùng cũng được, miễn là vở kịch cũ và kéo dài này nên có một kết thúc có hậu.
Cuộc chiến tuy chưa kết thúc nhưng hầu như ai cũng biết ông Dũng không bao giờ dám làm và ông Trọng cũng biết như thế nên cả hai đang chờ cái ngày lịch sử lập lại trong mỗi kỳ đại hội Đảng: thỏa hiệp để cùng tồn tại.
Chỉ có chúng ta, đám khán giả hiếu kỳ và không hề thiếu mộng mơ, khi vở diễn hạ màn chúng ta lại tiếp tục trong vai trò … khán giả.
No comments:
Post a Comment