Theo NLĐO-23/01/2016 23:10
Muốn ngăn chặn triệt để hàng lậu vận chuyển qua vô số đường mòn, lối mở ở vùng biên giới, lực lượng chức năng chỉ có cách… giăng hàng ngang, tạo thành “hàng rào người” canh giữ. Song, đường biên giới rất dài, rừng núi thì mênh mông, người đâu cho xuể!
Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng đã giúp tình hình buôn lậu tại một số vùng biên giới có giảm so với dịp Tết 2015. Tuy nhiên, với siêu lợi nhuận từ buôn bán hàng lậu, các đầu nậu cũng như cánh cửu vạn vẫn tìm đủ mọi thủ đoạn lọt qua phòng tuyến ngăn chặn để tuồn hàng về Việt Nam tiêu thụ.
“Bạn đồng hành” của dân buôn lậu
Địa hình rừng núi hiểm trở với hàng loạt đường mòn, lối mở ở vùng biên giới lâu nay được xem như “bạn đồng hành” của dân buôn lậu. Ông Nguyễn Công Tuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn - cho biết tại các khu vực như đường mòn 05, 06, 386, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Hang Dơi, hai bên cánh gà cửa khẩu…, tình trạng buôn lậu chưa khi nào yên ắng.
Cửu vạn xách hàng thuê qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Cách cửa khẩu Cốc Nam không xa, tại các đường mòn, lối mở trên núi Khơ Đa, lực lượng biên phòng Lạng Sơn đã dựng 18 lán, cuối năm 2015 dựng thêm 12 lán nữa để chặn bắt hàng lậu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Tuy nhiên, khi đường này bị ngăn chặn thì ngay lập tức, các đối tượng buôn lậu liền tìm đường mới để chuyển hàng.
Để tránh chốt kiểm soát của lực lượng biên phòng khu vực Gốc Bưởi, dân vận chuyển hàng lậu đã mở đường vượt qua sườn núi hiểm trở lên cột mốc 1099, vòng về Lũng Khơ Đa, đường mòn 474 rồi ra ngã ba Ma Mèo. Khi bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng chặn bắt hàng lậu, cánh cửu vạn lại mở đường qua khu vực cột mốc 1097/2 đi xuống mỏ đá Tà Lài. Khi bị chặn bắt ở khu Tà Lài, chúng lại chuyển hướng vận chuyển hàng qua các cột mốc 1097/1, 1096 vào xóm Lũng Cáu, thôn Háng Mới để ra Quốc lộ 4A...
“Muốn ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn, lối mở ở vùng biên giới, lực lượng chức năng chỉ có cách... nắm tay nhau giăng hàng ngang, tạo thành “hàng rào người” canh giữ. Thế nhưng, đường biên rất dài, rừng núi thì mênh mông, người đâu cho xuể!” - nhiều cán bộ Cục Hải quan Lạng Sơn bày tỏ.
Ông Trần Văn Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - cho biết với những nơi mà lực lượng hải quan, biên phòng lập chốt để ngăn chặn thì tình trạng vận chuyển hàng lậu được kiểm soát. “Tuy nhiên, hàng lậu giảm ở chỗ này thì lại “phình ra” ở nơi khác vì lực lượng chức năng không thể đủ người để chặn bắt” - ông băn khoăn.
Việc người dân địa phương đổ xô đi làm cửu vạn cũng gây khó khăn không ít cho lực lượng chức năng. Theo ông Trần Văn Hùng, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn, đầu nậu thường thuê cửu vạn chuyển hàng với giá 10.000-20.000 đồng/kg. Trừ tiền ăn uống, bảo kê…, mỗi ngày một người kiếm được trên dưới 1 triệu đồng.
“Thu nhập như vậy là cao hơn rất nhiều so với việc ruộng nương nên nhiều người dân vùng biên rủ nhau đi làm cửu vạn, ngày đêm tuồn hàng từ bên kia biên giới về” - ông Hùng lo ngại.
Lập lờ đánh lận người tiêu dùng
Tại vùng biên giới Quảng Ninh, TP Móng Cái luôn được giới đầu nậu hàng lậu xem là địa bàn trọng điểm, thuận lợi để hoạt động, nhất là những ngày cận Tết. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng đã giúp hạn chế phần nào tình trạng buôn lậu nhưng nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp và khó lường.
“Do lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng, sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn để luồn lách, trốn tránh lực lượng chức năng. Mặt khác, do cơ chế còn nhiều bất cập, đời sống người dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn nên bị các đầu nậu dụ dỗ, lôi kéo tiếp tay cho chúng. Các đầu nậu gần đây còn theo dõi cả lịch họp của cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu để tìm cơ hội đưa hàng lậu, hàng cấm qua biên giới” - ông Dũng lo ngại.
Ngoài TP Móng Cái, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả còn nóng bỏng ở nhiều địa bàn khác như: Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Hà... Điều đáng lo ngại là gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng người Trung Quốc câu kết với các doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng.
“Có trường hợp hàng lậu được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng lại được đóng gói bao bì tại Móng Cái, sau đó đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Một số mặt hàng mà người tiêu dùng trong nước ưa chuộng như quần áo, đồ điện dân dụng... được các đối tượng đặt hàng những cơ sở trái phép ở khu vực Quảng Châu - Trung Quốc sản xuất. Các sản phẩm này có mẫu mã, bao bì, cách hướng dẫn sử dụng giống hệt hàng thật do Việt Nam sản xuất nhưng giá thấp hơn nhiều, sau đó được thẩm lậu qua biên giới khu vực Móng Cái” - đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng.
Những ngày giáp Tết năm nay, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, một số mặt hàng từ Trung Quốc được nhập lậu nhiều qua địa bàn mà lực lượng chức năng chặn bắt không xuể gồm: thuốc lá, rượu ngoại, pháo, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ tiêu dùng... Những mặt hàng này được vận chuyển về khắp nơi để tiêu thụ, thậm chí trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng.
Đề nghị tiêu hủy xe chở hàng lậu
Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, để công tác phòng chống buôn lậu hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh cũng như Tổng cục Hải quan nên kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiêu hủy xe máy không có giấy tờ hợp pháp dùng chở hàng lậu.
Lâu nay, khi các phương tiện không giấy tờ bị lực lượng chức năng tịch thu rồi bán đấu giá, cánh đầu nậu và dân vận chuyển hàng lậu thường mua lại để sử dụng. Trong khi đó, số tiền thu được từ việc đấu giá những xe này chẳng là bao và không đủ trả chi phí giám định. Chưa kể, xe dạng này thường được cải tạo, gia cố nhưng không đăng ký với lực lượng chức năng, khi bị phát hiện, dân buôn lậu sẵn sàng bỏ cả hàng và phương tiện để thoát thân.
Nhóm phóng viên
No comments:
Post a Comment