Theo BBC-23 tháng 1 2016
Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc buổi làm việc chiều ngày 23/1 với biểu quyết thông qua số lượng 200 Ủy viên Trung ương khoá 12 gồm 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Trả lời báo chí trong nước, Thượng tướng Võ Tiến Trung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng - đã nói tới một trường hợp "đặc biệt để tái cử":
"Trung ương khoá 11 giới thiệu bốn người ở lại, cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng là năm. Nhưng cả bốn người, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, đều báo cáo xin rút", tướng Trung nói, và việc giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại là "mang tính kế thừa, giữ vững ổn định chính trị và nhất là giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng."
Vẫn theo tướng Trung cho biết thì "Ban chấp hành Trung ương làm rất là dân chủ. Bộ Chính trị không có quyền cho rút và Bộ Chính trị đưa cả bốn đồng chí đó ra Trung ương bỏ phiếu kín về việc có cho phép rút không.
"Sau đó Hội nghị Trung ương 14 đã kết luận là cho cả bốn đồng chí, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, được phép rút. Như vậy là chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Bộ Chính trị nhất trí giới thiệu."
Tướng Trung giải thích thêm là tuy cả bốn vị "hoàn toàn tự nguyện xin rút, nhưng Trung ương chưa cho rút thì phải bỏ phiếu kín. Trung ương cũng đã hết sức dân chủ, đoàn kiểm phiếu 22 đồng chí đã kiểm phiếu mới có kết quả là đồng ý cho 4 đồng chí này rút", và chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "lớn tuổi nhưng được Trung ương đồng ý là trường hợp đặc biệt để tái cử vào chức danh Tổng Bí thư khóa XII."
'Đại hội có quyền quyết định cao nhất'
Tuy nhiên với quy chế đề cử, ứng cử hiện nay thì không có nghĩa là bốn vị lãnh đạo đã được Trung ương đồng ý cho rút, sẽ không có khả năng được bầu lại.
Tướng Võ Tiến Trung giải thích, trong trường hợp tại Đại hội Đảng lần thứ 12 có đại biểu ngoài Trung ương đề cử mà bốn vị này vẫn muốn rút thì "Đại hội vẫn sẽ phải bỏ phiếu hoặc biểu quyết (đó là do quyền của đoàn chủ tịch) để đưa ra quyết định cuối cùng là có cho rút hay không".
"Đại hội là cơ quan có quyền quyết định cao nhất. Trường hợp Đại hội bỏ phiếu quá bán không cho rút thì các đồng chí đó lại tiếp tục ứng cử," tướng Trung nói.
Theo Quy chế bầu cử đã được thông qua thì số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu, và hiện Ban chấp hành Trung ương khoá 11 đã chuẩn bị số lượng đề cử có số dư hơn 10%, nên danh sách ứng cử, đề cử nếu số dư nhiều hơn 30% thì Đoàn chủ tịch sẽ lấy phiếu xin ý kiến Đại hội về các ứng cử viên mới (nằm ngoài danh sách Ban chấp hành Trung ương đề cử) để lấy cho đủ số dư tối đa 30%, tướng Trung giải thích.
Hiện chưa có thông tin hay được biết có ai tự ứng cử.
Lịch trình
- Ngày 24/1 các đoàn sẽ thảo luận cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và ghi phiếu đề cử, ứng cử.
- Sáng 25/1 các đại biểu sẽ ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử (nếu có) và chiều 25/1 Đại hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử, các trường hợp xin rút.
- Việc bỏ phiếu bầu chính thức sẽ diễn ra vào sáng ngày 26/1 và chiều cũng ngày tiến hành kiểm phiếu và công bố danh sách người trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
- Ngày 27/1, Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại trụ sở Trung ương Đảng.
- Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đọc diễn văn bế mạc Đại hội vào sáng 28/1.
Thông tin về nhân sự chủ chốt sẽ được thông báo trong buổi họp báo ngay sau khi Đại hội bế mạc.
No comments:
Post a Comment