Sunday, January 10, 2016

Chữ “Công” trong Tứ đức – Khổng Giáo trong đời sống phụ nữ Việt ngày nay

 Hạ Vũ, thông tín viên RFA -2016-01-10  
071_150-2193-630.jpg
Phụ nữ Việt Nam ngoài việc đi làm, hàng ngày vẫn phải nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc gia đình. (Minh họa)  AFP PHOTO
Xét về mặt tự nhiên của con người, bất cứ lúc nào con người không được sống theo những gì bản thân mình mong muốn, đều đem lại các tác động tiêu cực tới đời sống tinh thần và sức khỏe của họ. Đặc biệt là phụ nữ.
Để giữ cho bản thân “đạt chuẩn” về “nữ công gia chánh”, phụ nữ ngày nay phải đối mặt với những áp lực gì!? Và nó ảnh hưởng thế nào tới đời sống của họ!?
Dưới thời phong kiến
Chữ CÔNG theo quan niệm nho giáo được hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan.
“Vá may giữ nếp đàn bà
Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công” (Gia Huấn Cao)
Đây được xem là chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình xưa. Mọi phụ nữ tin rằng, đó cũng là thế mạnh của họ so với đàn ông. Phụ nữ không thể đua với đàn ông về sức vóc, về tài trí, về việc tranh đoạt trong thiên hạ và đàn ông cũng không thể tranh đua với phụ nữ về nữ công gia chánh.
Cho tới ngày nay, các thế hệ 4x, 5x vẫn hoàn toàn chấp nhận và cố gắng rèn luyện bản thân theo chuẩn mực đó.
Cô Phương, một phụ nữ ở Hà Nội chia sẻ về việc phân chia công việc “quản gia” trong gia đình cô:
“Ớ… lại thế, chẳng cô (làm hết việc nhà) thì ai. Lúc cô (làm việc nhà) thì chú uống nước, uống café. Phải chiều nhau thế chứ còn sao nữa. Phải chiều nhau vì phụ nữ phải lo những việc nhà chứ còn sao nữa”
Những quan điểm này, đã hạn chế quyền tiếp cận giáo dục, quyền lao động và kiềm chế cơ hội phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển xã hội,... của người phụ nữ trong xã hội cũ, đặt họ ở vị trí phụ thuộc đàn ông, với vai trò nội tướng (vị tướng đảm trách nhiệm vụ đối nội, lo việc trong gia đình), là chỗ dựa tinh thần cho người đàn ông.
Tuy nhiên, dù sao những chuẩn mực đó, cũng chỉ dừng lại ở việc kìm kẹp người phụ nữ. Trong xã hội ngày nay, chữ CÔNG không thể chỉ hiểu là sự khéo léo về nữ công gia chánh, đảm đang việc nội trợ, chăm lo gia đình mà còn là có óc tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngoan, khỏe, học giỏi. Ngoài ra họ còn phải là người lao động giỏi có trình độ, có tay nghề.
000_Hkg10241914-400.jpg
Phụ nữ và công việc mưu sinh cho gia đình. (Minh họa)
Người phụ nữ ngày nay tham gia hoạt động tích cực trong các lĩnh vực xã hội, gánh vác đủ mọi việc của một công dân không thua gì cánh nam giới, và bên cạnh đó cũng vẫn cần trau dồi “tứ đức” của người phụ nữ nhưng cần tạo điều kiện cho chúng tỏa sáng ra phạm vi rộng hơn là khuôn khổ hạn hẹp của một gia đình.
Để có thể “tỏa sáng” ở môi trường công việc, người phụ nữ cần học tập luôn cả bốn đức tính người ta thường hay nhắc nhở đàn ông là “Trung, Đế, Hiếu, Nghĩa” và ở đây cũng vậy, cần thoát khỏi phạm vi gia đình ra ngoài xã hội để có thể “Trung với nước (hay Đảng) và Hiếu với Dân”. Có như vậy thì mới thực hiện được yêu cầu mới giành cho họ là “giỏi việc nước – đảm việc nhà”.
Mọi tài liệu truyền thông của Đảng đều cho rằng đó là một bước tiến mới trong tiến trình “bình đẳng giới”, cho phép người phụ nữ được đua tranh với nam giới trong công việc. Công – Dung – Ngôn – Hạnh được xem là “thiên chức” của người phụ nữ, là những sự khác biệt để phân biệt giữa Nam và Nữ.
