HÀ NỘI (NV) - Đó là nhận định của giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - FETP (chương trình do Hoa Kỳ viện trợ để ứng dụng lý thuyết kinh tế vào việc soạn thảo và thực thi chính sách).
Các số liệu từ kết quả khảo sát về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan do VCCI thực hiện hồi cuối năm ngoái. (Đồ họa: Tuổi Trẻ)
Tại hội thảo “Tham vấn kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2016 -2020” do Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành, giám đốc FETP, nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là bộ phận bị hệ thống công quyền “hành hạ” nhiều nhất, gặp nhiều rào cản về thể chế nhất. Khi có bất ổn về vĩ mô, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đáng lưu ý là giống như cách nay hàng thập niên, một viên thứ trưởng của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, tiếp tục thừa nhận những hạn chế đó một cách... điềm tĩnh rằng, các chương trình hỗ trợ những các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rời rạc, không gắn kết được với nhau.
Cho đến nay tại Việt Nam, gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vẫn tiếp tục dồn hết cho các doanh nghiệp nhà nước. Dù nắm giữ nhiều nguồn lực nhất song hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp nhà nước kém xa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Người ta đã từng ước tính, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng tới 2.2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu trong khi doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc chỉ cần 1.5 đồng và doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1.2 đồng.
Mặt khác để có thể thu hút đầu tư, hệ thống công quyền tại Việt Nam liên tục nới rộng tay đối với các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Nhờ không phải chịu quá nhiều áp lực của hệ thống công quyền, các doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam nay trở thành nguồn tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất cảng và tạo ra 1/4 việc làm.
Trong khi đó, qua nhiều báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới liên tục cảnh báo, số lượng doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục gia tăng vì thiếu vốn, mãi lực yếu và môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
Bất kể các chuyên gia kinh tế và nhiều tổ chức tài chính quốc tế từng khẳng định, sở dĩ kinh tế Việt Nam tồn tại và phát triển được là nhờ các doanh nghiệp tư nhân mà đa phần thuộc loại vừa và nhỏ, chính sách hỗ trợ phát triển của chính quyền Việt Nam chỉ nhắm vào doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chỉ đứng bên lề.
Thậm chí, theo kết quả của một số cuộc khảo sát thì ở Việt Nam, trung bình để có một đồng lợi nhuận, doanh nghiệp tư nhân phải mất 1.02 đồng để “bôi trơn.” Chỉ cần tham nhũng ở Việt Nam giảm 50% lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng 50% nhưng mơ ước ấy chưa bao giờ thành hiện thực!
Đó cũng là lý do ông Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, cảnh báo, qui mô của doanh nghiệp Việt Nam đang theo xu hướng... li ti hóa, tức là càng ngày càng nhỏ.
Kết quả một cuộc khảo sát của Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam thực hiện năm ngoái cho biết, so với cách nay mười năm, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn bằng một nửa.
Lúc đó, một chuyên gia kinh tế tên là Phạm Chi Lan giải thích, nguyên nhân chính là phần tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được, thành ra doanh nghiệp chẳng còn gì để tái đầu tư, mở rộng hoạt động? Doanh giới thu hẹp hoạt động là lẽ đương nhiên vì làm được một thì có những “ông” không làm gì cả tước đoạt của họ hơn một. Tội gì họ phải làm nữa.
Bà Lan từng tâm tình rằng, Việt Nam đã nhượng bộ rất nhiều để có thể ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA), nhằm mở đường cho hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập thị trường của nhiều quốc gia nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới khai thác được FTA đã ký với Nam Hàn - khoảng 73% chứng nhận xuất cảng sang Nam Hàn được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên phân tích 73% này thì phần lớn doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đó là doanh nghiệp Nam Hàn đầu tư vào Việt Nam, chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam.
Báo giới Việt Nam liên tục cảnh báo, bởi không được hỗ trợ mà còn bị “đè,” nội lực của doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng kém thành ra các doanh nghiệp ngoại quốc đang đẩy nhanh tiến trình thâu tóm thị trường Việt Nam. Chẳng hạn theo thông báo của Hội Nghề Cá Việt Nam, 80% thị trường thức ăn cho thủy sản đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại quốc. Các doanh nghiệp ngoại quốc cũng đang làm chủ thị trường giống và thuốc thú y trong lĩnh vực thủy sản. Tình trạng tương tự còn xảy ra trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, xây dựng...
Hồi cuối năm 2014, bà Victoria Kwakwa, giám đốc chi nhánh Việt Nam của ngân hàng thế giới, khuyến cáo, chính quyền Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và đặc biệt là cần thay đổi tương quan lực lượng giữa doanh nghiệp nhà nước - doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam - doanh nghiệp tư nhân.
Nay, đầu năm 2016, ông Tô Hoài Nam, phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho biết, có đến 99% thành viên của hiệp hội này không muốn thành doanh nghiệp lớn. Sự thật ấy khác xa so với các tuyên bố của giới lãnh đạo Việt Nam và những chính sách mà họ đã ban hành.(G.Đ)
No comments:
Post a Comment