Sunday, January 10, 2016

Cục trưởng PCCC: “Không có chuyện chúng tôi bắt tay với doanh nghiệp”

MẠNH NGUYỄN-16:50 10/01/2016
BizLIVE - "Bình chữa cháy không thể cháy trong xe và không có chuyện bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp".

Cục trưởng PCCC: “Không có chuyện chúng tôi bắt tay với doanh nghiệp”
Ảnh minh họa.
"Bình chữa cháy không thể cháy trong xe và không có chuyện bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp". Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã khẳng định như vậy khi cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo Thiếu tướng Mạnh cho biết, cả nước có 2,6 triệu ô tô đang lưu hành và sẽ tiếp tục gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Để tự bảo vệ, nhiều chủ phương tiện đã trang bị bình chữa cháy cho xe của mình.
"Năm 2014 - 2015 xảy ra 253 vụ cháy ô tô, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố điện, kỹ thuật và sơ suất, bất cẩn khi sử dụng. Nhiều vụ do không có bình chữa cháy để dập kịp thời, gây thiệt hại nghiêm trọng", ông Mạnh cho biết.
Cũng theo ông Mạnh, đến nay, cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chưa chính thức ghi nhận một vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong ô tô và các phương tiện giao thông cơ giới khác.
Nói về cơ sở ban hành thông tư buộc phải trang bị bình chữa cháy trên ô tô, ông Mạnh cho biết đã tham khảo quy định nhiều nước.
"Hiện có 14 quốc gia châu Âu quy định bắt buộc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô. Ở châu Á có Ấn Độ đang đề xuất bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho tất cả các loại phương tiện giao thông. Các nước khác như Nam Phi và một số nước châu Phi cũng quy định trang bị bình chữa cháy trên xe buýt và mini buýt", ông Mạnh cho biết.
Cũng theo ông Mạnh, trong thời gian đầu, cơ quan công an chỉ tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở chứ chưa tiến hành xử phạt.
"Việc tin đồn bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp như dư luận đề cập, chúng tôi khẳng định là không có. Chúng tôi đề xuất ban hành thông tư này với mục tiêu như đã nêu ở trên, vì sự an toàn của xã hội", ông Mạnh khẳng định.
Trước đó, như tin đã đưa, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 57 hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: Ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; nguyên tắc, kiểm định, kinh phí bảo đảm trang bị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sau đây được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thông tư 57 cũng hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô. Theo đó, đáng quan tâm là các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg.
MẠNH NGUYỄN

No comments:

Post a Comment