Nhiều bài viết, chuyên mục tư vấn,... về vấn đề giới của các “chuyên gia tâm lý” đã đồng nhất việc người phụ nữ xa rời “công – dung – ngôn – hạnh” với sự phát triển của số lượng những người đồng tính luyến ái, với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những cô gái theo phong cách tomboy hay công khai giới tính thật của mình,…
Những “chuẩn mực” mới này, đã dồn thêm rất nhiều áp lực lên những người phụ nữ hiện đại. Chị Phong, một phụ nữ ở Hà Nội, người đã thực hiện “cuộc cách mạng” về phân công việc nhà và vai trò của mỗi thành viên trong gia đình chị, chia sẻ:
“Trước đây thì thực ra là bản thân mình là vợ hoặc mẹ chồng (bà) hoặc là người giúp việc (làm việc nhà). Chồng chị thì NO. Nó là một thứ định kiến gì đó nhưng nói chung là chỉ có đi làm về xong rồi nằm dài xem tivi, điện thoại, đọc báo, xong rồi xuống ăn cơm.
Chắc vì mọi người có một số quan điểm hơi dở hơi là “nữ công gia chánh”, “xuất giá tòng phu” rồi cái khỉ gió khỉ tiều gì đấy. Rồi đại khái là miệt thị phụ nữ, nó tự làm cho cái gọi là vị thế, mặc nhiên là phụ nữ sinh ra để làm những việc đấy, trong khi đấy họ vẫn phải đi kiếm tiền. Rất là vô lý. Tự nhiên họ bị cái gánh nặng gấp đôi lên. Gấp ba chứ không phải là gấp đôi. Nó mệt mỏi vô cùng. Nếu mà đi kiếm tiền thì thôi cái này mà làm cái này thì thôi kiếm tiền. Nhất là chưa nói đến việc sinh nở, sức khỏe này kia… nó không thể nào khỏe được như nam giới mà bây giờ bắt họ gánh nặng gấp mấy lần nam giới, không có nghỉ ngơi. Chưa kể ngày xưa con mọn còn thức đêm, thức hôm. Đêm hôm bú mớm rồi này nọ… bây giờ còn đòi hỏi, bóc lột sức lao động thế thì làm sao được.”
Để giải quyết vấn đề nan giải của việc nhà, rất nhiều phụ nữ thuộc thế hệ phụ nữ 8x đã lựa chọn thuê người giúp việc như một giải pháp tiêu cực để đàn ông ko phải cùng họ chia sẻ việc nhà. Giải pháp này đã đem đến rất nhiều hệ quả xấu: mẹ không chăm sóc, gần gũi với con hay chồng bồ bịch với osin,... làm chủ đề nóng cho rất nhiều bài báo, tác phẩm văn học cũng như phim truyền hình…
Chị Phong cho biết:
“Giúp việc làm thì mình không khoái lắm. Lâu lắm rồi mình không có giúp việc vì giúp việc nó tạo cho cả nhà mình ỉ lại. Con cái cũng ỉ lại rồi nó tạo ra sức ì rồi các thứ. Rất tệ.”
Giải pháp “giải phóng bản thân” mà chị lựa chọn là phân chia việc nhà cho mọi thành viên trong gia đình, bao gồm cả chồng, bố mẹ chồng và các con.
Để giải quyết vấn đề nan giải của việc nhà, rất nhiều phụ nữ thuộc thế hệ phụ nữ 8x đã lựa chọn thuê người giúp việc như một giải pháp tiêu cực để đàn ông ko phải cùng họ chia sẻ việc nhà. Giải pháp này đã đem đến rất nhiều hệ quả xấu: mẹ không chăm sóc, gần gũi với con hay chồng bồ bịch với osin,... làm chủ đề nóng cho rất nhiều bài báo, tác phẩm văn học cũng như phim truyền hình…
“Mình phải tự giải phóng mình thôi. Tớ phân công việc nhà. 3 đứa trẻ con mỗi đứa một việc, trong việc giặt giũ quần áo thì đứa nào giặt, đứa nào phơi, đứa nào rút, đứa nào cất, chúng nó phải tự phân công nhau. Nấu cơm thì tiện ai người ấy nấu. Tất nhiên thì buổi chiều ai về sớm thì người đấy nấu còn rửa bát thì bọn trẻ con tự phân công nhau. Thế thôi. Còn bây giờ mình cũng phải giải phóng mình.”
