Sunday, January 10, 2016

Bệnh viện xả thải vô tội vạ

Theo NLĐO-10/01/2016 22:25

Tại một số địa phương, nhiều bệnh viện xả chất thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống của người dân

Vừa qua, Báo Người Lao Động đã nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh tình trạng xả thải vô tội vạ của các bệnh viện (BV) ở miền Trung. Người dân sống gần những BV này luôn nơm nớp lo sợ bị ảnh hưởng từ chất thải không qua xử lý xả thẳng ra môi trường.
Người dân lãnh đủ
BV Ung bướu Nghệ An (trước đây là BV Ba Lan, đóng tại TP Vinh) sau hơn 30 năm hoạt động nay đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kết luận nước thải của BV này gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Cụ thể: thông số BOD5 vượt quy chuẩn cho phép 14,2 lần, COD vượt 11,52 lần, sulfur vượt 12,87 lần, amoni vượt 14 lần, tổng vi khuẩn coliforms vượt 22 lần...
Bà Trần Thị Liên - một người dân ngụ phường Hưng Dũng, TP Vinh - bức xúc: “Nước thải từ BV chảy ra ngoài đen ngòm, hôi thối nồng nặc. Tình trạng này diễn ra mười mấy năm rồi nhưng không ai xử lý”.
Không chỉ nước thải, lò đốt rác thải của BV Ung bướu Nghệ An mới đưa vào sử dụng năm 2014 cũng phải ngừng hoạt động vì thường xuyên xả chất độc hại ra môi trường.
Nước thải từ các bệnh viện xả trực tiếp ra môi trường sống của người dân xã Quảng Thịnh, TP Thanh HóaẢnh: TUẤN MINH
Nước thải từ các bệnh viện xả trực tiếp ra môi trường sống của người dân xã Quảng Thịnh, TP Thanh HóaẢnh: TUẤN MINH
Bức xúc không kém, người dân ở xã  Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương về tình trạng xả thải từ BV Lao và Bệnh phổi Nghệ An đóng trên địa bàn. Nhiều người dân nơi đây cho biết nước thải chưa qua xử lý rất độc hại của BV cứ xả tràn ra khu dân cư. Quá lo sợ, người dân đã bỏ hoang hàng chục hecta đất nông nghiệp vì sợ nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước thải này.
Ông Nguyễn Khắc Tuệ, ngụ xã Nghi Vạn, bất bình: “Ô nhiễm cả mấy chục năm rồi, năm nào chúng tôi cũng kiến nghị nhưng chẳng thay đổi được gì. Người dân quanh đây mắc rất nhiều bệnh, kể cả ung thư, nên bà con rất hoang mang, không biết do đâu”.
Ngoài 2 BV trên, tại Nghệ An còn nhiều BV khác cũng đang ngày đêm xả thải ra môi trường, như: BV Đa khoa huyện Diễn Châu, huyện Tân Kỳ, TP Vinh...Ông Bạch Hưng Cử, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Nghệ An, thừa nhận tình trạng nhiều BV, cơ sở y tế trên địa bàn làm ảnh hưởng đến đời sống. Việc này diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Bỏ hoang ruộng vườn
Tình trạng ô nhiễm từ chất thải của BV cũng đang gây hoang mang cho hàng trăm hộ gia đình ở xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xã này có cánh đồng rộng 60 ha, đất màu mỡ, là nơi tạo nguồn lương thực chính của người dân. Ngặt nỗi, cánh đồng này lại tiếp giáp với phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa - nơi tập trung tới 6 BV lớn của tỉnh. Giờ đây, khu vực này chỉ còn mênh mông nước, bèo tây, cỏ dại mọc khắp nơi.
Ông Đỗ Khắc Lâm - Trưởng thôn Trường Sơn, xã Quảng Thịnh - rầu rĩ: “Thôn có 30 ha đất ruộng bỏ hoang khoảng 10 năm qua vì trồng lúa xuống, khi lấy nước vào là lúa chết. Chúng tôi đã rất nhiều lần có ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri, làm đơn gửi các cấp chính quyền nhưng không ai đoái hoài”.
Báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa khẳng định 60 ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Thịnh bị ô nhiễm nặng là do nước thải từ các BV: Đa khoa, Nhi, Phụ sản tỉnh Thanh Hóa... gây ra. Theo ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở TN-MT, những BV này được xây dựng 50-60 năm trước, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp, thậm chí có nơi đã ngưng hoạt động nhưng nước thải vẫn xả trực tiếp ra ruộng lúa của người dân. Sở TN-MT đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và sửa chữa hệ thống xử lý nước thải nhưng các BV không chấp hành.
Không có tiền khắc phục!
Ông Hoàng Văn Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết tình trạng BV, các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường đã kéo dài nhiều năm. Ngành y tế đã đề ra phương án xử lý nhưng các BV không có vốn, kinh phí từ ngân sách thiếu nên không thể khắc phục.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 42 BV, 22 phòng khám đa khoa khu vực, 359 cơ sở hành nghề y tư nhân... Bình quân mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra trên 10,7 tấn chất thải rắn nguy hại. Ngoài 12 đơn vị y tế tuyến tỉnh hiện lựa chọn giải pháp tạm thời ký hợp đồng với các công ty vận chuyển, xử lý rác thải thì các cơ sở y tế còn lại chủ yếu xử lý bằng cách đốt thủ công và chôn lấp sơ sài.

ĐỨC NGỌC - TUẤN MINH

No comments:

Post a Comment