Tuy nhiên, cái vòng luẩn quẩn “trồng người theo định hướng” đó, đang ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ Việt, không nhiều người tìm được giải pháp tốt giống chị. Không những thế, báo chí, truyền thông với sự nửa vời, với việc “làm theo định hướng, chỉ đạo” của Đảng (Ban tuyên giáo) càng làm cho mọi việc rối rắm hơn khi những chỉ đạo này không được sát sao và kịp thời.
Tác động mang lại, là cả xã hội phản đối việc đàn ông và trẻ em trai chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ. Hầu hết người dân, thậm chí là đại đa số phụ nữ cho rằng đàn ông làm việc nhà là mất đi vẻ nam tính, sẽ trở nên yếu đuối.
Đối với chị Phong, phản ứng từ gia đình là:
“Lúc mà mình quyết định tự giải phóng bản thân thì ông chồng cũng kêu ca. Mọi người thì cũng ý là tỏ thái độ nhưng không nói một cách rõ ràng nó ra nhưng mình bảo là mệt quá rồi, đi làm về mệt mỏi, căng thẳng, mệt phờ phạc rồi. Bây giờ giả sử đổi vai đi, anh đi làm kiếm tiền hết, nuôi con đi. Tôi sẽ ở nhà nội trợ và cũng dạy con nữa. Chứ còn bây giờ vừa bắt đi kiếm tiền, vừa phải dạy con học hành, lo việc trường lớp cho con xong rồi về nhà lại phải lo việc nhà, nấu nướng, giặt giũ, rửa bát thì sức người đâu đủ.
Tại vì tớ bắt nó (thằng con trai) rửa bát, dạy nó thói quen chia sẻ công việc với chị và em gái từ khi nó lớp 2 thì nó hơi làu nhàu. Ông bà nội thì hơi xót xa, cứ bảo để đấy ông bà rửa cho các thứ. Nhưng mình bảo không. Nhìn tấm gương của bố cháu (do cách chiều của ông bà), mẹ cháu không chấp nhận được và đề nghị ông bà để đấy để con dạy con của con. Và nhìn tấm gương bây giờ ông bà vẫn còn phải đi theo để phục vụ 3 thằng con trai của ông bà. Rất là khủng khiếp. Kể cả việc thay quần áo. Chỉ việc nhấc 2 cái chân ra, bước đi và rải tất từ tầng 1 lên tầng trên và quần áo để đâu vứt đấy, chán vô cùng… thì ông bà phải chấp nhận thôi, ông bà phải để cho mình dạy cháu ông bà và đến bây giờ thì đã quen rồi, chúng nó cũng phải chấp nhận đến giờ thì chúng nó phải đi làm việc nhà, phải gấp quần áo,... không thì mệt lắm.”
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tham gia công ước CEDAW – công ước quốc tế về việc loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được Liên hiệp quốc thông qua vào năm 1979.
Công ước định nghĩa việc phân biệt đối xử với phụ nữ như sau:
“Bất cứ sự phân biệt, sự loại trừ hoặc hạn chế nào được thực hiện trên cơ sở giới tính mà có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm suy giảm hoặc vô hiệu hoá sự công nhận, quyền thụ hưởng hoặc quyền sử dụng của phụ nữ, bất chấp tình trạng hôn nhân của họ, trên cơ sở bình quyền nam nữ, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản khác trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự hoặc bất kỳ lãnh vực nào khác”.
Công ước cũng thiết lập một danh sách hành động để chấm dứt việc phân biệt đối xử dựa trên giới tính, trong đó có yêu cầu “các nhà nước phải có các biện pháp để tìm cách loại bỏ những thành kiến và phong tục dựa trên ý tưởng về sự thua kém hoặc sự ưu việt hơn của một giới tính hoặc trên sự thể hiện giới tính rập khuôn”.
Việc đưa ra các mục tiêu xây dựng người phụ nữ hiện đại (Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang), phong trào thi đua “giỏi việc nước – đảm việc nhà”,... không những không giúp giải phóng phụ nữ khỏi những thành kiến giới mà còn tăng thêm áp lực cho cuộc sống của họ trong điều kiện xã hội mới.

No comments:

Post a Comment